Mô hình kinh tế Giải Pháp Sinh Sản Nhân Tạo Giống Thủy Sản

Giải Pháp Sinh Sản Nhân Tạo Giống Thủy Sản

Ngày đăng 23/08/2013

Phú Thọ Là tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nuôi thủy sản, ngoài 3 con sông lớn chảy qua là sông Thao, sông Đà, sông Lô trên địa bàn còn nhiều sông nhỏ, ngòi lớn như: Sông Bứa, sông Chảy, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me... và hệ thống hồ, đầm tự nhiên phong phú. Theo thống kê tổng diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, ruộng trũng... có thể nuôi thủy sản trên 14 ngàn ha và 16 ngàn ha diện tích mặt nước các sông, suối cho phép phát triển nuôi cá lồng.

Sản xuất thủy sản là chương trình nông nghiệp trọng điểm; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác khuyến ngư được quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất; hệ thống dịch vụ cung ứng giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh có bước phát triển khá; hiệu quả kinh tế từ sản xuất thủy sản ngày càng giữ vai trò quan trọng trong kinh tế hộ góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán nuôi thủy sản của người dân, nhiều hộ nuôi mạnh dạn đầu tư nuôi thủy sản thâm canh bằng thức ăn công nghiệp, mở rộng diện tích nuôi các đối tượng thủy sản giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2012 diện tích nuôi thủy sản đạt 9.745 ha (tăng 2.795 ha so với năm 2003); năng suất nuôi thủy sản bình quân đạt 2,15 tấn/ha/năm, tăng 0,8 tấn, tổng sản lượng đạt 21.000 tấn ,tăng 11.537 tấn so với năm 2003.

Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp tích cực của công tác nghiên cứu sinh sản nhân tạo và sự phát triển của các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở sản xuất giống với năng lực sản xuất đạt trên 1 tỷ cá bột/năm, 14 khu ương nuôi giống tập trung với tổng diện tích trên 130 ha, năng lực sản xuất và ương nuôi giống truyền thống như: Trắm, trôi, mè, chép,… đã đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi thủy sản trên địa bàn (khoảng trên 100 triệu giống/năm); cơ cấu giống mới như rô phi đơn tính, rô đồng đầu vuông, chép lai V1 từng bước được mở rộng diện tích ương nuôi, đến năm 2013 có thể đáp ứng được 30% nhu cầu của người nuôi trên địa bàn.

Công tác nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo giống thủy sản đã góp phần chủ động được con giống phục vụ sản xuất, đa dạng chủng loại giống phù hợp với từng loại hình ao nuôi, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản trên địa bàn như: Cá Chép lai V1, Rô phi đơn tính, rô đồng đầu vuông... góp phần chuyển dịch cơ cấu giống thủy sản đưa vào nuôi. Đến năm 2013 cơ cấu giống thủy sản giống mới, giống có chất lượng cao như cá Rô phi đơn tính, cá chép lai V1 được đưa vào nuôi chiếm khoảng 30% (năm 2003 chiếm khoảng 10%); có nhiều điển hình nuôi thâm canh rô phi đơn tính cho năng suất đạt trên 10 tấn/ha/chu kỳ nuôi (1 năm có thể nuôi 2 chu kỳ).

Qua đó đã góp phần chủ động, chất lượng, kịp mùa vụ sản xuất, rút ngắn được thời gian nuôi, tăng vụ nuôi, tăng hệ số quay vòng mặt nước, từng bước nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích; góp phần thay đổi tập quán nuôi từ việc chỉ thả giống truyền thống, mật độ thưa, năng suất thấp sang đầu tư nuôi thâm canh bằng thức ăn công nghiệp, giống cá mới, mật độ nuôi dày, năng suất cao.

Công tác quản lý, nâng cao chất lượng giống được tăng cường, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, ương nuôi giống được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất giống; chất lượng giống đưa vào nuôi từng bước được nâng lên theo hướng: Tăng trọng lượng cá thể, tốc độ tăng trưởng nhanh, sức chống chịu dịch bệnh tốt, rút ngắn chu kỳ nuôi, nhất là các đối tượng thủy sản giống mới.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế như: Công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống của các cơ sở còn hạn chế; chưa cho sinh sản nhân tạo được nhiều đối tượng giống thủy sản đặc sản, giống chất lượng cao phục vụ sản xuất; chưa đáp ứng đủ nhu cầu giống mới của người nuôi thủy sản trên địa bàn; công tác quản lý chất lượng giống thủy sản chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu và cho sinh sản nhân tạo giống thuỷ sản còn yếu và thiếu; sản xuất giống thủy sản có tính chất đặc thù và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, nhất là các đối tượng thủy sản giống mới (rô phi đơn tính, rô đồng đầu vuông…); nguồn vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế.

Để hoạt động nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo giống thủy sản của tỉnh trong thời gian tới đáp ứng được nhu cầu phát triển trên địa bàn tỉnh, ngành thủy sản cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như: Tăng cường quản lý chặt chẽ đàn cá bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống, có kế hoạch thay thế đàn cá bố mẹ đảm bảo chất lượng cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng giống; tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng giống thủy sản di nhập vào địa bàn tỉnh;

đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất các loại giống thủy sản phù hợp với điều kiện nuôi của tỉnh từ các kết quả nghiên cứu của các cơ quan chuyên ngành; nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo các đối tượng thủy sản đặc sản, đặc hữu của tỉnh như: cá chiên, cá nheo, cá chạch... để từng bước chủ động về giống phục vụ người nuôi trên địa bàn; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ tay nghề cho các cơ sở sản xuất, ương nuôi; tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn đã được tỉnh ban hành;

bố trí nguồn kinh phí nhất định, thường xuyên để thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác sản xuất giống; tăng cường lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành, có các chế độ đãi ngộ, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực thủy sản của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

ca-chet-hang-loat-khien-nong-dan-dieu-dung Cá Chết Hàng Loạt Khiến… nhieu-nong-dan-yen-phong-nuoi-trong-thuy-san-ngoai-de-trang-tay-sau-bao Nhiều Nông Dân Yên Phong…