Mô hình kinh tế Đừng làm môi trường xấu hơn nữa

Đừng làm môi trường xấu hơn nữa

Ngày đăng 19/10/2015

Tốn hàng trăm triệu USD điều trị bệnh

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học -Công nghệ và Môi trường  (Bộ NNPTNT), tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn đang báo động ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề.

Ở lĩnh vực trồng trọt, tình trạng sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian, phương thức bón cho cây trồng đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại thải ra mỗi năm, phần lớn không được thu gom mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng, kênh mương gây ô nhiễm môi trường trong vùng sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã Tân Hùng (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) phun thuốc trừ sâu.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng có xu hướng gia tăng và thiếu kiểm soát, với  từ 70.000 – 116.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV được nhập khẩu.

Ước tính lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tương đương hàng chục tấn mỗi năm, đã không được thu gom, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Cũng theo bà Thủy, lượng chất thải rắn trong chăn nuôi khoảng hơn 82 triệu tấn, thì chỉ có khoảng 60% được xử lý còn lại là được xả trực tiếp ra môi trường.

Tại các vùng nuôi thủy sản không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, việc kiểm soát môi trường ao nuôi còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm; các loại hóa chất xử lý nước, thức ăn thừa… đều xả trực tiếp ra môi trường.

Hầu hết các làng nghề cũng chưa quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát và xử lý chất thải… dẫn tới các thế hệ sinh sống trong làng nghề mắc nhiều bệnh tật, khiến ngân sách nhà nước hàng năm  tốn thêm hàng trăm triệu USD chi phí điều trị cho người bệnh.

Hạn chế tác động xấu  tới môi trường

Mặc dù tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng nghiêm trọng nhưng ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường càng ngày càng giảm và không đủ để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành nông nghiệp.

Cụ thể, năm 2011 là  hơn 12,2 tỷ đồng thì đến năm 2003 còn 7 tỷ và đến 2015 chỉ còn 4,8 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phùng Hoan – Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định, người dân ngày càng có xu hướng sử dụng toàn phân vô cơ và gia tăng sử dụng thuốc BVTV, dẫn tới thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường.

Với 128 làng nghề ở Nam Định, trong đó có những làng nghề đã tồn tại hàng nghìn năm, thì hầu như chưa có hệ thống xử lý chất thải…

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã đặt vấn đề:

“Ở đây có hơn 30 các lãnh đạo Sở NNPTNT đại diện cho các tỉnh, liệu các đồng chí có giám tuyên bố từ nay việc phát triển nông nghiệp nông thôn không tác động xấu tới môi trường mà chỉ cải thiện môi trường, hoặc ít nhất là không làm xấu môi trường hơn nữa?”.

Tuy nhiên, những mong mỏi này của Bộ trưởng đã không thể nhận được một lời hứa của bất kỳ địa phương nào.

Theo Bộ trưởng Phát, định hướng công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới là phải quản lý và sử dụng hiệu quả các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và làng nghề...

Việc này đã được đặt ra trong Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao gia trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Mục tiêu lớn nữa là hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 


Có thể bạn quan tâm

chuyen-that-nhu-dua-danh-keng-goi-lon-rung Chuyện thật như đùa đánh… tinh-vi-nhu-phan-bon-gia Tinh vi như phân bón…