Tin thủy sản Dự án SUPA: Cơ hội “tái cấu trúc” hình ảnh cá tra?

Dự án SUPA: Cơ hội “tái cấu trúc” hình ảnh cá tra?

Tác giả Mai Anh, ngày đăng 15/05/2017

Tại lễ tổng kết Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (Dự án SUPA), thông tin cho biết, cá tra Việt Nam đang gặp khó khăn tại thị trường châu Âu, giá trị xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội để ngành xây dựng lại hình ảnh bằng việc sản xuất theo hướng bền vững, giảm chi phí và gắn với thị trường.

Cá tra xuất khẩu chủ yếu dưới dạng fillet     Ảnh: An Đăng 

Giải quyết những bất cập

Theo các chuyên gia, châu Âu là thị trường khó tính, đòi hỏi những tiêu chí khắt khe về môi trường theo hướng phát triển bền vững trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như thủy sản. Do đó, thời gian qua xuất khẩu cá tra sang thị trường này liên tiếp giảm, ít nhiều do những thông tin tiêu cực về sản xuất cá tra ở Việt Nam được các phương tiện truyền thông châu Âu đưa tin.

Theo đánh giá, thách thức lớn nhất trong chuỗi sản xuất cá tra hiện nay là chi phí thức ăn cao, tỷ lệ cá sống thấp, khâu tiêu thụ năng lượng và nguồn nước cao. Sản phẩm chủ yếu là fillet, nhiều đơn vị trung gian khiến chi phí giá thành cao và có quá nhiều chứng nhận khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, những thông tin sai lệch cũng khiến cho cá tra gặp khó khi xuất khẩu. Vì thế, dự án SUPA tập trung vào những vấn đề bất cập này.

Dự án SUPA được EU hỗ trợ thông qua chương trình EU SWITCH-Asia trong thời gian 4 năm, từ tháng 4/2013 - 3/2017 cho các đơn vị sản xuất và chế biến cá tra tại ĐBSCL.

Gắn liền với sản phẩm quốc gia

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thời gian qua có những lúc giá cá tra bấp bênh một phần là do ngành cá tra phát triển chưa ổn định. Vì thế, Việt Nam đang có kế hoạch tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất bền vững, giảm chi phí sản xuất, gắn với thị trường thay vì chỉ tập trung vào sản xuất. Và để tái cơ cấu ngành cá tra, Tổng cục Thủy sản có nhiều dự án giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng, mở rộng thị trường. Một trong những yếu tố thiếu bền vững của chuỗi cung ứng cá tra là sản phẩm chủ yếu là fillet với mẫu mã đơn điệu và giá trị gia tăng không cao. Bộ NN&PTNT sẽ chi ra gần 165 tỷ đồng để tái cơ cấu ngành thủy sản, trong đó có cá tra trong giai đoạn 2017 - 2020.

Theo ông Mag Karim, đại diện WWF, khách hàng châu Âu sẵn sàng trả giá cao với sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra tại thị trường này còn nhiều thách thức. Do đó, cần cải thiện chất lượng hơn nữa sản phẩm cá tra, chứng minh là sản phẩm tự hào của quốc gia vì có tính bền vững, có chất lượng cao; đồng thời, chiến dịch truyền thông hình ảnh cần phải đẩy mạnh hơn để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng châu Âu.


Có thể bạn quan tâm

ca-mau-ky-vong-vao-de-an-tom Cà Mau: Kỳ vọng vào… ca-ro-dau-vuong-de-nuoi-de-ban Cá rô đầu vuông: Dễ…