Mô hình kinh tế Giá Hồ Tiêu 8 Năm Liên Tiếp Ở Mức Cao

Giá Hồ Tiêu 8 Năm Liên Tiếp Ở Mức Cao

Ngày đăng 29/05/2014

Nhìn lại đầu năm nay và những năm vừa qua, có thể thấy sản lượng tiêu luôn có xu hướng tăng lên, nhưng giá tiêu vẫn rất tốt, năm sau cao hơn năm trước.

Đầu vụ hồ tiêu năm nay, trước khả năng trúng mùa của hồ tiêu Việt Nam, không mấy ai dám nghĩ giá tiêu tiếp tục ở mức cao. Nhưng thực tế lại diễn biến khác hẳn, khi giá tiêu vẫn liên tục ở mức cao.

Cuối tuần trước, thông tin từ nông dân ở những vùng trồng tiêu trọng điểm đều cho thấy giá tiêu hiện đang ở mức rất cao. Ông Hoàng Phước Bính, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho hay, giá hạt tiêu do nông dân Chư Sê bán ra hiện đang ở mức trên 160.000 đ/kg. Ông Nguyễn Bá Thịnh, nông dân ở tổ 1, ấp 4, xã Lộc An (Lộc Ninh, Bình Phước), cũng cho biết giá tiêu tại huyện này đang ở mức 160.000 đ/kg.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết, giá tiêu năm nay tuy chưa đạt tới mức đỉnh như cuối năm ngoái (có thời điểm tới 184.000 đ/kg), nhưng vẫn đang là mức giá rất cao, mà hồi đầu năm, với cương vị là chủ tịch ông cũng không dám tin rằng giá sẽ lại cao như thế. Bởi năm nay, sản lượng hồ tiêu tăng mạnh.

Theo VPA, diện tích canh tác tiêu năm nay ước khoảng 62 ngàn ha, sản lượng ước 125.000-130.000 tấn, tăng khoảng 5.000 ha và 5.000-10.000 tấn so với năm ngoái. Nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, trên thực tế, sản lượng có thể lên tới 150-160 ngàn tấn, bởi diện tích đã gia tăng mạnh ở các vùng trồng tiêu.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu đen các tháng đầu năm nay đều cao hơn hẳn: Tháng 1/2013, giá tiêu đen bình quân 119.000 đ/kg thì tháng 1 năm nay là 143.000 đ/kg. Giá tiêu đen bình quân tháng 2 và 3 năm nay ở mức 125.000 đ/kg, còn tháng 2 và 3 năm ngoái là 120.000 đ/kg.

Sang tháng 4 vừa rồi, giá tiêu đen bình quân mà nông dân bán ra là 145.000 đ/kg, cao hơn tới 27.000 đ/kg so với giá bình quân tháng 4/2013. Ông Đỗ Hà Nam khẳng định đây là năm thứ 8 liên tiếp mà giá hồ tiêu do nông dân Việt Nam bán ra đứng ở mức cao.

Nhìn lại đầu năm nay và những năm vừa qua, có thể thấy sản lượng tiêu luôn có xu hướng tăng lên, nhưng giá tiêu vẫn rất tốt, năm sau cao hơn năm trước, không có tình trạng được mùa mất giá như phần lớn các loại nông sản khác.

Nguyên nhân trước hết, vẫn là do sự chủ động tham gia điều tiết thị trường của cả DN lẫn người trồng tiêu. VPA vẫn thường xuyên theo dõi sát cung cầu, diễn biến thị trường giá cả hồ tiêu trong nước và quốc tế, từ đó khuyến cáo nông dân bán tiêu khi giá cao, giữ hàng khi giá thấp. Đồng thời, VPA cũng khuyến cáo DN tranh thủ thời cơ tạo đủ nguồn hàng, chủ động đàm phán ký hợp đồng XK, hạn chế bán khống (ký hợp đồng XK khi chưa có nguồn hàng) nhằm tránh rủi ro.

Thực tế cho thấy đã có một số DN do không nghe khuyến cáo của VPA, ký hợp đồng XK tiêu khi chưa chuẩn bị nguồn hàng, nên đến thời điểm này đã bị lỗ hàng triệu USD do giá tiêu trong nước tăng cao. Còn những DN không bán khống đều giữ lợi nhuận tốt.

Nhờ sự đồng lòng nói trên mà nhiều năm qua, nhất là từ 2011 đến nay, DN và nông dân trồng tiêu đã cùng điều tiết lưu thông, bình ổn thị trường, giữ được giá tiêu trong nước và XK ở mức cao ngay từ đầu vụ thu hoạch.

Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã gần như “một mình một chợ” trên thị trường tiêu thế giới. Nhờ đó 4 tháng qua đã XK được trên 75,5 ngàn tấn, đạt giá trị 519,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái thì lượng tăng tới 40,2% và giá trị tăng 46,3%. Có tháng XK tới 25.000-26.000 tấn hạt tiêu, là mức kỷ lục XK của 1 tháng từ trước đến nay. Tiêu đen XK đạt 6.596 tấn, tiêu trắng 9.606 tấn, cũng đều là những mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo nhận định của VPA, sản lượng tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới sẽ không thay đổi và xu hướng tăng 4-5% tùy theo thị trường. Trong khi đó, năng lực sản xuất hiện nay ở hầu hết các nước trồng tiêu đều khó tăng, khiến cho lượng dự trữ toàn cầu thấp. Do đó khả năng mất cân đối cung – cầu có thể xảy ra nhưng không quá gây gắt.

Riêng trong năm nay, sản lượng hồ tiêu trên thế giới nhiều khả năng sẽ sút giảm do vụ mùa không mấy khả quan ở nhiều nước trồng tiêu khác, trong khi đó, nhu cầu thế giới vẫn tăng, nên dù tiếp tục gia tăng mạnh về sản lượng, hồ tiêu Việt Nam vẫn đang có cơ hội tốt để đẩy mạnh XK.

Nhờ lợi thế lớn về việc chi phối thị trường tiêu toàn cầu (chiếm 30% sản lượng và 50% lượng tiêu giao dịch trên thế giới), mà trong thời gian qua, hồ tiêu Việt Nam đã có những lúc vượt qua được những sức ép do một số thị trường NK tạo ra.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, có những thời điểm, khách hàng châu Âu, Trung Quốc … kiếm cớ để ép giá hồ tiêu Việt Nam. Ngay lập tức các DN Việt Nam phản ứng lại bằng cách không bán cho những khách hàng đó mà bán cho người khác. Cuối cùng những khách hàng nói trên không thể tìm mua được hồ tiêu ở những nước XK khác, đành phải quay lại mua tiêu của Việt Nam với giá cao hơn.

Dự kiến trong cả năm 2014, XK hồ tiêu của nước ta sẽ đạt khoảng 150 ngàn tấn, trong đó lượng tạm nhập, tái xuất là 20 ngàn tấn. Kim ngạch XK trong năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD. Như vậy, ngành hồ tiêu đang trên con đường hiện thực để có mặt trong nhóm những ngành hàng XK đạt giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.


Có thể bạn quan tâm

san-luong-thuy-san-vinh-long-giam-sau Sản Lượng Thủy Sản Vĩnh… da-xuat-khau-tren-2-trieu-tan-gao Đã Xuất Khẩu Trên 2…