Tin thủy sản Gặp người phụ nữ miền Trung dám... mở xưởng đóng tàu

Gặp người phụ nữ miền Trung dám... mở xưởng đóng tàu

Tác giả Phan Phương, ngày đăng 21/05/2016

“Nào, được chưa Thắng ơi, kéo lên nhé….!”, tiếng của một người đàn bà nghe nhẹ nhàng nhưng rắn rỏi, dứt khoát đang chỉ huy đội thợ kéo con tàu có công suất 400CV từ dưới bến sông Nhật Lệ lên triền đà để sửa chữa. Con tàu to lớn theo đường ray hai lối, lăn trên đà nhẹ nhàng vào sâu trong khu vực sửa chữa của xưởng. Khi chiếc tàu đã yên vị tại xưởng, chủ tàu Phạm Lợi (ở xã Đức Trạch, Bố Trạch) xuống tàu, kể “bệnh” với chị Sửu: “Tàu bị ngấm ở mạn phải phần đuôi, chị cho thợ xem giúp tôi. Nhờ chị cạo bớt hàu, thêm dầu ở máy, chị làm nhanh cho tôi với để kịp chuyến biển”. Chị Sửu gọi thợ, kể tên bệnh của tàu QB 92469TS, từng tốp thợ nghe lệnh nhanh chóng bắt tay vào việc. Mất chưa đầy 3 giờ đồng hồ, những hỏng hóc của con tàu QB 92469TS đã được đội thợ lành nghề của chị “chữa lành”. Chủ tàu cá Phạm Lợi kiểm tra lần cuối rồi nói vọng từ trên boong xuống: “Tốt  rồi chị Sửu nhé”,  lúc này chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhanh chóng, nhẹ nhàng, cẩn thận đến từng chi tiết, nhiều năm qua chị Sửu đã làm hài lòng tất cả những chủ tàu khi họ chọn chị làm “bà lang” cho “cần câu cơm”, cũng là khối tài sản lớn nhất của gia đình mình. Thế nhưng, ít người biết rằng để có được sự tin tưởng đó, chị Sửu và xưởng sửa chữa, đóng tàu của mình đã trải qua không ít khó khăn mà nhiều lần chị tưởng đã phải buông xuôi, bỏ cuộc.

Vượt qua những định kiến khắt khe

Chị Sửu sinh năm 1974, lớn lên trong một gia đình lấy nghề đi biển làm nghiệp mưu sinh ở làng chài Bảo Ninh, hậu thế của mẹ Suốt anh hùng. Lớn lên bên mạn tàu, hơn ai hết chị Sửu thấu hiểu nỗi vất vả và cả sự hiểm nguy của ngư dân khi tàu mình bị hỏng hóc. Ngày trước khó khăn, cả tỉnh Quảng Bình chỉ có một hai chỗ đóng và sửa chữa tàu thuyền. Mỗi lần thấy cha đưa tàu đi sửa, phải chờ cả tuần liền mới đến lượt, lỡ cả những chuyến vươn khơi, chị Sửu đã tự hứa với mình, sau này lớn lên sẽ tự mình mở một xưởng đóng và sửa chữa tàu cá để sửa tàu cho cha và bà con ngư dân trong xã.


Chị Hoàng Thị Sửu. Ảnh: P.P

Cứ mỗi lần có những con tàu công suất lớn xuất xưởng, dũng mãnh vươn ra biển lớn, tôi luôn tự nhủ lòng với mình rằng, những người ngư dân quanh năm bám biển thì chiếc tàu cá không chỉ là phương tiện kiếm cơm của nhiều gia đình mà còn giữ mạng sống của rất nhiều người. Chính vì vậy, trong công việc của xưởng, tôi luôn cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ, nhắc nhở anh em thợ thầy phải  đặt độ an toàn của con tàu lên hàng đầu…” .

Chị Hoàng Thị Sửu

Ước mơ thuở thiếu thời chưa thực hiện được thì chị Sửu lấy chồng, cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn buộc chị phải bôn ba sang tận trời Tây. 7 năm tha phương chị Sửu mới một lần được về thăm quê hương, khi ấy người chồng đã đi tìm hạnh phúc mới. Nhìn hai đứa con gái ngày càng lớn, nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, lòng chị thắt lại.

Thế là chị quyết định ở lại quê hương. 7 năm đi lao động ở nước ngoài, chị Sửu cũng tích cóp được một số vốn, không phải là nhiều nhưng cũng đủ để cho gia đình buôn bán làm ăn ổn định cuộc sống. Có một điều lạ, không giống như nhiều phụ nữ khác ở làng, chị Sửu chọn cho mình cái nghề mà chỉ đàn ông mới dám làm, đó là mở xưởng sửa chữa và đóng mới tàu cá để thực hiện giấc mơ từ nhỏ.

Tất nhiên, ý định của chị Sửu vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, bạn bè, người thân. Người làng biển trước đây vốn có những định kiến rất khắt khe với phụ nữ. Quanh năm sống đời sông nước, họ “kiêng kỵ” những gì liên quan đến phụ nữ, đặc biệt con tàu vốn là tài sản, là phương tiện mưu sinh, là mạng sống của cả gia đình thì sự “kiêng kỵ” là hiển nhiên.

Vượt qua những định kiến khắt khe đó, đầu năm 2011, chị Sửu dồn tất cả vốn liếng tích cóp được để mở xưởng. Nhưng là người “ngoại đạo”, khi mở xưởng ra, chị Sửu không lường được hết những khó khăn. Vốn xưởng đóng tàu phải đầu tư lớn, trong khi khách hàng lại rất e dè khi đến xưởng vì dù sao chị cũng là phụ nữ. Những năm đầu, xưởng thu không đủ bù chi, chị Sửu  túng bấn trong nợ nần. Nhìn con gái mất ăn mất ngủ, ngày một tiều tụy, cha mẹ chị  không cầm được nước mắt. Nhiều lần ông bà khuyên: “Con bỏ đi, đừng làm nữa. Cha mẹ cho con một ít vốn để buôn bán nhỏ, kiếm tiền lãi nuôi con cái ăn học. Con cứ coi đó như một lần mình đau ốm, chạy chữa hết tiền vậy thôi.”

Rồi chị khăn gói lên đường vào Quảng Trị, rồi Bình Định, Phú Yên, tìm đến những xưởng đóng tàu lớn, phương tiện máy móc hiện đại, xin học nghề. Thấy một phụ nữ nhỏ nhắn lại đi học cái nghề nặng nhọc này, nhiều chủ xưởng ái ngại. Nhưng khi chị trình bày nguyện vọng muốn được học nghề để thay đổi phương thức sửa chữa ở địa phương, một ông chủ ở Bình Định đã đồng ý cho chị học nghề, rồi cùng chị về quê, cải tạo lại xưởng. Nếu người ta đầu tư xưởng đóng tàu bằng đà dọc thì chị Sửu mạnh dạn đầu tư đà ngang hiện đại, dễ dàng kéo được những con tàu lớn lên xưởng mà không tốn nhiều công sức như trước đây.

An toàn là trên hết

Cải tạo được xưởng, chị Sửu ra những chính sách đãi ngộ tốt, trả lương cao để thu hút những người thợ có tay nghề cao trong vùng về đầu quân cho mình. Những ngư dân trước đây vốn dè dặt với xưởng của chị, nay cũng bắt đầu tìm đến vì thấy ở đây có đội thợ có tay nghề cao, giá cả dịch vụ lại phù hợp.  Chỉ trong vòng 1 năm, xưởng của chị Sửu đã lấy được lòng tin của khách hàng khắp vùng sông Gianh (Quảng Trạch), Đức Trạch, Lý Hoà (Bố Trạch) rồi cả Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh (Đồng Hới). Hiện nay, với đội thợ lành nghề hơn 40 người, hàng tháng, xưởng của chị Sửu sửa chữa cho hơn 40 lượt tàu thuyền; hàng năm đóng mới gần chục chiếc, riêng năm 2015, đóng mới và hạ thuỷ 13 chiếc, trong đó có 4 chiếc trọng tải 800 CV theo Nghị định 67.

“Chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên đóng theo Nghị định 67 ở Quảng Bình hạ thuỷ năm 2015 là đóng tại xưởng tôi đó. Ngày đầu khi họp bàn với xã và các ngân hàng, họ thấy tôi là nữ, họ không tin tôi đóng được những chiếc tàu lớn như thế. Thấy họ còn nghi ngại, tôi nói luôn: “Tôi không đóng được tàu, tôi “đóng” luôn xưởng”. Thấy tôi quyết tâm, lãnh đạo các ngân hàng cùng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ ngành nông nghiệp, ngư dân xuống khảo sát xưởng, họ ngạc nhiên trước quy mô của xưởng tôi. Rứa là tôi có ngay hợp đồng đầu tiên đó. Đội thợ của tôi cũng quyết tâm không để tôi mất mặt.  Ngày hạ thuỷ con tàu vỏ gỗ đầu tiên theo Nghị định 67, tôi nhận tiếp luôn 2 con tàu khác với mỗi chiếc trị giá 15 tỷ đồng” – chị Sửu tự hào chia sẻ.

Ngư dân Nguyễn Trọng Thủy, người đang  đóng  2 tàu cá, mỗi chiếc 15 tỷ đồng ở xưởng đóng tàu của chị Sửu tâm sự: “Đàn ông ở cái làng biển này bây giờ không còn nghĩ đàn bà làm sao đóng được tàu, cũng không còn những “kiêng kỵ” cổ hủ nữa, mà nể phục chị Sửu vô cùng. Tàu qua tay chị Sửu, chuyến biển nào cũng bội thu nên “cái vía” của chị luôn được ngư dân đặt niềm tin, vì thế tôi quyết định đóng mới 2 chiếc tàu ở xưởng của chị Sửu”.


Có thể bạn quan tâm

tinh-hinh-dich-benh-trong-vu-nuoi-tom-nuoc-lo-2016 Tình hình dịch bệnh trong… gia-ca-thap-ngu-dan-van-quyet-vuon-khoi-bam-bien Giá cá thấp, ngư dân…