Tin thủy sản Đồng Tháp dẹp loạn nạn cào điện trên sông rạch

Đồng Tháp dẹp loạn nạn cào điện trên sông rạch

Tác giả Trần Ngọc, ngày đăng 12/08/2016

Hết cá tôm vì kiểu khai thác tận diệt

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang lên dần mang theo nguồn cá tôm từ thượng nguồn đổ về hạ lưu. Đây cũng là thời điểm làm ăn “thuận lợi” của các ngư dân theo nghề câu lưới ở các địa phương, thế nhưng có một số người đã sử dụng xung điện để tận diệt cá tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người theo nghề chân chính.

Ông Lê Văn Đuột (Tư Đuột, 62 tuổi) chuyên sống bằng nghề câu lưới ở khóm 6, phường 6, TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho hay, chưa bao giờ gia đình ông bắt được lượng cá sông Tiền ít như hiện nay. Nguyên nhân khiến lượng cá, tôm sụt giảm ngoài mực nước thấp còn do kiểu khai thác tận diệt bằng xung điện, cào điện gia tăng. Ông Tư Đuột bức xúc nói: “Mấy năm nay bọn ghe cào điện hoạt động mạnh quá nên thả lưới cá không dính được bao nhiêu. Hết đợt xác lưới này chắc gia đình tôi bỏ nghề vì cá quá ít. Trước tôi bắt cá được 10 phần thì giờ lượng cá chỉ còn có 1 phần thôi”.

Ghe cào điện mà ông Tư Đuột nói là các ghe cào chạy bằng máy xe ô tô có gắn bộ đinamô phát điện kết nối với giàn cào rộng từ 4 - 6m để càn quét các sông rạch, ruộng đồng, tận thu nguồn cá tôm. Do thu được nhiều lợi nhuận nên số lượng ghe cào có sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản ngày càng phổ biến. Nhiều người bức xúc với các ghe cào tận diệt nguồn tôm cá, có thái độ phản ứng liền bị chúng chửi bới, rượt đuổi.

Ông Tư Đuột nói: “Có lần mấy anh em sống bằng nghề câu lưới trong xóm phản ứng thì bị nó rượt đuổi lên tận bờ. Có lúc quá bức xúc, gia đình tôi rượt đuổi với mấy ghe cào qua lại gần cả tháng”.

Trung tá Nguyễn Thanh Luân - Phó phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua thống kê ở 9/12 huyện, thị, thành của tỉnh có tổng cộng hơn 200 cá nhân chuyên khai thác thủy sản bằng ghe cào có sử dụng xung điện, xiệt điện. Nhiều nhất là huyện Hồng Ngự với 49 trường hợp, kế đến là TP.Sa Đéc có 36 trường hợp. Tuy nhiên, số liệu trên chỉ là bề nổi mà lực lượng chức năng tỉnh thống kê được, thực tế số lượng người dân dùng xung điện, xiệt điện để khai thác thủy sản rất lớn.

Nhiều công trình bờ kè có thể bị ảnh hưởng do nạn cào điện

Trên địa bàn tỉnh có nhiều bờ kè được Trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Để bờ kè được sử dụng lâu bền, đơn vị thi công tiến hành thả các rọ đá bảo vệ ở khu vực tiếp giáp chân kè và đó cũng là nơi trú ẩn của nhiều loại cá tôm. Các ghe cào điện cũng thường đến đánh bắt thủy sản ở khu vực này, gây ảnh hưởng đến chất lượng bờ kè. Như đoạn bờ kè sông Tiền bảo vệ dân cư ở phường 3, phường 4 (TP.Sa Đéc) và xã An Hiệp (huyện Châu Thành) có tổng chiều dài hơn 8km đã thu hút nhiều ghe cào đến hoạt động ngày đêm, gây lo lắng cho người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Hận - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “An Hiệp là vùng sạt lở nên xây dựng được bờ kè, người dân rất mừng. Tuy nhiên, nhiều ghe cào lại chọn khu vực gần bờ kè để đánh bắt thủy sản, có lúc cao điểm 4 ghe cào dàn hàng ngang khai thác khiến người dân rất bất bình và phản ánh qua nhiều cuộc họp dân. Trong năm 2015, xã phối hợp với ngành chức năng huyện bắt và xử lý 2 trường hợp ghe cào điện hoạt động gần khu vực bờ kè”.

Theo ông Phan Công Hậu - Trưởng phòng Quản lý thi công - Ban quản lý dự án công trình ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, tình trạng các ghe cào hoạt động ở khu vực bờ kè có thể làm bung nắp các rọ đá, khiến đá bên trong dịch chuyển, ảnh hưởng đến bờ kè. Vừa qua, ngành chức năng tỉnh đã bỏ ra chi phí hơn 100 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng bờ kè do ảnh hưởng từ các phương tiện thủy, ghe cào điện ở khu vực bờ kè phường 3, TP.Sa Đéc.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các ghe cào điện, xiệt điện

Trước những bức xúc của người dân về tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản, ngày 29/4/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng có Công văn số 249/UBND-KTN chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tăng cường đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.


Ghe cào điện đã bị Phòng Cảnh sát Đường thủy tạm giữ

Qua đó, Công an tỉnh đã quan tâm phối hợp với các ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, không đánh bắt thủy sản trái phép, không tận diệt nguồn lợi thủy sản để người dân hưởng ứng, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm. Đồng thời, Công an tỉnh cũng mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, đánh bắt thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, kiên quyết đấu tranh, xử lý đối với hành vi vi phạm.

Kết quả, qua 3 tuần thực hiện đợt cao điểm (tính từ ngày 10/7 đến ngày 3/8/2016), Phòng Cảnh sát Đường thủy (CSĐT) Công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng các địa phương tuần tra, phát hiện bắt giữ 15 vụ/21 đối tượng dùng ghe cào điện để đánh bắt thủy sản. Phòng đã giao cho lực lượng chức năng các địa phương xử phạt được 8 vụ với tổng số 21 triệu đồng và tịch thu nhiều đinamô phát điện, dây điện, giàn cào lưới,... Số vụ việc còn lại đang được ngành chức năng các địa phương tiến hành xử lý theo quy định.

Đặc biệt, trong đêm 2/8 và rạng sáng ngày 3/8/2016, Phòng CSĐT Công an tỉnh phối hợp với Công an các huyện Lấp Vò, TX. Hồng Ngự và TP.Sa Đéc tổ chức mật phục, bắt và xử lý 8 ghe cào điện hoạt động đánh bắt thủy sản trên tuyến sông Tiền.

Cụ thể, khoảng 19 giờ 40 phút ngày 2/8/2016, trên đoạn sông thuộc thủy phận ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông, các cán bộ, chiến sĩ Phòng CSĐT đóng trạm ở TP.Sa Đéc đã phối hợp mật phục phát hiện, kiểm tra và bắt quả tang 4 đối tượng: Nguyễn Văn Út Em (SN 1976) ngụ xã Bình Hàng Tây (huyện Cao Lãnh); Văn Hoàng Thuận (SN 1985) ngụ xã Long Điền A (huyện Chợ Mới, An Giang); Nguyễn Văn Tùng (SN 1991) và Nguyễn Văn Lâm (SN 1993) cùng ngụ phường Tân Quy Đông (TP.Sa Đéc) đi trên 3 ghe cào có sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản, qua đó bàn giao hồ sơ và tang vật cho Công an TP.Sa Đéc tiếp tục xử lý.

Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 3/8/2016, trên sông Tiền đoạn thuộc thủy phận xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, Phòng CSĐT phối hợp với Công an huyện tuần tra, phát hiện Võ Văn Kiệt (SN 1973) và Võ Chí Linh (SN 1997) cùng ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đang điều khiển 2 phương tiện ghe cào có dùng xung điện để đánh bắt thủy sản.

Từ việc ra quân tuần tra, xử lý của ngành chức năng tỉnh, nhiều ghe cào điện hoặc đối tượng xiệt điện đánh bắt thủy sản dần có dấu hiệu “ém quân” ít hoạt động hơn trước.

Trung tá Nguyễn Thanh Luân cho biết: “Các ghe cào điện thường chuẩn bị gạch đá, dao để sẵn sàng chống trả lại khi bị phát hiện hoặc bị rượt đuổi. Các đối tượng này hoạt động theo con nước và hoạt động bất kể ngày đêm nên việc phát hiện, xử lý của ngành chức năng cũng gặp nhiều khó khăn. Phải nhờ thông tin của người dân cung cấp hay tuần tra, mật phục kỹ mới xử lý được. Hiện nay, Phòng CSĐT Công an tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với lực lượng chức năng các địa phương tăng cường tuần tra, mật phục nhằm phát hiện, xử lý các ghe cào điện hoạt động, gây hại cho nguồn lợi thủy sản”.

Hy vọng rằng thông qua việc tuyên truyền và tăng cường đấu tranh, xử lý nạn cào điện của lực lượng chức năng tỉnh, tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt gây hại cho nguồn lợi thủy sản sẽ ngày càng giảm thiểu và người dân không còn thấy các ghe cào điện, xiệt điện hoành hành.

Trung tá Nguyễn Thanh Luân - Phó phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Các ghe cào điện thường chuẩn bị gạch đá, dao để sẵn sàng chống trả lại khi bị phát hiện hoặc bị rượt đuổi”.


Có thể bạn quan tâm

lam-sach-thi-truong-thuoc-thu-y-thuy-san Làm sạch thị trường thuốc… ngheu-chet-gan-240-tan Nghêu chết gần 240 tấn