Tin thủy sản Giải pháp kiểm soát bệnh đốm trắng cho tôm nuôi

Giải pháp kiểm soát bệnh đốm trắng cho tôm nuôi

Tác giả Bích Hòa, ngày đăng 30/08/2021

Kiểm soát bệnh đốm trắng ở tôm nuôi (WSD) chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi đây là một trong những mầm bệnh virus khiến tôm chết và gây thiệt hại lớn nhất trong ngành tôm nuôi trên toàn cầu. Các giải pháp kiểm soát bệnh WSD luôn được các nhà nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý, người nuôi đặc biệt quan tâm.

Bệnh khó được kiểm soát

Các nguyên nhân làm cho bệnh đốm trắng do virus gây ra khó kiểm soát là do:

Mật độ nuôi cao và thức ăn công nghiệp: Trong tự nhiên, tôm có môi trường sống lý tưởng với các loại thức ăn lành mạnh và mật độ nuôi thấp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chủ yếu nuôi tôm thâm canh. Việc nuôi tôm ở mật độ cao khiến chúng bị stress, làm giảm khả năng miễn dịch của tôm, khiến virus đốm trắng có cơ hội phát triển và lây lan mạnh hơn.

Nhiều loài có thể trở thành vật chủ trung gian: Mặc dù có rất nhiều loài sinh vật có thể làm vật chủ trung gian giúp virus đốm trắng sinh trưởng và phát triển, song chúng lại không bị loại virus này giết chết. Mặt khác, chúng vẫn sống và giúp virus đốm trắng phát tán rộng ra môi trường, giết hại các loài sinh vật khác.

Cấu trúc di truyền đặc biệt: Do vật chất di truyền nằm trong tế bào chất thay vì nằm trong nhân nên nhiều biến thể khác nhau của virus có thể gây bệnh và lây nhiễm trong một đợt dịch khiến diễn biến dịch rất phức tạp và khó kiểm soát.

Tôm nuôi có khả năng mắc nhiều bệnh cùng lúc: Một khi bị bệnh, hệ miễn dịch của tôm yếu đi khiến tôm có thể mắc đồng thời nhiều bệnh cùng lúc. Sự phối hợp giữa các bệnh khiến tôm bị nhiễm độc mạnh hơn và tỷ lệ chết cũng cao hơn.

Biện pháp an toàn sinh học

Nghiên cứu và thực tế cho thấy các chiến lược để kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm bao gồm kiểm soát sinh học (đó là việc loại trừ tác nhân gây bệnh từ tôm bố mẹ và tôm giống trong trại giống và trang trại nuôi tôm, không trao đổi nước, xử lý nước với chất khử trùng, sử dụng probiotics, vệ sinh dụng cụ và thiết bị), chế độ ăn uống chất lượng (sử dụng các sản phẩm bổ sung vào thức ăn có tính chất kháng virus, chất kích thích miễn dịch, peptide kháng khuẩn), quản lý thức ăn và đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng tối ưu cho tôm nuôi. Với những tác động như vậy chiến lược cơ bản để phát triển nghề nuôi tôm bao gồm các phương pháp tiêu chuẩn về an toàn sinh học trên từng ao nuôi cụ thể là kiểm nghiệm và làm giảm tác động của virus đối với tôm nuôi. Các phương pháp có thể được bao gồm:

Phương pháp xử lý nước: Việc đầu tiên để sử dụng nước cho ao nuôi là nguồn nước phải được xử lý bởi các chất hóa học thường là các chất khử trùng nhằm tiêu diệt virus có trong nguồn nước cũng như các yếu tố nguy cơ khác. Tuân thủ quy trình lắng lọc và xử lý nước triệt để: nên có ao lắng để xử lý nước trước khi đưa nước vào ao nuôi, nếu không có ao lắng khi lấy nước vào ao nước phải được lọc qua lưới dày để không cho cá tạp và những vật mang mầm bệnh vào ao. Tuân thủ đầy đủ thao tác khử trùng. Không sử dụng chung dụng cụ, thiết bị giữa các ao nuôi, Chlorine và ozone thường được sử dụng để xử lý nước cấp. Iodine và Chlorine được sử dụng để xử lý các vật mang mầm bệnh khác như dụng cụ, giày dép và quần áo.

Hàng rào ngăn cua: Sự lây nhiễm thông qua các vật mang mầm bệnh như cua nên được ngăn chặn bởi các hàng rào nhằm tránh cua hay các loài giáp xác bò qua lại giữa các ao nuôi. Tránh sự xâm nhập của các loài giáp xác cua còng tự nhiên đặc biệt là 3 loài (cáy đỏ – Uca arcuata, tôm càng – M. nipponense và tôm gai – E. carinicauda) vào hệ thống nuôi bằng việc xử lý kỹ nguồn nước cấp và sử dụng lưới lọc khi cấp nước vào ao.

Lựa chọn nguồn giống sạch bệnh: Nguồn giống phải không mang virus khi thả vào ao nuôi và cũng không phải là nguồn chứa virus. Xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi là cực kỳ quan trọng và có thể thực hiện được ở các trang trại nhỏ nhằm kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm. Người nuôi cần lựa chọn mua giống ở các công ty giống uy tín và có giấy chứng nhận kiểm dịch. Nếu chưa hoàn toàn tin tưởng tôm giống không nhiễm WSSV có thể đem mẫu đến xét nghiệm tại các trung tâm xét nghiệm.

Các hàng rào vật lý tiêu chuẩn cần thực hiện:  Bao gồm việc khử trùng các vật dụng trước khi đưa vào khu vực nuôi. Hạn chế di chuyển các dụng cụ như lưới, thuyền… nếu chưa được khử trùng. Hạn chế động vật vào ao tôm, nếu có điều kiện thì có thể rào lưới xung quanh và trên bề mặt ao. Nếu điều kiện kinh tế hạn chế có thể sử dụng những cắm cọc hoặc giăng dây cột bì nilon ở giữa ao để xua đuổi chim cò.

Tăng sức đề kháng cho tôm: Sử dụng các sản phẩm có β-glucan 1-3, lipopolysaccharides và peptidoglycans để bổ sung vào thức ăn tôm, bổ sung định kỳ hoặc khi thời tiết bất thường với liều lượng của nhà sản xuất. Không nên dùng thức ăn có nguồn gốc động vật thủy sản tươi hoặc qua ướp đông để nuôi tôm thịt, nuôi thành thục ngoại trừ trường hợp nguồn thức ăn này được xử lý bằng tia gama hoặc xử lý nhiệt (giữ 700C trong 10 phút);

Lựa chọn mô hình nuôi thích hợp: Những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hoàn toàn khép kín cần chi phí đầu tư cao và kỹ thuật quản lý tốt. Do đó những mô hình nuôi ghép vừa đảm bảo phù hợp kinh tế và quản lý cũng mang lại hiệu quả cao như: mô hình nuôi ghép tôm sú với cá đối, cá trắm cỏ; tôm ghép cá rô phi; tôm ghép cá đối mục hay tôm ghép cá măng… Mật độ thả tôm phải phù hợp với hệ thống nuôi để đảm bảo điều kiện tối ưu cho tôm.

Một trong những biện pháp kiểm soát được sự lây lan các mầm bệnh virus do sinh vật mang mầm bệnh là: Phơi khô các ao bị nhiễm bệnh virus; trong quá trình nuôi, nguồn nước dùng cho các lần thay nước cần phải lọc hoặc xử lý trong các ao chứa bằng Chlorine -70 ở nồng độ 25ppm (nồng độ tính cho lượng Chlorine nguyên chất). Thay đổi và cải tiến phương pháp khử trùng. Cần nhận ra rằng khử trùng có thể đặc biệt phù hợp riêng đối với từng hệ thống sản xuất của từng người nuôi và chương trình khử trùng phải phù hợp với thực tế trại nuôi không nhất thiết phải theo đúng chương trình chuẩn.

Hiện nay bệnh đốm trắng do virus ở tôm nuôi không có biện pháp điều trị. Khi phát hiện tôm bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, chủ cơ sở cần khai báo cho thú y cơ sở hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, đồng thời thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y thủy sản. Thông báo cho các cơ sở nuôi xung quanh để có các biện pháp phòng bệnh kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-thuy-san-sut-giam-manh-trong-nua-dau-thang-8 Xuất khẩu thủy sản sụt… su-dung-rong-bien-trong-thuc-an-nuoi-tom Sử dụng rong biển trong…