Mô hình kinh tế Dưa lê Kim cô nương đẻ ra vàng

Dưa lê Kim cô nương đẻ ra vàng

Ngày đăng 16/10/2015

Ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết, phong trào trồng dưa lê Kim cô nương rộ lên ở Tân Hưng từ năm 2013, khi một số hộ đem giống từ miền Nam về.

Sau vài vụ thấy loài dưa này hợp đồng đất nơi đây, giá bán lại cao, bà con bắt đầu mở rộng diện tích trồng.

Đến nay, toàn xã có khoảng 150 hộ trồng từ 80 - 90 ha dưa Kim cô nương.

Dưa thu hái đến đâu, bán hết đến đấy, giá lại cao (thường xuyên ở quanh mốc 20.000 đ/kg) nên bà con rất hăng hái với giống dưa này.

Năm 2014, nông dân Tân Hưng thu lãi 10 tỷ đồng từ dưa, có hộ thu 100 - 150 triệu đồng.

 

Ruộng dưa Kim cô nương trồng gối vụ của bà Đào Thị Hài.

Ông Biên đánh giá, giống dưa Kim cô nương rất thích hợp với đồng đất nơi đây, chủ yếu là đất thịt nặng, chứ không phải đất pha cát.

Thấy giống cây mới “đẻ ra vàng”, bà con các xã lân cận cũng háo hức mua giống về trồng nhưng đều thất bại.

Đặc biệt, bà con trong xã đang phát triển vùng trồng dưa vươn ra sát xã An Hòa.

Đây là nơi đất có độ chua phèn cao nhưng dưa lại phát triển tốt, quả có vị ngon khác biệt.

Theo ông Vũ Văn Hiệp (thôn Nam Tạ), một trong những hộ trồng nhiều dưa Kim cô nương nhất xã, giống dưa này thơm ngon, ngọt, thích ứng thị trường, hiệu quả kinh tế gấp 10 lần so với trồng lúa.

Cách trồng giống dưa này gần giống dưa hấu nhưng đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật chăm sóc.

Đất trồng phải luân canh với lúa nước hoặc một số loại rau.

Xã Tân Hưng trồng dưa gối vụ quanh năm, nhưng tập trung vào vụ xuân và vụ thu đông.

Vụ xuân thì khoảng 3 tháng, còn vụ thu đông thì chỉ 2 tháng là dưa cho thu hoạch.

“Cây lớn rất nhanh, buổi chiều quả đã to hơn buổi sáng, nên ai nấy từ ruộng dưa về nhà lại chỉ ngong ngóng trở lại thăm ruộng”, bà Đào Thị Hài (thôn Nam Tạ) hào hứng kể về ruộng dưa của mình.

Hầu hết bà con trồng trên luống phủ bạt nilon, cho dưa bò tự do.

Sau mỗi vụ thu hoạch thì cày tơi đất, phơi ải, rồi lên luống.

Luống phủ bạt rộng 1,2 m, cao 20 - 25 cm.

Hàng cách hàng 60 cm, cây cách cây 40 - 45 cm.

Gieo hạt khi cây được 1 - 2 lá thật (khoảng 12 - 15 ngày tuổi) thì đem trồng, mỗi ha cần 0,5 - 0,6 kg hạt giống.

Mỗi sào trồng được khoảng 500 cây.

Mỗi cây chỉ tuyển một quả duy nhất ở nách lá thứ 10 - 14, các quả kém hơn thì tỉa bỏ.

Trước khi tỉa quả thì phải tỉa nhánh từ lá thứ 1 - 7, còn từ lá thứ 8 - 15 để nhánh ra quả.

“Trồng giống dưa này như chăm con mọn, dù mưa hay nắng, bão gió hay trời quang, ngày nào cũng phải có mặt ở ruộng để chăm sóc, theo dõi, kiểm tra dưa.

Không để dây bò lung tung mà phải định hướng, cứ khoảng 30 cm dây lại dùng ghim tre tự tạo để ghim dây vào luống sao cho dây bò vuông góc với đường viền luống và song song với các dây khác trong luống.

Như vậy, dây được bảo vệ trước bão gió, và việc tỉa nhánh, lá, quả đều thuận lợi, luống lại thông thoáng”, bà Đào Thị Hài chia sẻ.

Hiện xã đã quy hoạch một vùng SX dưa tập trung và đang đề nghị xây dựng thêm một vùng rộng 40 ha nữa.

Tuy nhiên tất cả mới chỉ là bước khởi đầu.

Cơ sở hạ tầng cho vùng SX tập trung chưa được đầu tư, quan trọng nhất là hệ thống thoát nước vẫn chưa có nên SX còn khó khăn, bị động.

Khi quả được khoảng 10 ngày tuổi thì dùng miếng xốp kê quả lên để tránh tiếp xúc trực tiếp với bạt nilon trên mặt luống, giúp quả sạch, tránh sâu bệnh và hình dáng quả tròn đều, màu sắc cũng sáng đều.

Quả dưa sau khi đậu 1 tháng sẽ cho thu hoạch.

Bà Hài cũng cho biết, chi phí cho 1 sào dưa Kim cô nương khoảng 3,5 triệu đồng, cho thu lãi 10 triệu đồng.

Mỗi sào có thể trồng 500 cây dưa Kim cô nương, thu 500 quả, mỗi quả nặng đến 2 kg.

Giống dưa này cho chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng.

Vì thế, thu hoạch đến đâu, bán hết veo đến đấy.

Nhiều hộ trong xã đã sắm ô tô tải chở dưa đi bán khắp các tỉnh, thành.

Thương lái từ các nơi cũng đổ về thu mua.

Mỗi mùa thu hoạch dưa là cả xã như vào ngày hội...

Không chỉ dễ tiêu thụ, dưa Kim cô nương còn dễ bảo quản sau khi thu hoạch.

Chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát, có thể bảo quản được 1 tháng, dưa càng để lâu càng ngọt.

Tuy đầu ra cho dưa thuận lợi nhưng lãnh đạo xã vẫn còn nhiều trăn trở.

Bà con vẫn phải tự tiêu thụ chứ chưa được bao tiêu sản phẩm.

Nếu có hợp đồng bao tiêu thì bà con sẽ yên tâm hơn trong đầu tư, mở rộng SX, đồng thời thị trường tiêu thụ sẽ vươn xa hơn.

Cái lo lớn nhất của bà con trồng dưa hiện nay là thời tiết.

Yếu tố này gây ảnh hưởng lớn đến giống dưa nói chung và dưa Kim cô nương nói riêng.

Đợt mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua khiến nhiều diện tích dưa bị ngập úng, thiệt hại không nhỏ.

Do gối vụ nên ngoài một số diện tích đang cho thu hoạch, vẫn còn nhiều diện tích dưa mới trồng hoặc đang ra hoa.

Nếu có bão hay ngập úng vào thời điểm này thì người trồng trắng tay.


Có thể bạn quan tâm

ho-nhan-khoan-bao-ve-rung-duoc-ho-tro-400-000-dong-ha-nam Hộ nhận khoán bảo vệ… ky-niem-ngay-luong-thuc-the-gioi-16-10-pha-vo-vong-xoay-doi-ngheo Kỷ niệm ngày lương thực…