Mô hình kinh tế Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học

Đồng Tháp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học

Ngày đăng 02/06/2014

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Đồng Tháp thực hiện mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ. Mô hình nuôi 14.000 con vịt thịt với tổng kinh phí thực hiện trên 385 triệu đồng tại các huyện Cao Lãnh, Tam Nông và Tháp Mười do 19 hộ dân thực hiện.

Ngày 23/5/2014 Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh tổ chức buổi hội thảo mô hình tại hộ anh Lê Văn Minh, ấp Tân Trường, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh.

Tại buổi Hội thảo, đại biểu được hướng dẫn tham quan mô hình nuôi 500 con vịt Super Meat của hộ anh Lê Văn Minh, được nghe các báo cáo của Trạm Khuyến nông huyện và báo cáo tham luận mô hình của hộ anh Minh, anh Lý.

Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 60% con giống, 30% vật tư thiết yếu (thức ăn giai đoạn 0-3 tuần tuổi, 4 – 10 tuần tuổi) và 100% chế phẩm sinh học.

Mô hình tại huyện Cao Lãnh do 7 hộ dân thực hiện với 5.000 con giống đã áp dụng tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như: con giống có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp đảm bảo; chuồng trại xây dựng có lưới bảo vệ cách ly các loại gia súc, gia cầm khác, trước cổng có hố sát trùng; sử dụng men BALASA N01 làm đệm lót sinh học.

Sau 56 ngày nuôi, vịt đạt trọng lượng trung bình 3,2 kg/con, tỷ lệ hao hụt 5,5,%, hệ số tiêu tốn thức ăn là 2,77kgTA/kgP. Giá thành 1 kg vịt là 39.600 đồng, giá bán tại thị trường là 43.000 đồng. Nông dân thu lãi 1 con vịt tương đương 10.800 đồng. Vây sau gần 02 tháng nuôi mỗi hộ dân có lời 5,4 triệu đồng (500 con).

Bên cạnh đó người chăn nuôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, Trạm Khuyến nông, Trạm thú y hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng nên vịt tăng trọng nhanh, hao hụt ít, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, nông dân được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật và cách chăn nuôi an toàn sinh học.

Tuy nhiên mô hình còn có khó khăn vì vốn đầu tư tương đối cao, việc liên kết tìm đầu ra sản phẩm còn hạn chế chủ yếu là thương lái bên ngoài mua. Việc sử dụng chế phẩm còn hạn chế do chuồng trại tạm bợ.

Theo anh Lý, hộ tham gia mô hình thì khâu úm vịt con giai đoạn 0 – 3 tuần đầu rất quan trọng quyết định tỷ lệ hao hụt và tăng trọng của vịt nên bà con cần quan tâm chăm sóc giai đoạn này. Việc vệ sinh, sát trùng chuồng trại cũng quan trọng trong phòng bệnh nên thường xuyên vệ sinh và phun thuốc sát trùng định kỳ 2 lần/tuần, nước uống cho vịt phải sát trùng kỹ.

Qua cuộc hội thảo, nông dân tham gia đánh giá cao mô hình và sẽ áp dụng mô hình này nhằm để thay thế hình thức chăn nuôi chạy đồng truyền thống gặp nhiều rủi ro do dịch bệnh. Mô hình này nhằm góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi chạy đồng truyền thống chuyển sang nuôi tập trung có kiểm soát nhằm phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cung cấp sản phẩm cho nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm của các công ty nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

xa-an-phu-tp-tuy-hoa-phu-yen-on-dinh-cuoc-song-nho-nuoi-bo-lai Xã An Phú (TP Tuy… san-pham-ca-tra-da-co-mat-o-142-quoc-gia-va-vung-lanh-tho Sản Phẩm Cá Tra Đã…