Tin nông nghiệp Giá mủ thấp, xót lòng chặt bỏ cao su

Giá mủ thấp, xót lòng chặt bỏ cao su

Tác giả Hồng Đức, ngày đăng 12/09/2016

Bán mủ không đủ tiền trả công thu hoạch

Đến thăm đồi cao su của gia đình ông Hà Văn Ngân (ở thôn Đồng Quan, xã Hóa Quỳ), chúng tôi thấy những gốc cây cao su vừa bị chặt hạ, đang tứa mủ.

Hỏi vì sao gia đình chị lại chặt hạ cây cao su, ông Ngân cho biết: Gia đình ông có vài ha đất vườn và rừng đồi đều trồng cao su.

Những năm đầu thu hoạch, giá mủ còn cao, thì cuộc sống của cả gia đình ổn định.

Nhưng vài năm trở lại đây, do giá mủ ngày càng xuống thấp, nên gia đình không muốn cạo mủ nữa.

“Cao su được coi là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thế nhưng, giá mủ bây giờ quá thấp, nên nếu thuê người cạo mủ để bán, thì không đủ tiền trả công, mà lại còn phải mất thời gian quản lý.

Tình trạng giá mủ cao su xuống quá thấp kéo dài, chúng tôi cũng đã đề nghị với Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa (đơn vị đứng ra đầu tư ban đầu) xin chuyển đổi sang cây trồng khác, nhưng chưa được.

Cả gia đình dựa vào vài ha đất để canh tác, nay cao su không cho giá trị kinh tế, nên cuộc sống của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn”- ông Ngân bộc bạch.

“Do giá mủ cao su từ năm 2015 đến nay thấp quá, (chỉ từ 9.000 - 12.000 đồng/kg), vì thế gia đình tôi quyết định phá bỏ để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Nếu cứ để cây cao su và phải thuê người cạo mủ, thì tiền bán mủ không đủ trả công cho người ta”.

Cũng như gia đình ông Ngân, chị Hà Thị Hoa ở xã Hóa Quỳ cho hay: “Nhà tôi trồng 1ha cao su từ những năm 1999-2000.

Hiện nay, cây cao su đang trong độ thu hoạch mủ.

Thế nhưng, do giá mủ cao su từ năm 2015 đến nay thấp quá, (chỉ từ 9.000 - 12.000 đồng/kg), vì thế gia đình tôi quyết định phá bỏ để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Nếu cứ để cây cao su và phải thuê người cạo mủ, thì tiền bán mủ không đủ trả công cho người ta”.

Tìm hiểu của NTNN, nguyên nhân chung khiến người nông dân chặt hạ cây cao su, là do giá mủ xuống quá thấp, tiền bán mủ không đủ để trả công người thu hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều diện tích cây cao su đến nay không còn đảm bảo về mật độ cây.

Bởi lẽ, theo quy chuẩn, cứ 1ha đất sẽ được trồng khoảng 550 cây cao su.

Thế nhưng, đến nay nhiều ha đất chỉ còn mật độ từ 200-300 cây, cá biệt có những diện tích chỉ còn khoảng 100 cây, do bị chết vì sâu bệnh hoặc ngã, đổ bởi thiên tai…

Ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân, xác nhận: Thời gian qua, trên địa bàn huyện có tình trạng người nông dân chặt bỏ cây cao su.

Bên cạnh đó, có cả việc thương lái từ nơi khác đến thu mua thân cây, nên đã gây mất ổn định tâm lý cho người dân.

“Trên địa bàn huyện, hiện nay có hơn 6.000ha cây cao su.

Năm 2015, UBND huyện ban hành rất nhiều văn bản, tuyên truyền cho bà con không chặt cây cao su, đợi giá mủ cao su lên.

Hiện giá mủ cao su quy khô thời điểm này khoảng 23.000 đồng/kg.

Tính ra 1ha một năm cũng thu được 23 triệu đồng.

Thế nhưng, nhiều gia đình nông dân vẫn cứ tự ý chặt bỏ cây cao su đang trong thời kỳ cho thu hoạch mủ” - ông Tuấn cho hay.

Doanh nghiệp không mua mủ?

Hiện ở Thanh Hóa có gần 20.000ha cao su.

Để khuyến khích người nông dân trồng, chăm sóc mở rộng diện tích cây cao su lên 25.000ha, UBND tỉnh này đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cao su giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, mức hỗ trợ cho người trồng cao su là 9 triệu đồng/ha trồng mới và chăm sóc hai năm đầu.

Năm 2015, Thanh Hóa đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su.

Tuy nhiên, do giá mủ ngày càng xuống thấp, nên nông dân không còn mặn mà với loại cây này.

Theo tìm hiểu, ngoài lý do giá mủ xuống thấp, người trồng cao su còn cho rằng phía Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa (đơn vị ký hợp đồng với người dân đầu tư ban đầu và thu mua mủ) không thu mua mủ cao su cho nông dân.

Chúng tôi đã làm việc với ông Trịnh Duy Duân - Phó Tổng Giám đốc Công ty THHH MTV Cao su Thanh Hóa về vấn đề này, ông cho biết: Mặc dù giá mủ cao su hiện nay xuống thấp, nhưng không vì thế mà công ty không thu mua mủ cho nông dân.

“Tại huyện Như Xuân, công ty chúng tôi cũng tổ chức một điểm thu mua mủ cho bà con.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều người nông dân bán mủ ra ngoài cho các tư thương với giá cao hơn, hoặc bằng với công ty.

Có thể, người dân không bán mủ cao su cho công ty vì phải trừ phần trăm tiền đầu tư ban đầu.

Còn nếu bà con bán cho các tư thương bên ngoài thì được bao nhiêu, bà con hưởng bấy nhiêu” - ông Duân cho biết.

Ông Duân cho rằng, vấn đề quản lý và ngăn chặn người dân phá bỏ cây cao su, đang rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương và các ngành liên quan.

“Công ty chúng tôi không có thẩm quyền và chức năng quản lý cũng như xử phạt người dân khi chặt bỏ cây cao su được, mà cần sự vận động, tuyên truyền, quản lý của các ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương có diện tích cây cao su.

Nếu cứ để tình trạng người dân tự ý chặt phá bỏ cây cao su, vì thấy lợi ích trước mắt, thì dần dần, sẽ phá vỡ quy hoạch chung về phát triển, mở rộng diện tích cây cao su của toàn tỉnh”- ông Duân đề nghị.


Có thể bạn quan tâm

cam-sanh-ham-yen-len-doi-nho-phan-bon-lam-thao Cam sành Hàm Yên lên… trong-muong-lam-choi-an-that-o-dien-chau Trồng muống làm chơi ăn…