Mô hình kinh tế Ghi Tại Hội Thi Na

Ghi Tại Hội Thi Na

Ngày đăng 20/08/2013

Đến hẹn lại lên, các xã trồng na tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) lại có dịp so tài. Tại hội thi na hàng năm do UBND huyện phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở KH&CN tổ chức. Hội thi là nơi các hộ trồng na ở huyện giao lưu học hỏi, trao đổi kiến thức cũng như giới thiệu sản phẩm của mình. Lần thứ 3 tổ chức, hội thi năm 2013 tiếp tục tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn với sự tranh tài của 10 đội thi đến từ 7 xã, thị trấn trồng na trong huyện.

Theo lịch của ban tổ chức, 8h sáng ngày 16/8/2013, hội thi na Chi Lăng mới diễn ra, vậy nhưng ngay từ tờ mờ sáng, các đội thi cùng cổ động viên đã tập trung kín ở hội trường nhà khách Chi Lăng, nơi diễn ra hội thi. Phía trên sân khấu, người thì khệ nệ bê những thùng na, người cầm mâm, cầm hoa, người chuẩn bị trang phục. Còn ở phía dưới, các đại biểu, cổ động viên, phóng viên báo, đài chật kín. Tất cả những điều đó đã khiến cho không khí hội thi “nóng” ngay từ đầu.

Đúng 8h, hội thi bắt đầu với phần thi chào hỏi của các đội. Không cầu kỳ, cũng chẳng cần đến tính “nghệ thuật”, phần chào hỏi của 10 đội thi rất đỗi gần gũi như những câu chuyện thường nhật của người nông dân chân lấm tay bùn. Những lời giới thiệu ngắn gọn về những công việc liên quan đến cây na của các thành viên trong đội. Có những đội giới thiệu bằng cách mượn những câu vè, có những đoạn vè đang cao hứng bỗng vụt tắt bởi đội trưởng chợt … quên.

Mỗi lần như vậy, hội trường lại được hâm nóng bằng những tràng pháo tay cổ vũ, động viên cho các đội từ phía khán giả. Phần thi chào hỏi gây ấn tượng mạnh bởi sự vô tư, chất phác cũng như những bộ trang phục dân tộc truyền thống của người dân.

Nếu như phần thi thứ nhất đem lại sự vui vẻ, gần gũi từ các đội chơi thì phần thi thứ hai tìm hiểu kiến thức chăm sóc cây na lại là cơ hội cho các đội chơi thể hiện được trình độ, kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây na. Qua các câu trả lời, có thể thấy các đội thi đều nắm vững những vấn đề cơ bản về chăm sóc na, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng quả na.

Bên cạnh đó là việc đảm bảo an toàn cho người, giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Phần thi này khiến cho ban giám khảo rất khó trong việc chọn đội xuất sắc bởi những kiến thức của bà con nông dân về cây na rất vững, các câu trả lời phong phú, chính xác và thường xuyên được áp dụng ở nhiều hộ trồng na trong huyện.

Nghe các đội trả lời câu hỏi một cách lưu loát, chính xác,chúng tôi ngạc nhiên, nhưng cô Nông Thị Lượng, cổ động viên của xã Thượng Cường thì tỏ ra rất bình thường. Cô chia sẻ: không riêng gì các đội chơi mà bà con trồng na như tôi đều nắm được những kiến thức căn bản đó thông qua công tác tuyên truyền của các nhà chuyên môn cũng như kinh nghiệm đúc rút sau nhiều năm.

Vậy nên sản phẩm na của gia đình cô và nhiều hộ khác ở xã Thượng Cường tăng cả về chất lượng và năng suất qua từng năm. Yêu na, hiểu na, gắn bó với cây na nên sản phẩm na Chi Lăng luôn được đánh giá cao về năng suất cũng như dinh dưỡng. Đây cũng chính là nội dung ở phần thi thứ ba. Các đội thi đã trưng bày những quả na to, thơm, bắt mắt kết hợp với cách trang trí khéo léo càng làm nổi bật giá trị quả na của các đội.

Sau 3 phần thi căng thẳng nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, Ban giám khảo đã chọn ra các đội nhất, nhì, ba và khuyến khích đội trao giải. Kết quả chung cuộc, đội thi xã Quang Lang 2 đã xuất sắc giành giải nhất. Không giấu nổi niềm vui, chị Vi Thị Chi Lan, đội trưởng đội xã Quang Lang 2 chia sẻ: sau 3 lần huyện Chi Lăng tổ chức hội thi na, đội Quang Lang đã 2 lần giành giải nhất và 1 lần giành giải nhì. Kết quả đó là sự nỗ lực chung của người dân trong việc trồng và chăm sóc để cho ra những sản phẩm na chất lượng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Hội thi đã kết thúc một cách thành công tốt đẹp với chiến thắng giành cho đội có sự chuẩn bị chu đáo cùng những kiến thức vững chắc về chăm sóc na. Nhưng thành công hơn cả chính là những kiến thức về cây na được chia sẻ tại hội thi. Từ đó các thành viên trong đội có thể truyền đạt lại cho các hộ trồng na tại địa phương mình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Vi Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng - Trưởng ban tổ chức hội thi cho biết: Có thể khẳng định, hội thi na huyện Chi Lăng lần thứ 3, năm 2013 đã thành công tốt đẹp. Đây thực sự là sân chơi bổ ích cho người trồng na, đồng thời thông qua cuộc thi cũng đã khẳng định được thương hiệu na Chi Lăng ngày một vững mạnh. Giờ đây, na Chi Lăng không chỉ là mô hình kinh tế hiệu quả để các địa phương khác trong tỉnh học tập mà nó còn vươn sang các tỉnh bạn.

Cụ thể, trong dịp hội thi na Chi Lăng năm 2013, đoàn công tác của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có đồng chí Chủ tịch UBND huyện cùng một số nông dân tiêu biểu đã đến và tìm hiểu mô hình trồng na ở Chi Lăng. Từ đó có thể thấy, thương hiệu na Chi Lăng ngày càng bay xa, giá trị kinh tế từ na góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

som-thuc-hien-dut-diem-chinh-sach-ho-tro-cho-nguoi-trong-dua Sớm Thực Hiện Dứt Điểm… vuon-cay-an-trai-cho-thu-nhap-200-300-trieu-dong-ha-nam Vườn Cây Ăn Trái Cho…