Tin thủy sản Giải pháp nuôi tôm bền vững tại Quảng Bình

Giải pháp nuôi tôm bền vững tại Quảng Bình

Tác giả Trần Đình Du - Chủ tịch hội Thủy sản Quảng Bình, ngày đăng 31/10/2018

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã áp dụng các quy trình nuôi cải tiến vào nuôi tôm thâm canh trên cát, dưới hình thức nuôi tôm theo công nghệ sinh học, nuôi tôm theo công nghệ Biofloc... Tuy nhiên đến nay vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh còn xảy ra liên tiếp.

Nuôi tôm theo công nghệ sinh học 

Nguyên nhân là do quy hoạch, đầu tư hệ thống ao hồ và áp dụng quy trình nuôi rất thiếu đồng bộ, không phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Nhằm phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Bình và khả năng đầu tư của người dân, nhiều đề xuất giải pháp cho ngành tôm của Quảng Bình đã được đưa ra.

Cụ thể: Nuôi tôm theo công nghệ sinh học, nhiều giai đoạn, ít thay nước kết hợp các giải pháp kỹ thuật thích hợp cho từng vùng nuôi, đối tượng nuôi và mùa vụ nuôi. Thực chất của quy trình này là nuôi thâm canh theo công nghệ Biofloc, không sử dụng hóa chất, kháng sinh. Trước khi thả giống, gây màu nước bằng các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật đã lên men (cám gạo, bột đậu nành, mật rỉ đường…). Đồng thời, trong quá trình nuôi dùng chế phẩm sinh học bón trực tiếp vào ao nuôi để tăng lượng sinh vật có lợi, tiêu diệt sinh vật có hại, và tăng khả năng phân hủy các chất hữu cơ hoặc trộn vào thức ăn cho tôm nhằm ổn định đường ruột, giúp tôm tiêu hóa và tăng khả năng đề kháng. Đi đôi với công nghệ này, người nuôi cần tiến hành các giải pháp kỹ thuật đồng bộ như: Nuôi nhiều giai đoạn (Giai đoạn ương nuôi trong bể xi măng hoặc ao nuôi có mái che, nuôi từ giống P12 lên giống cỡ 4 - 6 cm, thời gian ương 25 - 30 ngày. Giai đoạn nuôi thương phẩm trong các ao nuôi ngoài trời, thời gian nuôi 60 - 65 ngày); Nuôi theo công nghệ ít thay nước, đầu tư đủ hệ thống ao chứa lắng, ao nuôi và ao xử lý nước thải. Chủ động trong việc thay nước, chỉ thay nước trong trường hợp cần thiết. Đầu tư đúng mức hệ thống quạt, sục khí đầy đủ đáp ứng nhu cầu cho tôm (theo hướng dẫn của quy trình nuôi tôm thâm canh).

Đối với những vùng nuôi tôm trên cát có quy mô lớn (trên 2 ha), nên đầu tư xây dựng hệ thống ao đồng bộ, gồm: ao lắng lọc sẵn sàng, ao nuôi và ao xử lý phù hợp; đảm bảo ao ương và ao nuôi chiếm khoảng 35 - 40%, ao lắng lọc sẵn sàng và ao xử lý chiếm 60 - 65%. Ao ương hoặc bể ương tốt nhất là đặt trong nhà có mái che nếu không có thể làm những bể ương nhỏ bằng các vật liệu bạt, khung lồng rẻ tiền ít kinh phí và có mái che. Đối với ao nuôi thương phẩm có thể tạo mái che bằng lưới lan.

Ở những vùng nuôi có diện tích nhỏ (nhỏ hơn 2 ha), không có điều kiện để xây dựng đầy đủ hệ thống ao thì nên đầu tư ao chứa lắng, hoặc bể ương và ao nuôi thương phẩm; Nơi có diện tích nhỏ hơn 1 ha thì nên đầu tư 1 ao hoặc bể ương và 2 ao nuôi thương phẩm nhưng chỉ nuôi 1 ao, còn 1 ao dùng để cấp nước cho ao nuôi còn lại.

Trường hợp nuôi trong ao đất, đa phần các ao nuôi thường có diện tích nhỏ (< 1 ha), ao hồ đầu tư thiếu đồng bộ (không có hố thu gom chất thải, việc cấp và thoát nước khó khăn). Vì vậy, nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng ở vùng này cần phải áp dụng quy trình nuôi sinh học theo kiểu Copefloc cải tiến. Cụ thể, ngoài ao nuôi tôm, cần xây dựng ao lắng có nuôi cá rô phi để làm nước sạch hơn. Trường hợp những ao có diện tích nhỏ, thì giải pháp đưa ra là đặt các lồng nuôi cá Rô phi trong ao tôm để tự điều chỉnh sinh khối vi sinh có lợi cho ao, ổn định môi trường nước.

>> Nghề nuôi tôm tại Quảng Bình đang đi vào ổn định và hướng tới bền vững. Một số cơ sở nuôi bước đầu đáp ứng yêu cầu về công nghệ cao, được Bộ NN&PTNT chứng nhận. Đa số các hộ nuôi áp dụng quy trình công nghệ sinh học, VietGAP... đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-hai-sam-ket-hop-oc-huong-huong-di-moi-cho-nuoi-trong-thuy-san-ven-bien Nuôi hải sâm kết hợp… lai-cao-tu-nuoi-ca-nhieu-tang Lãi cao từ nuôi cá…