Tin nông nghiệp Giải pháp luân canh lúa - đậu nành

Giải pháp luân canh lúa - đậu nành

Tác giả Lê Hoàng Vũ, ngày đăng 15/07/2019

Tại Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng vừa chủ trì hội nghị hiện trạng và giải pháp phát triển luân canh lúa - đậu nành ở ĐBSCL.

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2012 tổng kim ngạch XK đậu nành ở nước ta lên 1,2 triệu tấn, giá trị 755 triệu USD (sản lượng năm 2011 chỉ 254.000 tấn). Đây là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao khoảng 58% về giá trị. Xuất phát từ thực tiễn SX với nhu cầu đa dạng hóa cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân, đã có nhiều mô hình luân canh 2 lúa + 1 đậu nành. Tuy nhiên đầu ra sản phẩm còn cao so với giá nhập, diện tích trồng manh mún, thu hoạch thủ công, không có kho bảo quản, chưa có nhà máy chế biến dẫn đến diện tích giảm.

Ông Đỗ Hữu Phương, Cục Chăn nuôi dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết: “Thương mại XNK đậu tương thế giới niên vụ 2012-2013 sẽ tăng 9,3%, tức đạt gần 99 triệu tấn. Nhu cầu đậu tương tăng mạnh do ngành công nghiệp ép dầu và chế biến thức ăn chăn nuôi tăng mạnh"

PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại phía Nam cho biết: ĐBSCL với điều kiện tự nhiên đất phù sa màu mỡ nên rất thuận lợi để phát triển trồng cây đậu nành, đặc biệt trong vụ HT. Đậu nành được trồng 2 vụ trong năm (ĐX và XH), trong đó vụ XH là vụ chính. Do được luân canh sau lúa, gieo sạ nên diện tích bình quân trên nông hộ rất cao, từ 0,5 - 1 ha/hộ. Nhưng tại sao diện tích, sản lượng đậu nành vẫn không phát triển được, thậm chí sụt giảm mạnh, dù được đánh giá có nhiều tiềm năng? Đó là vấn đề cần phải tìm câu trả lời.

Ông Nguyễn Văn Dương, PCT UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết:  Đồng Tháp hiện có 10.000 ha đậu nành, giảm 2.000 ha so với năm 2010, sản lượng chỉ 12.000 tấn/năm chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu trong tỉnh. Mô hình luân canh đậu nành giữa 2 vụ lúa giúp người dân tăng thu nhập so với độc canh cây lúa. Nhưng để phát triển bền vững và quy mô rộng lớn cần phải quy hoạch vùng SX quy mô lớn, tạo sản phẩm khối lượng lớn đồng nhất, áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và đặc biệt xây dựng hệ thống tưới tiêu thích hợp.

Ông Dương nói: "Khó khăn của những vùng trồng đậu nành là yếu tố giống và tưới tiêu. Giá cả không ổn định, tập quán SX manh mún nhỏ lẻ không theo quy hoạch nên chất lượng thấp và thiếu đồng bộ, trong khi giá cả vật tư ngày càng tăng làm tăng chi phí đầu tư, chưa thực hiện tốt việc liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Các vùng trồng đậu nành trước đây của tỉnh đã bị lấn dần bởi diện tích cây ăn trái và cây trồng khác có hiệu quả hơn. Chưa chú ý khâu chế biến đậu nành, bán đậu nành thô không mang lại lợi nhuận cao...".

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt:

Sản lượng đậu nành ở ĐBSCL đã giảm 14% diện tích so với năm 2010, chỉ còn 252 triệu tấn/năm. Quy mô SX nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên hàng năm phải NK trên 2 triệu tấn đậu nành. Kim ngạch NK đậu nành của năm 2011 là 550 triệu USD, trong khi đó kim ngạch XK gạo trong nước chỉ đạt trên 3,6 tỷ USD.

Trước tình hình diện tích giảm, nhu cầu phục vụ chăn nuôi lại tăng buộc phải NK đậu nành với số lượng lớn. Theo thống kê, lượng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong năm 2012 khoảng 13 triệu tấn, đến 2015 sẽ tăng lên 16 triệu tấn và 2020 là 19 triệu tấn đậu nành NK.

Ông Dương đề nghị Bộ NN-PTNT sớm đưa giống đậu nành chuyển gen có năng suất cao và kháng được sâu đục trái, có nguồn giống chất lượng phù hợp với điều kiện SX của khu vực ĐBSCL. Trang bị máy GĐLH thu hoạch đậu nành và nghiên cứu tìm ra loại giống phù hợp với việc thu hoạch bằng máy, cho năng suất cao từ 2,5 - 3 tấn/ha.

Bà Phan Thị Yến Nhi, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, diện tích trồng đậu nành của tỉnh này giảm mạnh do giá cả bấp bênh và khâu thu hoạch còn quá cực công, nhiều nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác. Điển hình ở huyện Chợ Mới (An Giang) đã chuyển sang trồng bắp thu trái non, do Cty Antesco đứng ra cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên lợi nhuận cao gấp đôi so với trồng đậu nành.

Theo bà Nhi, trước hết phát triển loài cây này cần tính đến hiệu quả kinh tế, vì hiện nay An Giang chưa có DN bao tiêu hay nhà máy ép dầu đậu nành tại chỗ nên khó phát triển...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng phân tích: Trồng lúa nếu so ra cực công nhiều hơn so với trồng đậu nành. Trước hết muốn luân canh, có thể bớt 1 vụ lúa tăng thêm 1 vụ màu. Tính ra đậu nành và lúa thời gian bằng nhau là 3 tháng, nhưng đậu nành chỉ bỏ công chăm sóc khoảng 10 ngày còn lúa phải mất 15 - 30 ngày.

"Hướng tới các tỉnh ĐBSCL cần quy hoạch lại vùng lúa kém chất lượng có thể chuyển sang 2 đậu nành + 1 lúa. Các ngành liên quan hỗ trợ kỹ thuật, giống tốt, còn phía tỉnh liên kết với các DN tìm đầu ra cho đậu nành. Nếu đậu nành triển khai tốt cần quy hoạch cánh đồng mẫu lớn đậu nành tại ĐBSCL", Thứ trưởng chỉ đạo.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-gao-tim-thi-truong-moi Xuất khẩu gạo: Tìm thị… dau-nanh-rau-de-trong-ngan-ngay-loi-gap-doi-lua Đậu nành rau dễ trồng,…