Giá cà phê tuần 20 (17/5 – 23/5): Tăng trở lại sau khi giảm mạnh đột ngột trong tuần trước
Giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên kết thúc tuần 20 (17/5 – 23/5) chốt tại 31.800 – 32.700 đồng/kg, tăng 200 đồng so với mức giá của tuần 19. Giá tăng nhẹ trở lại sau khi giảm mạnh đột ngột trong tuần trước đó.
Trong những năm qua, giá bán cà phê liên tục giảm, nên những dấu hiệu tăng giá trong những ngày vừa qua là động lực lớn cho những người trồng cà phê. Bởi thực tế, những người trồng cà phê thường phải hứng chịu bất ổn về giá bán. Chất lượng thấp và giá bán thấp là những yếu điểm của ngành cà phê Việt Nam trong nhiều năm.
Tại thị trường trong nước, kho dự trữ thấp, khoảng 5 – 7% sản lượng cà phê vụ 2020/21 vẫn chưa được bán. Doanh số thấp do nông dân không quan tâm bán ra ở mức giá hiện nay chỉ hòa vốn.
Trong tuần 20, hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam dịu bớt, trong khi nguồn cung tại Indonesia tăng lên với cà phê vụ mới được đưa vào thị trường.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, với 5% hạt đen & vỡ) được chào giá cộng 20 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London, giảm từ mức cộng 55 USD một tuần trước.
Trong khi đó, cà phê rubusta Sumatran của Indonesia được chào bán ở mức cộng 110 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7, mức cộng là 120 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 6 được bán trong 2 tuần trước.
Các sản phẩm cà phê của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân xanh, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Brazil.
Vinanet phân tích từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, nhìn chung xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang đa số các thị trường chủ đạo trong 4 tháng đầu năm 2021 sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam - Đức - giảm 27,5% về lượng (84.652 tấn) và giảm 16% về kim ngạch (147,97 triệu USD) so với cùng kỳ.
Cà phê xuất khẩu sang Italia - thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam - giảm 15,9% về lượng (47.881 tấn) và giảm 10,6% kim ngạch (80,34 triệu USD).
Tính chung trong cả 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu cà phê vẫn tăng 14,3% về lượng so với cùng kỳ, đạt 584.981 tấn, nhưng giá trị thu về lại giảm 8,2%, đạt 1,06 tỷ USD.
Giá cà phê xuất khẩu trong tháng 4/2021 tăng 1,4% so với tháng 3/2021 và tăng 10,5% so với cùng tháng năm 2020, đạt trung bình 1.865 USD/tấn. Tinh chung trong cả 4 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu cũng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.803,6 USD/tấn.
Tại thị trường thế giới, hai sàn giao dịch phiên cuối tuần toàn sắc đỏ, với giá arabica kỳ hạn tháng 7 đạt 150,1 US cent/lb và giá robusta giao cùng kỳ hạn đạt 1.478 USD/tấn. Tuy nhiên, so với mức giá cách đây một tuần, giá arabica đã tăng 5,5 cent còn giá robusta tăng 18 USD.
Sản lượng cà phê của Brazil năm nay sụt giảm, do khô hạn từ đầu vụ và cây cà phê arabica vào năm cho sản lượng thấp theo chu kỳ “hai năm một”. Tuy nhiên, thị trường cũng rất quan tâm thời tiết vào giai đoạn cuối vụ. Mưa nhiều không chỉ giúp hạt cà phê chín mẩy, cho năng suất và chất lượng cao hơn mà còn ngăn cản sự hình thành sương giá mùa đông và góp phần hỗ trợ cây cà phê hồi phục sau thu hoạch.
Công ty tư vấn Safras & Mercado đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng của Brazil, với sản lượng arabica giảm 31%.
Nguồn cung đang khan hiếm, sản lượng cà phê arabica của Brazil có thể giảm trong năm nay và tình trạng thiếu hụt container tại quốc gia Nam Mỹ này đã khiến xuất khẩu chậm lại.
Do thiếu công nhân và mưa thất thường khiến xuất khẩu cà phê từ Guatemala, nhà xuất khẩu arabica lớn thứ 6 thế giới, giảm 3% trong niên vụ này.
Tuần qua, hầu hết xuất khẩu cà phê arabica của Colombia vẫn bị chặn lại do các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã làm giảm dòng hàng hóa tới các cảng, theo liên đoàn cà phê nước này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ