Tin thủy sản Giấc mơ nơi đầu nguồn sông Đà

Giấc mơ nơi đầu nguồn sông Đà

Tác giả Bảo Thắng, ngày đăng 08/02/2022

Hiện sở hữu hàng tỷ đồng dưới lòng hồ thủy điện, anh Lê Văn Vũ vẫn không ngừng quảng bá cho giống cá lăng đặc hữu sông Đà để nhiều người biết đến.

Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu có 10 bản, khoảng 700 hộ dân, với đa số thuộc diện tái định cư ở thủy điện Lai Châu. Mường Mô có lợi thế 1.000ha mặt nước, nên nguồn thu nhập từ thủy sản - cụ thể là nuôi cá lòng hồ - là hướng đi chính giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Ngoài những loài cá như trắm, chép, người dân nuôi cá tại đầu nguồn thủy điện Lai Châu (đầu nguồn sông Đà) còn tận dụng được nguồn nước sạch, nước chảy xiết để nuôi những loài cá đặc sản như cá lăng chấm, cá lăng đuôi đỏ, cá chiên.

Một lợi thế cho việc phát triển nuôi cá lồng tại xã Mường Mô là nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ nguồn thủy sản lòng hồ. Vì vậy các hộ nuôi cá không phải tốn thêm tiền mua thức ăn, giảm chi phí đầu tư.

Hơn thế nữa, việc không sử dụng thức ăn hỗn hợp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng.

Anh Lê Văn Vũ, Giám đốc Liên minh HTX Long Vũ, người được cho là sở hữu nhiều cá lăng chấm (loài cá đặc hữu của sông Đà) nhất nhì Việt Nam cho biết, HTX hiện có 12 hộ thành viên, với hơn 100 lồng cá, sản lượng khoảng 200 tấn cá/năm. 

Trong thời gian phát triển nuôi cá lòng hồ, anh Vũ cùng các bà con HTX được chính quyền địa phương hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng mỗi lồng bè. Lúc cao điểm, thu nhập của mỗi thành viên trong HTX đều đặn ở mức từ 500-700 triệu đồng/năm.

Quê huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, anh Vũ sớm lên miền thượng nguồn sông Đà lập nghiệp và đã thử khá nhiều nghề. Nhờ cơ duyên, anh được tiếp xúc với nhiều loài cá đặc trưng, đặc hữu của sông Đà. "Tôi từng bán con cá nặng hơn 70kg, dài hơn cái thùng phi. Những con cá như thế được các nhà hàng coi là cực phẩm, nhưng tiếc là cá trong tự nhiên càng ngày càng hiếm", anh kể.

Giữa lòng hồ, HTX Long Vũ hiện lên như một đảo nổi. Ở đây, anh Vũ còn động viên được thêm 3 hộ khác neo bè nuôi cá cùng nhau. Tất cả cùng nuôi cá lăng chấm. Bè cá của anh Vũ lớn nhất. Ngoài các lồng, bè nối san sát, anh còn cho dựng cả nhà nghỉ để khách đến tham quan, đồng thời lắp đặt hệ thống điện mặt trời để có thể kết nối tới mọi miền Tổ quốc qua internet.

Với số lượng cá chiên, cá lăng đều đã đạt từ 2 - 3kg, anh Vũ nhẩm tính dưới lòng hồ đã có ngót nghét khối tài sản tiền tỷ, thậm chí lớn hơn khi HTX của anh mở thêm 100 lồng nữa vào năm sau.

"Điều tôi mong muốn nhất không phải là hỗ trợ đầu ra mà là những hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để mở rộng thêm quy mô lồng bè, để con cá đặc hữu của sông Đà có thương hiệu, tạo được thu nhập ổn định cho người dân nơi đây", anh Vũ chia sẻ.

Theo ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chăn nuôi Thú y Lai Châu, tỉnh đang liên kết với một số đơn vị chế biến, bảo quản nhằm hỗ trợ người dân đa dạng hóa sản phẩm đầu ra. Ngoài cá tươi nguyên con, sắp tới những hộ nuôi cá như gia đình anh Vũ sẽ có thêm cá phi-lê, giúp tăng thời gian vận chuyển đường dài.

Bên cạnh nuôi cá lòng hồ, thủy điện Lai Châu còn tiềm năng lớn phát triển du lịch. Điều ấn tượng nhất với du khách là cảnh tượng hùng vĩ, lạ mắt của những ốc đảo được bao quanh bởi dòng nước xanh ngắt mênh mông của hồ thủy điện. Chúng được hình thành sau khi thủy điện Lai Châu bắt đầu tích nước.


Có thể bạn quan tâm

nhieu-loai-thuy-san-tang-gia-nhe-sau-tet Nhiều loại thủy sản tăng… su-hien-dien-vi-bao-tu-trung-ehp-trong-nuoc-nuoi-tom-va-cach-xu-ly Sự hiện diện vi bào…