Tin thủy sản Giải pháp quản lý nuôi tôm hùm bền vững

Giải pháp quản lý nuôi tôm hùm bền vững

Tác giả Kim Sơ, ngày đăng 21/08/2017

Ngày 16/8, tại TP Tuy Hòa, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý tôm hùm bền vững của tỉnh Phú Yên”.

Hầu hết nguyên nhân khiến tôm hùm chết là do môi trường ô nhiễm

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh trước sự phát triển “nóng” số lượng lồng nuôi tôm hùm đã gây ra những thách thức về ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh khiến người nuôi thiệt hại nặng nề.  

Môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm

Theo ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên bắt đầu từ những năm 1990 tại đầm Cù Mông (TX Sông Cầu). Ban đầu chỉ khoảng 200 lồng, đến nay toàn tỉnh đã phát triển khoảng 33.590 lồng, sản lượng 650 - 680 tấn/năm.

Mặc dù nghề nuôi mang lại hiệu quả trị kinh tế cao cho người nuôi, song do phát triển “nóng” nên đối mặt những rủi ro cao về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Theo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên và Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung thì tình trạng ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng (hàm lượng DO thường xuyên thấp hơn ngưỡng cho phép), nhưng chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả.

Nguyên nhân là do người nuôi chưa ý thức bảo vệ môi trường, chất thải như xác, tôm, cá, thức ăn dư thừa... bỏ lại ngay vùng nuôi. Và, do đặc thù nuôi lồng hở, hạn chế trong kỹ thuật như mật độ nuôi dày, sử dụng thức ăn tự nhiên... nên lượng chất thải tích lũy trong đầm ngày càng dày, phân hủy gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi cũng là nguyên nhân gây hiện tượng tôm chết bất thường gần đây.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, tình hình tôm hùm nuôi bị thiệt hại có chiều hướng tăng mạnh từ năm 2014 đến nay. Đặc biệt, trong tháng 6/2017, đã có 30.412 lồng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu bị thiệt hại, gấp hơn 95 lần so với năm 2016 và hơn 14 lần so với năm 2014.  

Nhiều tồn tại

Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, mặc dù tỉnh đã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ, nhưng hầu hết các địa phương chưa thực hiện quy hoạch chi tiết các vùng nuôi nên khó khăn trong việc giao, cho thuê mặt nước.

Bên cạnh đó, công tác thống kê, theo dõi tình hình nuôi còn hạn chế; thông tin về môi trường và dịch bệnh còn chậm. Phác đồ điều trị bệnh sữa ít được áp dụng do điều kiện nuôi hở, ảnh hưởng chất lượng tôm nuôi thương phẩm. Tình trạng tôm hùm giống lưu hành chưa được nuôi cách ly, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có kết quả xét nghiệm bệnh nguy hiểm... vẫn phổ biến.

Còn ông Trần Minh Phương, tổ trưởng Tổ cộng đồng nuôi tôm hùm Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) nhìn nhận, mặt nước đầm Cù Mông ngày càng hẹp, bởi mật độ nuôi lồng ngày càng nhiều dẫn đến quá tải. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát.

Nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên phát triển đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động tại địa phương và nhiều công việc cho lao động dịch vụ hậu cần. Trong định hướng đến năm 2020, sản lượng tôm hùm Phú Yên đạt 950 tấn/năm; giá trị đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, người nuôi cũng chưa ý thức bảo vệ môi trường, nên bao bì đựng thức ăn thực phẩm cho tôm thường vứt xuống đầm gây ô nhiễm. Do đó, việc tôm nuôi chết hàng loạt là điều không tránh khỏi.  

Giải pháp

Để phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tỉnh Phú Yên đưa ra các giải pháp không phát sinh thêm hộ nuôi, lồng bè mới, nghiêm cấm việc tự ý cắm cọc tre, treo lốp xe... để nuôi hàu. Tạm thời phân vùng mặt nước nuôi lồng bè theo quy hoạch tổng thể để sắp xếp lại lồng bè nuôi hợp lý theo quyết định của Bộ NN-PTNT.

Ông Trần Hữu Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đưa ra những giải pháp cho Phú Yên cần phát triển tôm hùm an toàn, bền vững gắn với thị trường. Theo đó, đến năm 2020 thể tích nuôi tôm hùm đạt 1.000.000m3 lồng và cần phải thực hiện tốt quy hoạch, sau đó tổ chức giao cho mặt nước nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó lưu ý nên giao mặt nước cho người nuôi, cộng đồng ngay tại chỗ sẽ có khả thi hơn. Về lâu dài, tỉnh Phú Yên nên quy hoạch chi tiết vùng nuôi cho phù hợp; tăng cường quản lý chặt chẽ nghề khai thác tôm hùm; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm hùm...

Để hạn chế rủi ro dịch bệnh trên tôm, Cục Thú y chỉ đạo chi cục các địa phương giám sát chặt chẽ tại vùng nuôi, để khi phát hiện bất thường của thủy sản sẽ có giải pháp ứng phó kịp thời. Cục Thú y sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, trường, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu phác đồ điều trị cho tôm được hiệu quả hơn.

PGS.TS Nguyễn Phú Hòa, ĐH Nông lâm TP.HCM cũng đưa ra khuyến cáo cho người nuôi nếu thấy tôm biểu hiện bò lên gần nắp lồng, không chịu nằm ở đáy có nghĩa tôm đang thiếu oxy. Người nuôi cần cung cấp oxy cho tôm bằng cách dùng oxy hạt cho vào túi vải đặt vào nhiều vị trí đáy lồng nuôi, hoặc thổi khí vào lồng và dùng zeolite hấp thu khí độc cục bộ tại lồng. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, sau khi “cấp cứu” tôm cần nâng lồng từ từ và di chuyển tôm nơi khác.

Về lâu dài, người nuôi cần đầu tư thiết bị quan trắc để cảnh báo oxy, nhiệt độ, độ mặn để có giải pháp ứng phó kịp thời.


Có thể bạn quan tâm

co-nen-nuoi-tom-the-vung-nuoc-ngot Có nên nuôi tôm thẻ… tu-1-9-ca-tra-xuat-khau-di-my-se-duoc-kiem-soat-dac-biet Từ 1.9, cá tra xuất…