Mô hình kinh tế FAO Hỗ Trợ Việt Nam Giải Quyết Bệnh Tôm

FAO Hỗ Trợ Việt Nam Giải Quyết Bệnh Tôm

Ngày đăng 03/12/2013

Khoảng một triệu người ở châu Á kiếm sống từ nuôi tôm. Tại Việt Nam, xuất khẩu tôm đem lại 2,4 tỷ USD trong năm 2011 – tương đương hơn một phần sáu tổng giá trị sản lượng tôm ở châu Á cùng năm đó.

Vì vậy, khi một dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến các trại nuôi tôm, đặc biệt là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khu vực sản xuất tôm quan trọng của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã nhờ tới sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và các tổ chức khác.

Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), thường được gọi là hội chứng tử vong sớm (EMS) – một loại bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở châu Á trong năm 2009 và đã gây ra sự sụt giảm mạnh sản lượng tôm trong khu vực kể từ năm 2010. Cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều chịu tỉ lệ tử vong cao.

Một phái đoàn của Trung tâm Quản lý khủng hoảng về sức khỏe động vật của FAO tới làm việc tại Việt Nam đã quan sát thấy rằng loại bệnh lây lan này giống một bệnh dẫn đến bởi một tác nhân gây bệnh.

Trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) đã hợp tác với FAO thực hiện một dự án khẩn cấp thông qua Chương trình Hợp tác kỹ thuật (TCP) để hiểu rõ hơn về bệnh này, cải thiện an toàn sinh học nông nghiệp và tăng cường khả năng của đất nước trong việc đối phó với những dịch bệnh tương tự trong tương lai.

FAO đã thu hút một nhóm các chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau tham dự một hội thảo đầu tiên để tìm ra cách xử lý EMS tốt hơn và cách tiếp cận nó. Các chuyên gia quốc tế, bao gồm Đại học Auburn và Đại học Arizona tại Mỹ, Đại học Kasetsart và Đại học Mahidol ở Thái Lan, Đại học Pertanian Malaysia và Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản ở châu Á và Thái Bình Dương cũng như các chuyên gia của Đại học Cần Thơ và nhiều tổ chức và cơ quan cấp tỉnh khác nhau như Cục Thú y, Sở Thủy sản, các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan thú y cấp tỉnh và khu vực.

Phòng bệnh – chìa khóa quan trọng

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu từ Đại học Arizona đã xác định được tác nhân gây bệnh - một chủng vi khuẩn thường được tìm thấy trong các vùng nước lợ ven biển trên khắp thế giới - Vibrio parahaemolyticus, và gần đây họ đã phát triển một xét nghiệm chẩn đoán nhanh để phát hiện tác nhân gây bệnh này. Tuy phát hiện trên được báo trước là bước đột phá lớn, nhưng EMS vẫn còn là một mối quan tâm lớn đối với sản xuất tôm ở Việt Nam và trên thế giới.

Đó là lý do tại sao việc phòng ngừa là rất quan trọng. Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp tôm toàn cầu đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng chính sự chủ quan trong lĩnh vực này - quản lý chưa chặt chẽ, thiếu tuân thủ về an toàn sinh học và thực hành nuôi trồng thủy sản - đã làm cho nó dễ bị các bệnh truyền nhiễm mới tấn công.

Trong hội nghị thường niên của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu năm nay - GOAL 2013, James Anderson - người đứng đầu Chương trình toàn cầu về lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản của Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh rằng sản lượng tôm toàn cầu đã giảm 5,7% trong năm 2011/12 và giảm 9,6% trong năm 2012/2013.

Giảm nguy cơ của EMS

Tại hội thảo kỹ thuật lần thứ hai trong năm 2013, nhóm nghiên cứu dự án TCP, đại diện của các cơ quan cấp tỉnh của Việt Nam, lĩnh vực tư nhân và nhiều chuyên gia khác quan tâm đến EMS/AHPNS và có công việc liên quan đến bệnh vi khuẩn vibriosis ở Trung Quốc, Philippin, Malaysia và Thái Lan đã so sánh những phát hiện và đưa ra một số biện pháp quản lý rủi ro để đối phó với EMS/AHPNS.

Một cách để giảm thiểu rủi ro là đảm bảo rằng nông dân phải đạt đến mức cao nhất về thực hành nuôi trồng thủy sản và an toàn sinh học tốt. Để đạt được điều này, các dự án TCP đã đào tạo hơn 300 nông dân, trong đó có một số ít các nhà cung cấp đầu vào, và đại diện các cơ quan cấp tỉnh - ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đào tạo bao gồm một loạt các chủ đề, bao gồm thực hành nuôi tôm tiêu chuẩn như chuẩn bị ao thích hợp, duy trì chất lượng nước tốt, sử dụng thức ăn chất lượng cao, giống nuôi tốt và an toàn sinh học phù hợp như phòng chống dịch bệnh, quản lý sức khỏe tôm, giám sát và lưu giữ hồ sơ.

Có thể phải mất một quá trình đào tạo lâu dài hướng tới việc bảo vệ các vụ thu hoạch của người nuôi tôm và cuối cùng là sinh kế của họ, Melba Reantaso, Giám đốc kỹ thuật dự án TCP của FAO cho biết.

"Điều quan trọng đối với người nuôi tôm là có thể nhanh chóng phát hiện và báo cáo bất kỳ bệnh dịch nào cho đúng cơ quan có thẩm quyền", bà nói. "Cũng như điều quan trọng là họ phải biết những bước nào cần thực hiện để giữ cho tôm khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây nhiễm cho ao nuôi của họ".

Dự án cũng hỗ trợ tăng cường các hướng dẫn đối phó khẩn cấp đối với dịch bệnh động vật thủy sản và phát triển một chiến lược quản lý sức khỏe động vật thủy sản quốc gia.

Do tầm quan trọng của xuất khẩu tôm đối với nền kinh tế của đất nước, một chiến lược như vậy sẽ giúp đảm bảo rằng các sản phẩm thủy sản Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn quốc tế - và có khả năng tăng cường vị thế của đất nước trong thương mại tôm quốc tế.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-trong-thuy-san-nuoc-ngot-co-tiem-nang-kho-phat-trien Nuôi Trồng Thủy Sản Nước… nhieu-ho-co-thu-nhap-on-dinh-tu-nuoi-dong Nhiều Hộ Có Thu Nhập…