Mô hình kinh tế Gia nhập TPP, doanh nghiệp cần hiệp lực khi ra biển lớn

Gia nhập TPP, doanh nghiệp cần hiệp lực khi ra biển lớn

Ngày đăng 15/10/2015

Trong những năm gần đây, tập đoàn Lộc Trời, tiền thân là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đã mang lại niềm tin cho người nông dân.

Đón đầu TPP, đơn vị này đã xây dựng và dần hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp từ khâu nghiên cứu đến khâu sản xuất, tiêu thụ với nhiều mặt hàng nông sản chiến lược, đặc biệt là sản phẩm lúa gạo.

Các hoạt động xây dựng chuỗi giá trị của tập đoàn nông nghiệp này bước đầu đạt nhiều thành tựu khả quan, góp phần mang lại giá trị bền vững cho nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua đó, mục tiêu đặt ra nhằm hướng tới nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững mang lại lợi ích kinh tế cao cho doanh nghiệp lẫn người nông dân

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: “Để lo cho đường dài, chúng tôi chuyển mình trước để chủ động hội nhập cùng bà con nông dân.

Nếu không có chiến lược lâu dài để phát triển nông nghiệp bền vững, loay hoay với những khó khăn trước mắt thì sẽ chìm dần và bị thôn tính”.

 

ĐBSCL còn hiếm những doanh nghiệp nông nghiệp có cơ sở hạ tầng, kho bãi quy mô, tiêu chuẩn.

Mới đây, tại Cần Thơ, Diễn đàn Mekong connect - CEO forum 2015, chủ đề Liên kết - Hội nhập - Phát triển được tổ chức đã góp tiếng nói quan trọng trong việc kêu gọi hành động nhằm thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL tự tin khi hội nhập quốc tế.

Tại diễn đàn này, TS Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban phát triển chính sách LHQ  đã nêu rõ: “Hiện Ấn Độ, Thái Lan chưa tham gia TPP nên cơ hội rất lớn cho ngành gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, những rào cản kỹ thuật đối với hàng nông, thủy sản sẽ gia tăng sức ép lớn hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Do vậy, cần có sự đầu tư lâu dài vào khoa học công nghệ, tham gia chuỗi phát triển toàn cầu để có thị trường lâu dài hơn, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong”.

Theo TS Doanh, trước hết cần phải xác định thị trường, và nếu có thị trường thì phải sử dụng công nghệ tương ứng.

“Nếu thị trường đòi hỏi công nghệ cao thì doanh nghiệp phải có công nghệ cao.

Nhưng trước hết phải liên kết với nhau để có quy mô sản xuất lớn.

Nếu không có sản xuất lớn thì hạt gạo làm ra thì chất lượng khác nhau.

Quả chuối trồng không xuất khẩu được bởi quả này chín rồi nhưng quả khác đang còn xanh,” vị tiến sĩ này lưu ý.

Những cánh đồng nhỏ với nhiều giống khác nhau, thời gian thu hoạch khác nhau ở ĐBSCL sẽ khó để doanh nghiệp tập hợp đủ số lượng xuất khẩu.

GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nhìn nhận, trong tiến trình hội nhập, nếu sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL không theo “luồng gió” thị trường mà phát triển thiếu kiểm soát thì hại đủ đường.

Theo phân tích của GS Võ Tòng Xuân, không thể kêu gọi người tiêu dùng phải sử dụng loại nông sản nội mà chất lượng không bằng, giá cả lại cao.

TPP sẽ có tác động nhiều mặt đến nhiều đối tượng, lĩnh vực khác nhau, trong đó có những chủ thể nông nghiệp, nông dân.

Tuy nhiên, xếp hàng đầu trong danh sách ảnh hưởng trực tiếp của TPP đó là các doanh nghiệp.

Vì thế, bài toán khó cho hội nhập buộc doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước, khu vực ĐBSCL phải chuyển mình mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để hình thành chuỗi sản xuất.

Từ đó, mới tạo được bản sắc riêng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.


Có thể bạn quan tâm

no-ro-phong-trao-cai-tao-vuon-tap Nở rộ phong trào cải… mang-cuoc-song-moi-cho-nong-thon Mang cuộc sống mới cho…