Thống kê chăn nuôi Giá heo hơi ngày 11/8/2021: Thức ăn chăn nuôi “hạ nhiệt” hộ dân mới tái đàn?

Giá heo hơi ngày 11/8/2021: Thức ăn chăn nuôi “hạ nhiệt” hộ dân mới tái đàn?

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 13/08/2021

Giá heo hơi ngày 11/8, tại 2 miền Bắc - Nam biến động từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi miền Trung đi ngang so với hôm qua. Hiện giá heo hơi được thu mua trong khoảng 51.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Bắc

Cụ thể, toàn miền có duy nhất tỉnh Bắc Giang giá heo hơi báo tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 55.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Thái Bình, Hưng Yên giá heo hơi hôm nay đi ngang, hiện được thu mua với mức 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg. Các địa phương như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi đi ngang, hiện ở mức 54.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Tuyên Quang giá heo hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 52.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên

Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, Ninh Thuận giá heo hơi ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 53.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 53.000 - 55.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Nam

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp giá heo hơi báo tăng 2.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg. Ngược lại, giá heo hơi tại tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng lại giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 52.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang giá heo hơi ở mức 53.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau giá heo hơi ở mức thấp 51.000 - 52.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 53.000 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, hộ dân mới tái đàn?

Thời gian qua, giá heo hơi giảm liên tiếp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh chưa từng có. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần liên tiếp, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 9 lần. Cụ thể, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 2/8, thức ăn hỗn hợp heo con và heo thịt tăng 300 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp gia cầm thịt tăng 200 đồng/kg…

Với Công ty Guyomar'ch Việt Nam, trong đợt tăng giá lần này, các loại thức ăn đậm đặc cho heo và gà tăng 4.000 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho heo tăng 300 - 400 đồng/kg tùy loại.

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng 400 đồng/kg với tất cả các thức ăn chăn nuôi; thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt tăng 200 đồng/kg, áp dụng từ ngày 1/8 cho các nhãn hiệu của công ty tại Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Định, kho Cần Thơ, Đăk Lăk.

Các Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz, Công ty De Heus, Công ty US Feed, Công ty TNHH CJ Vina Agri… cũng đồng loạt tăng giá các sản phẩm. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám heo, thức ăn hỗn hợp gia cầm, gia súc… tăng dao động từ 250 - 500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Đông (Yên Phong, Bắc Ninh) - chủ trang trại chăn nuôi heo với quy mô khoảng 400 con heo thịt, cho biết, thông thường, để nuôi một con heo thịt đến lúc xuất chuồng, mất khoảng 3 triệu đồng tiền cám. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 35%, tính ra mỗi tháng gia đình ông phải chi hơn 100 triệu đồng, chưa kể chi phí các loại vật tư khác.

“Giá heo hơi ở mức khoảng 70.000 đồng/kg, chúng tôi mới có lãi, nhưng giờ giảm xuống chỉ hơn 50.000 đồng/kg nên nuôi ngày nào lỗ ngày đó. Chăn nuôi thế này, giờ chỉ chờ đến lúc giá cám hạ nhiệt, chúng tôi mới dám tính đến tái đàn”, ông Đông nói.

Ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, chăn nuôi trong nước. Người chăn nuôi rơi vào thua lỗ, thậm chí càng nuôi càng lỗ.

Theo ông Trúc, bất cập lớn của ngành chăn nuôi hiện nay là mảng thức ăn chăn nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu và chịu sự chi phối của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng cao hơn nhiều, dù chúng ta cũng có nhiều nhà máy sản xuất, công nghệ không thua kém.

Ông Trúc cho rằng, nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao một phần đến từ quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Ở Thái Lan, lợi nhuận đối với ngành thức ăn chăn nuôi được quy định không được phép cao hơn 5%. Ở Trung Quốc, thức ăn chăn nuôi được áp giá trần…

Ở Việt Nam, việc chi hoa hồng, chiết khấu… giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối thức ăn chăn nuôi còn buông lỏng, các đơn vị thậm chí chiết khấu tới 30%. Cuối cùng, người chăn nuôi phải gánh chịu hết các chi phí đó. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam chiếm đến 70 - 75% giá thành sản phẩm, vậy nên người dân gặp rất nhiều rủi ro.

“Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên tìm cách kiểm soát khung giá bán thức ăn chăn nuôi, tỷ lệ chiết khấu cho đại lý, tỷ lệ trích khấu hao nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, và người chăn nuôi” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nói.


Có thể bạn quan tâm

gia-lon-hoi-ngay-13-8-2021-tang-nhe Giá lợn hơi ngày 13/8/2021… gia-heo-hoi-ngay-10-8-2021-ca-3-mien-tang-1-000-2-000-dong-kg Giá heo hơi ngày 10/8/2021:…