Mô hình kinh tế Dừng bước lãng du làm nông dân để thành tỷ phú

Dừng bước lãng du làm nông dân để thành tỷ phú

Tác giả Tâm Phùng, ngày đăng 03/01/2022

Gần 20 năm quăng quật mưu sinh, anh Việt quay về quê làm nông dân. Với sự đồng hành của cán bộ khuyến nông, giấc mơ tỉ phú không còn xa với anh.

Anh Trương Quốc Việt cho biết, hiện gia đình đã có trên 4.500 gốc cam cho quả chất lượng cao. Ảnh: Tâm Phùng.

Đưa chúng tôi ra vườn cam đang trĩu quả, anh Trương Quốc Việt (Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) khoát tay một vòng quanh khoảng đồi hơn chục ha cam, nói át tiếng gió thổi: “Đây là vụ đầu được coi là vụ bói. Theo kỹ thuật thì phải bỏ trái, nhưng tôi thấy cây tốt, có sức nên chỉ cắt bỏ phân nửa trái thôi. Vậy mà đã có thương lái bỏ sỷ 600 triệu đồng mua trọn vụ cam này”.

“Xồng xộc chẳng bằng góc nương”…

Vùng đất Kim Lũ (xã Kim Hóa) hình như luôn gắn với cái tên "thợ rừng”. Thanh niên trai tráng lớn lên là theo nhau vào rừng làm “lâm tặc”. Đó cũng là chuyện mưu sinh có tính ‘truyền thống” của vùng quê nghèo mà lắm sản vật này.

Anh thanh niên Trương Quốc Việt cũng chẳng mảy may suy tính khi theo đám bạn vác rựa vào rừng đốn gỗ. Những thanh gỗ quý được xé thành hộp dài ngoằng, kéo từ rừng ra, kéo về giấu cạnh ga tàu Kim Lý. Khi tàu dừng ở ga, đám “lâm tặc” cứ thế “phóng” gỗ lên tàu để xuôi ra bắc. Những tháng mưa dầm, không vào rừng được, cũng chẳng hề hấn gì. Việt lại đi nhảy tàu chuyến Đồng Hới - Vinh để “hộ tống” mấy bà buôn chuyến kiếm tiền tiêu vặt.

Sau ba năm quân ngũ trở về, Việt cùng đám bạn sang tận rừng Lào để kiếm kế sinh nhai với mộng làm giàu cho đáng mặt trai. Những chuyến xuyên rừng buôn hàng cấm tiền thu về cũng bộn mớ. Vậy nhưng, cứ vài tháng qua, ngửa bàn tay chỉ thấy da bong bợt ra chứ tiền cũng chẳng đọng lại được mấy tờ. Thấm thoát, tuổi thanh niên của Việt trôi qua tự lúc nào.

Giàu đâu chẳng thấy, chỉ thấy sức khỏe như bị bào mòn ra. Việt cũng suy tính nhiều lắm mà chưa nghĩ ra được cách gì.

Mấy năm trước, thấy vùng đồi cách con đường Hồ Chí Minh chừng cây số có bình độ thấp hơn được mấy dãy núi xung quanh bao bọc nên Việt ưng lắm. Anh dành sức khai hoang để trồng keo, rồi chuyển sang trồng cao su… Nhưng cũng chỉ thấy vất vả thêm chứ chẳng có gì trong tay.

Một lần từ Lào về, đang nằm hút thuốc vặt thì có bạn rủ rê ra Hà Tĩnh chơi cho khuây khỏa. Đi liền mấy vùng miền tây Hà Tĩnh, Việt thấy nhiều gia đình, địa phương trồng cam thơm ngọt và thu nhập cao nên cũng để mắt lắm. Đến đâu cũng học hỏi, tìm tòi như để đúc rút ra một điều gì đang nung nấu trong lòng.

Một lần, vào nhà bạn chơi, người mẹ già của bạn hay chuyện, Việt bảo ở xứ ta, có người đến để làm ăn mà cũng chỉ đủ vắt vai này bỏ sang vai kia. Nghe một hồi, bà mẹ mới thủng thẳng khuyên: ‘Xồng xộc chẳng bằng góc nương đâu con. Cứ kiếm lấy mảnh vườn mà trồng cam thì có ngày cam lai mà”.

Lời bà mẹ như làm cho suy tính của Việt sáng lên. "Phải rồi, vùng miền tây Hà Tĩnh liền núi, liền sông với vùng đất Tuyên Hóa. Họ trồng được cam để làm giàu thì mình cũng làm giàu được từ cam chớ”, Việt dằn kín trong lòng như vậy. Và rồi trong cả giấc mơ trưa, Việt cũng thấy mình đứng giữa vườn cam trĩu quả, bóc quả cam thơm lừng và múi cam ngọt lịm…

Ngay vụ thu đầu tiên, vườn cam của anh Việt đã cho thu hoạch trên 600 triệu đồng. Ảnh: Tâm Phùng.

"Bà đỡ" đồng hành của khuyến nông 

Đầu năm 2018, anh Việt chính thức đưa giống cam về trồng trên vùng đồi thoải. Những cây trồng khác được phá bỏ, nhường chỗ cho cây cam. Giống cam mà anh chọn là cam chanh, có nguồn gốc tại Hương Khê (Hà Tĩnh).

Kể ra, bây giờ nói thì nhanh, nhưng khi mới bắt tay thì nóng lòng ghê lắm. Việt kêu người phá bỏ cao su để trồng cam. Không mấy ai tin vào cái quyết định táo bạo này. Chỉ có ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình là đồng lòng động viên, hỗ trợ cho Việt cả ý chí và vật chất để làm nên hình thù vườn cam.

Ở vùng đồi thoải thấp, anh cơ cấu trồng thêm 1.000 gốc bưởi giống Phúc Trạch và vườn chanh. Được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc nên anh vững tâm lắm. Phân bón cho vườn cây được anh mua phân trâu, bò tươi đưa về ủ men vi sinh sau 4 tháng mới đưa vào bón cây. “Với phân hữu cơ này, được ủ theo kỹ thuật nên hạn chế được các loại vi khuẩn gây bệnh hại cây trồng”, anh Việt cho hay.

Qua 3 năm chăm bẵm, vườn cam, bưởi xanh đã tốt, cao vượt quá đầu người lớn. Năm nay, vườn cây cho lứa quả bói đầu tiên. Cây nào cũng cho quả trĩu cành. Có cây đếm được vài trăm quả. Theo lý thuyết thì lứa quả bói này phải được cắt bỏ để dưỡng cây cho vụ sau. Nhưng anh Việt quyết định chỉ cắt bỏ phân nửa lượng quả có trên mỗi cây. Anh lý giải: "Cây sinh trưởng khỏe mạnh và phát triển tốt cùng với kỹ thuật chăm sóc và lượng phân hữu cơ dồi dào nên vẫn giữ được sức. Vì vậy mà tôi để thu hoạch ngay từ lứa đầu tiên này”.

Xây dựng thương hiệu từ vụ thu hoạch đầu tiên

Vào vụ thu hoạch, có thương lái đánh tiếng mua trọn vườn với giá 600 triệu đồng, nhưng anh Việt không bán. Khi cam vào vụ thu hoạch, anh thuê người cắt trái hàng ngày, đóng thùng và chào hàng với cái tên “cam Kim Lũ”. Khi cầm quả cam tròn mọng trên tay, nhiều người còn chưa tin. Nhưng khi đã ăn thử thì vị ngọt thanh, mùi thơm dịu đã làm hài lòng cả những người khó tính.

Chỉ sau vài lứa thu hoạch, cái tên “cam Kim Lũ” như đã được mọi người biết đến, hoặc muốn một lần được thưởng thức. Người đến mua, người gọi điện đặt hàng làm anh Việt khá bận rộn. Anh kêu thêm chục lao động là bà con đến phụ thu hoạch, xử lý, đóng thùng và vận chuyển đi.

Kết thúc vụ cam, bưởi, số tiền thu về nhiều hơn nhiều so với con số mà người ta đã dạm mua. Anh Việt hồ hởi cho biết, còn dành một số lượng đáng kể cam vụ đầu để biếu, tặng bà con, bạn bè, khách quen. Ai ăn cũng khen cam ngọt, thơm và an tâm với sản phẩm dùng phân bón hữu cơ.

Đến nay, trên diện tích gần 15 ha vùng đồi, anh Việt đã cơ cấu thành vùng cam với khoảng 4.500 gốc, vườn bưởi với 2.000 gốc và 1.000 gốc canh. Tất cả đang hứa hẹn cho vụ mùa tới với hiệu quả mang lại còn lớn hơn gấp nhiều lần. “Nếu chỉ tính trung bình thì sản lượng vụ tới có khoảng 70 tấn cam ngọt, 10 ngàn trái bưởi… Lúc đó, thu tiền tỷ không phải là giấc mơ nữa mà đã rất gần”, anh Việt nói chắc chắn.

Khi chúng tôi đến thăm trang trại cam của anh Việt, cũng là lúc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình mở hội nghị chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cam cho người dân các xã các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Sau khi đi xem mô hình và cảm nhận vị ngọt của cam, bưởi, ông Đinh Văn Ba (huyện Tuyên Hóa) hồ hởi: “Vườn cam của anh Việt thấy ưa trong lòng. Tôi đã đăng ký với Trung tâm Khuyên nông - Khuyến ngư tỉnh để năm tới cải tạo vườn tạp, chuyển đổi học tập theo mô hình này. Nhà tôi có vườn và đất vườn rộng gần 3 ha sẽ chuyển sang trồng cam hữu cơ”.

Theo ông Trần Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, những năm gần đây, Trung tâm đã thực hiện nhiều mô hình cây có múi cam, bưởi trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Đến nay, diện tích triển khai trên 50 ha.

“Cơ bản các mô hình đều đã bắt đầu thu hoạch và cho người trồng lãi từ 120 - 200 triệu đồng/ha. Chúng tôi xây dựng các mô hình theo hướng hữu cơ để tạo điều kiện tốt cho đầu ra”, ông Hải nói thêm.

Cũng theo ông Hải, Quảng Bình có thế mạnh vùng gò đồi phía tây để mở rộng diện tích trồng cam, bưởi. Tuy nhiên, cũng cần phải phát triển theo lộ trình và đưa công nghệ cao vào sản xuất mới đáp ứng được nhu cầu thị trường và dễ dàng cho đầu ra cho bà con nông dân.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-oc-buou-den-it-von-thu-nhap-on-dinh Nuôi ốc bươu đen, ít… ben-vung-tu-nuoi-tom-sach Bền vững từ nuôi tôm…