Tin nông nghiệp Giá điều tăng cao, nhà nông... héo ruột

Giá điều tăng cao, nhà nông... héo ruột

Tác giả Hữu Ký, ngày đăng 06/03/2017

Bước vào mùa thu hoạch điều năm 2017, giá điều tươi tại tỉnh Bình Phước cao ngất ngưởng. Nhưng không vì thế người trồng điều vui mừng, bởi các cơn mưa trái mùa cuối tháng 2 đã phá tan tác nhiều vườn điều của người dân.

Trong ảnh:  Do ảnh hưởng thời tiết nên đến thời điểm này các vườn điều tại tỉnh mới cho lác đác trái. Ảnh: H.K

Càng làm càng thất thu

Thông tin từ các đại lý thu mua điều ở một số khu vực của tỉnh Bình Phước, mức giá điều tươi đầu mùa đang dao động từ 43.000 – 45.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm giá điều tươi còn lên đến 47.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng có tại Bình Phước từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện hầu hết đại lý đều không có điều để thu mua bởi các vườn điều của người dân mới có trái rải rác. Trong khi đó, thời điểm này năm trước, các vườn điều của người dân đã vào chính vụ.

Theo đề án phát triển ngành điều tỉnh Bình Phước, đến năm 2020 diện tích điều toàn tỉnh sẽ ổn định ở mức 181.000ha. Trong đó tỉnh phấn đấu đưa khoảng 48.000ha cho năng suất hơn 3 tấn/ha, khoảng 30.000ha cho năng suất từ 2 – 3 tấn/ha, hơn 43.000ha cho năng suất 1,8 tấn/ha. Tỉnh cũng sẽ hình thành ít nhất 40 câu lạc bộ liên kết sản xuất (tương ứng 3.000 – 5.000ha) ở 121 xã, thị trấn với khoảng 1.200 hộ trồng điều tham gia. 

Nhiều chủ vườn cho biết, do đặc điểm thời tiết thất thường nên năm nay điều ra hoa muộn. Không những vậy, các vườn điều còn bị tàn phá nặng nề bởi mưa trái mùa. Do đó, dù giá điều cao nhưng nhiều chủ vườn lo lắng không có điều để bán.

Anh Nguyễn Văn Tú (ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) cho biết vườn điều nhà anh hiện chỉ đang có lác đác trái. Sau các cơn mưa trái mùa, tình trạng khô, rụng hoa, rụng trái non xảy ra nhiều. Qua kiểm tra vườn điều, anh Tú cho biết, năm nay vườn điều nhà anh thất thu khoảng 50% so với năm trước. “Giá điều năm nay cao chưa từng thấy, có thể sẽ còn tăng nữa vì không có điều nhiều. Nhưng bây giờ không có điều bán, mưa trái mùa liên tục nên không biết cách nào để cứu” - anh Tú buồn bã nói.

Anh Thạch Rửng (ngụ phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài) nói vườn điều nhà anh cũng tan tác sau các đợt mưa trái mùa. Vào tuần đầu tháng 2, liên tục có các trận mưa trái mùa. Để cứu vườn điều, anh xịt thuốc chăm sóc cây trong thời kỳ ra hoa. Tuy nhiên, mọi việc lại tồi tệ hơn khi những ngày cuối tháng 2 liên tục xuất hiện 3 – 4 cơn mưa trái mùa lớn. Anh Rừng cho biết, ra thăm vườn có nhiều cây nhìn không thấy trái non, tỷ lệ khô hoa, rụng hoa nhiều không kể. Theo tính toán của anh Rừng, năm trước làm ăn tốt, anh thu trên 3 tấn nhưng năm nay khó đạt 2 tấn.

Tương tự nhiều người trồng điều tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phước Long… cũng phản ánh các vườn điều bị khô bông, bị bọ xít tấn công rất nhiều sau các trận mưa trái mùa, dự đoán thất thu từ 50 - 60% so năm trước. Sau nhiều đợt cất công chăm sóc, đến thời điểm này nhiều người đã nản nên buông xuôi, phó mặc cây trồng cho thời tiết. 

Có khoa học có hơn

Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Vũ Đức Bộ - Giám đốc HTX điều sạch Phước Hưng nhận định năm nay khó khăn đến với người trồng điều, nếu không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng điều thì người dân thất bại. Riêng các vườn điều trong HTX (hơn 750ha) nhờ chủ động chăm sóc, ứng dụng KHKT theo hình thức sản xuất điều hữu cơ nên thiệt hại không đáng kể. Chỉ một số ít xã viên không đầu tư, không ứng dụng KHKT thì mới thiệt hại khoảng từ 20 - 30% so năm trước. Theo ông Bộ, với mức giá cao kỷ lục như hiện nay, lấy giá cả bù lại năng suất thì xã viên trong HTX Phước Hưng vẫn có thể yên tâm không lo mất mùa. 

Kỹ sư Võ Đình Khánh-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước nhận định cây điều điều phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng nếu biết ứng dụng KHKT, có phương thức chăm sóc phù hợp thì phần nào hạn chế được thiệt hại. Theo ông Khánh, các cơn mưa trái mùa tại tỉnh trong thời gian qua làm phát sinh bệnh thán thư, bọ xít muỗi gây hại cho cây điều. Trong giai đoạn đỉnh điểm, điều đang ra hoa, đậu trái non, nếu gặp mưa trái mùa thì cần xử lý xịt thuốc ngay để phần nào hạn chế thiệt hại, mất mùa. Ông Khánh khuyến cáo, nếu trong đêm có mưa thì sáng hôm sau nông dân cần xịt thuốc ngay để có thể cứu được 40%.  

Một cán bộ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước cũng khuyến cáo trong giai đoạn ra hoa, đậu trái nông dân bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây (như vi lượng, kẽm, canxi), đồng thời cần phòng ngừa sâu bệnh phá hoại. Để chăm sóc tốt nông dân cần phải theo dõi vườn điều thường xuyên, nắm tình hình sâu bệnh để có biện pháp chăm sóc kịp thời. 


Có thể bạn quan tâm

ot-cay-khanh-duong-len-huong Ớt cay Khánh Dương “lên… ot-do-co-tiep-tuc-mang-lai-van-do-cho-nguoi-trong-nam-nay Ớt đỏ có tiếp tục…