Mô hình kinh tế Gia Lai phát triển hồ tiêu ồ ạt lợi bất cập hại?

Gia Lai phát triển hồ tiêu ồ ạt lợi bất cập hại?

Ngày đăng 25/08/2015

Giá tiêu tại vùng Chư Pưh, Chư Sê hiện không dưới 200 ngàn đồng/kg và ổn định nhiều năm nên chuyện nông dân vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh là Chư Sê, Chư Pưh đổ xô trồng tiêu là chuyện dễ hiểu. Anh Lê Trung Thương (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) nói: Dù rất muốn mở rộng diện tích tiêu nhưng do quỹ đất không còn nên gia đình đầu tư cải tạo lại phần đất trồng 300 trụ tiêu đã bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm để trồng lại hồ tiêu. Hy vọng tiêu mới trồng không bị nhiễm bệnh.

Dù đã có 2.500 trụ tiêu nhưng niên vụ này gia đình anh Phan Thanh Duy (thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) vẫn tiếp tục đầu tư trồng mới thêm 500 trụ tiêu nữa. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-ông Nguyễn Long Khánh thì kế hoạch của huyện, trong năm 2015 sẽ trồng mới và thay thế diện tích hồ tiêu cũ khoảng 150 ha, tập trung tại xã Ia Le, Ia Hla và Chư Don… Diện tích hồ tiêu trồng mới trên địa bàn tập trung trên những chân đất trước đây người dân trồng bắp, mì và các loại cây ngắn ngày. Còn đất trồng hồ tiêu đã bị nhiễm bệnh được người dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Không chỉ Chư Sê, Chư Pưh mà tại nhiều địa phương khác của tỉnh, phong trào trồng mới cây hồ tiêu cũng phát triển khá mạnh, trong đó có huyện Chư Pah-địa phương mới phát triển cây hồ tiêu từ năm 2012 đến nay. Ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah khẳng định: Hồ tiêu đang phát triển mạnh tại các xã: Chư Đăng Ya, Hòa Phú, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa và thị trấn Phú Hòa. Đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu trồng mới toàn huyện trên dưới 250 ha, trong khi kế hoạch trồng mới năm 2015 là 188 ha...

Các địa phương có diện tích trồng tiêu phát triển mạnh mang lại nhiều mối lo ngại bởi lẽ, phần lớn giống tiêu đưa vào trồng mới hiện nay đều do nông dân tự tìm nguồn theo kiểu...tin nhau là chính. Giống tiêu ác thì đến các vườn tiêu trong và ngoài địa bàn để mua. Giống tiêu lươn lại đến các vườn ươm mua với giá bình quân 5 - 6 ngàn đồng/dây giống, trong khi việc kiểm định chất lượng giống trước khi đưa vào trồng rất khó khăn bởi nông dân tận dụng mọi quỹ đất, kể cả vùng đất không phù hợp, đất chưa qua xử lý các loại mầm bệnh để trồng hồ tiêu; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… vô tình đã tạo môi trường sống cho các loại sâu bệnh, vi khuẩn gây hại phát tán, lây lan. Bên cạnh đó, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, có thể tái phát bất kỳ lúc nào mà hệ quả của bệnh này để lại là năm 2014 có trên 250 ha hồ tiêu tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ... bị chết.

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đã trên 13.000 ha, trong khi quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2015 là 6.000 ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định diện tích trên. Với giá thu mua hồ tiêu trên thị trường ổn định ở mức cao như đã nêu, chắc chắn trong tương lai diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh sẽ không dừng lại ở con số hiện nay.

Trên cơ sở dự báo thị trường xuất khẩu hồ tiêu sẽ có lúc bị bão hòa nên Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo không nên mở rộng diện tích hồ tiêu. Trước mắt, để đảm bảo diện tích trồng tiêu phát triển ổn định, hạn chế thiệt hại kinh tế của nông dân do giống, dịch bệnh… tỉnh đã thành lập Trung tâm Giống hồ tiêu để cung ứng giống đảm bảo chất lượng cho dân; các địa phương tăng cường mở lớp tập huấn về sản xuất hồ tiêu bền vững và luân canh cây trồng; hướng dẫn nông dân trồng tiêu cách bón phân phù hợp; đặc biệt là thành lập tổ chỉ đạo chữa bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu từ tỉnh đến huyện…


Có thể bạn quan tâm

cha-de-bo-giong-lua-cua-phu-yen Cha đẻ bộ giống lúa… nong-dan-dak-nong-san-xuat-tieu-sach Nông dân Đắk Nông sản…