Mô hình kinh tế Gà thịt giảm giá, tắc đầu ra người nuôi khó duy trì sản xuất

Gà thịt giảm giá, tắc đầu ra người nuôi khó duy trì sản xuất

Ngày đăng 11/10/2015

Giá giảm mạnh vẫn khó tiêu thụ

Gần một tháng nay, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Đặng Cương (huyện An Dương, Hải Phòng) đôn đáo tìm đầu ra cho lứa gà thịt đến tuổi xuất chuồng, nhưng thi thoảng chỉ xuất bán nhỏ lẻ được một vài con.

Phần lớn số gà thịt vẫn “án binh bất động” trong chuồng mặc dù đã nuôi quá lứa chừng 2 tháng.

Anh Nguyễn Hữu Sỹ ở thôn 4, xã Đặng Cương cho biết, hơn 2000 con gà thịt giống ri lai trong trang trại đến nay phần lớn chưa xuất bán được, giá giảm mạnh nhưng cũng không có mấy người mua.

Hiện, mỗi ngày đàn gà tốn vài trăm nghìn đồng chi phí thức ăn. T

heo anh Sỹ, bán hết số gà trong trang trại với mức giá giảm mạnh như hiện nay cũng đã lỗ rồi; nhưng nếu không xuất bán được gà, gia đình khó tìm được vốn để nuôi lứa mới.

 

Mặc dù quá lứa, nhiều trang trại ở xã Kiến Thiết, huyện Thủy Nguyên vẫn chưa xuất bán được gà thịt, đọng vốn tới sản xuất.

Gần đây, giá gà thịt nuôi trong các trang trại, gia trại hoặc hộ nuôi nhỏ lẻ đang đà giảm mạnh. Theo phản ánh của nông dân các huyện, chưa bao giờ giá gà thịt giảm mạnh như hiện nay.

Tại các huyện An Lão, An Dương, Tiên Lãng, Kiến Thụy, giá gà được thu mua với mức trung bình từ 55 – 58 nghìn đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Thấm, Phó phòng Nông nghiệp PTNT huyện Tiên Lãng, giá hạ mạnh, nhưng các gia trại, trang trại và người chăn nuôi nhỏ lẻ đều gặp khó về đầu ra.

Trong khi thời gian trước, giá gà thịt được xuất bán trung bình là 70 – 75 nghìn đồng/kg; đặc biệt vào các dịp lễ, Tết, giá gà ri lai nuôi trong các trang trại, gia trại có thời điểm lên đến 80 nghìn đồng/kg.

Tại các trang trại, gia trại nuôi gà thịt hiện nay tồn đọng nhiều gà nuôi quá lứa từ 1 – 2 tháng.

Cũng theo ông Thấm tại huyện Tiên Lãng, hơn 150 trang trại, gia trại nuôi gà ri lai theo hướng bán công nghiệp hiện đã quá lứa chừng một tháng qua nhưng chưa xuất bán được trên thị trường.

Thậm chí một số trang trại nuôi gà ri lai, mía lai với quy mô hơn 1000 con trở lên tại các xã Đặng Cương, Hồng Phong (An Dương), Đông Hưng (Tiên Lãng) quá lứa nuôi tới gần 3 tháng.

Phần lớn người chăn nuôi băn khoăn, lo lắng vì cạn nguồn vốn, nhưng gà vẫn chưa xuất bán được, trong khi hằng ngày vẫn phải cầm cự lo chạy vạy chi phí thức ăn để duy trì đàn gà.

Tìm hướng phát triển sản xuất bền vững

Thời gian qua, người chăn nuôi Hải Phòng phát triển mạnh phong trào nuôi các giống gà thịt gồm ri lai, mía lai, ba máu cho chất lượng ngon, hiệu quả kinh tế khá cao.

Trong đó, các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương có nhiều trang trại, gia trại quy mô 1000 - 2000 con, hộ gia đình nuôi nhỏ, lẻ số lượng từ 200 đến 500 con.

Mấy năm qua, giá gà thịt khá ổn định ở mức hợp lý, người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, gần đây giá gà biến động theo hướng giảm mạnh, thậm chí nông dân không bán được khi gà đã đến tuổi xuất chuồng, khiến nhiều bà con gặp khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Thường, cán bộ phụ trách nông nghiệp ở thôn Chiến Thắng, xã Đặng Cương (huyện An Dương) cho biết, vào thời điểm gà thịt rớt giá mạnh như hiện nay, người chăn nuôi địa phương tha thiết mong tìm được đầu ra cho sản phẩm để thu hồi vốn tiếp tục quay vòng sản xuất.

Song, tư thương tìm mọi cách ép giá, hoặc chỉ thu mua với số lượng ít.

Nhiều người chăn nuôi cho rằng, gà thịt địa phương khó tiêu thụ, bởi thực tế người tiêu dùng không đánh giá được đúng chất lượng, trong khi thị trường đa dạng sản phẩm để lựa chọn do có nhiều nguồn gà thịt trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài.

Đặc biệt, nhiều giống gà thịt được nhập từ các tỉnh, thành phố bạn như gà đồi Bắc Giang, Thái Nguyên...được chuyển về bán phổ biến trên thị trường Hải Phòng, cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi của địa phương.

Một số loại gà không rõ nguồn gốc, chất lượng nhưng được bán với mức giá chỉ khoảng 50 nghìn đồng/kg, nên người chăn nuôi khó cạnh tranh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Chăn nuôi Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Hải Phòng khuyến cáo, với giá gà giảm mạnh như hiện nay, người chăn nuôi cần bình tĩnh, tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong việc tìm đầu ra cho mặt hàng gà đến tuổi xuất chuồng, đồng thời tiếp tục chuẩn bị cho lứa gà mới để phục vụ thị trường cuối năm.

Theo ông Hùng, việc chăn nuôi gà thịt trên địa bàn thành phố cần hướng tới mô hình sản xuất ổn định, bền vững, các hộ chăn nuôi nên học hỏi kinh nghiệm thành công trong việc hình thành chuỗi sản phẩm chăn nuôi khép kín nhằm tránh được sự bấp bênh đầu ra khi giá biến động.

Người chăn nuôi cần liên kết thành lập các mô hình HTX hoặc các hội, nhóm phát triển chăn nuôi, tạo dựng quan hệ với các doanh nghiệp phân phối nhằm lưu thông sản phẩm khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng.

Đặc biệt, các trang trại, gia trại chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

khoi-nghiep-tu-nghe-chan-nuoi-bo-sua Khởi nghiệp từ nghề chăn… luong-gia-mo-hinh-trinh-dien-chan-nuoi-heo-thit-tren-nen-dem-lot-sinh-hoc-tai-hoc-mon Lượng giá mô hình trình…