Mô hình kinh tế Đức Mạnh, Một Số Nông Dân Đã Giàu Từ Chăn Nuôi Trang Trại

Đức Mạnh, Một Số Nông Dân Đã Giàu Từ Chăn Nuôi Trang Trại

Ngày đăng 27/02/2014

Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại đã được nông dân ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil) chú trọng. Đến nay, số hộ dân có trang trại chăn nuôi cho thu nhập cao ngày một tăng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.

Điển hình như trang trại nuôi gà của anh Nguyễn Văn Hùng, ở thôn 4, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng. Được biết, năm 2009, vì chưa có kinh nghiệm, anh chỉ dám nuôi 1 lứa gà/năm, với mục đích vừa làm, vừa học để xem hiệu quả ra sao rồi mới đầu tư tiếp.

Trong quá trình phát triển sản xuất, anh dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức, cũng như học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về việc chăn nuôi theo mô hình trang trại.

Với vốn kiến thức khá vững vàng, đến năm 2011, anh đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 4 lứa/năm. Về kỹ thuật, anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình từ chăm sóc, phòng bệnh nên đàn gà luôn phát triển khá ổn định. Hiện tại, mỗi năm, trang trại của gia đình anh xuất từ 4-5 lứa gà, mỗi lứa khoảng 3.000 con.

Tương tự, gia đình ông Ngô Đức Trịnh, ở thôn Đức Lệ A cũng có thu nhập cao từ trang trại tổng hợp mà gia đình đã bỏ công đầu tư, chăm sóc. Theo lời kể của ông, khi nhận thấy mô hình kinh tế tổng hợp có thể mang lại thu nhập cao, cải thiện cuộc sống nên đầu năm 2008 đã bắt tay vào đầu tư với quy mô nhỏ, chủ yếu là nuôi heo và cá.

Về sau, khi đã tích lũy được kinh nghiệm, có thêm nguồn vốn, ông mạnh dạn đầu tư lớn với quy mô trang trại, nuôi cả heo, cá, vịt, gà và trồng thêm rau.

Hiện tại, mỗi năm, trang trại tổng hợp mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Trịnh còn giúp đỡ, hướng dẫn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho nhiều người dân đến học hỏi, làm theo.

Ông Trịnh cho biết: “Điều quan trọng là người làm kinh tế trang trại phải biết kiên trì, đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều mô hình khác, tham khảo tài liệu để nắm bắt đúng kỹ thuật và áp dụng vào thực tiễn một cách phù hợp, hiệu quả”.

Theo UBND xã Đức Mạnh thì hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 10 trang trại chăn nuôi của nông dân đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao. Những năm qua, để góp phần giúp nông dân mạnh dạn đầu tư vào các mô hình, chính quyền xã đã không ngừng kêu gọi nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án của tỉnh, huyện.

Địa phương đã phối hợp với các phòng chức năng của huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cũng như các quy trình, cách thức thành lập trang trại cho nông dân. Xã cũng tổ chức nhiều đợt tham quan các mô hình chăn nuôi ở trong, ngoài tỉnh, để giúp nông dân học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình. Nhờ đó, nguồn thu từ kinh tế trang trại trên địa bàn ngày càng cao, góp phần không nhỏ làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương.


Có thể bạn quan tâm

phuc-hoi-suc-khoe-cho-vuon-ca-phe Phục Hồi “Sức Khỏe” Cho… dak-wil-khuyen-khich-nong-dan-cai-tao-vuon-ca-phe-bang-phuong-phap-ghep-choi Đắk Wil, Khuyến Khích Nông…