Mô hình kinh tế Giảm Giá Thành, Chăn Nuôi Mới Đứng Vững

Giảm Giá Thành, Chăn Nuôi Mới Đứng Vững

Ngày đăng 26/07/2013

Hiện nay, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng đang đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều hộ bỏ trống chuồng hoặc giảm đàn vì thua lỗ.

Giảm đàn vì thua lỗ

Trước đây, trên diện tích gần một hecta, gia đình ông Thân Văn Thành, thôn Đụn 2, xã An Dương (Tân Yên) nuôi khoảng 500 con lợn bột mỗi lứa và 100 con lợn nái ngoại, trừ chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, khu chuồng trại trống huơ, trống hoác.

Ông Thành cho biết: “Giá lợn giống xuống thấp, có thời điểm ở mức 30 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành 36-40 nghìn đồng/kg, tính ra bình quân lỗ khoảng 600 nghìn đồng/con. Tôi đã định cố gắng theo đuổi, chấp nhận lứa nọ bù lứa kia nhưng giá lợn thấp trong thời gian quá dài, số tiền thua lỗ lên tới vài trăm triệu đồng. Bởi vậy, tôi phải bán hết cả đàn, mặc dù rất tiếc công sức gây dựng nhưng cũng chẳng còn cách nào khác”.

Không chỉ gia đình ông Thành, hiện nay, nhiều hộ “treo chuồng” hoặc giảm đàn, chỉ nuôi vài con cầm cự. Thực tế đó khiến cho những đơn vị cung ứng lợn giống cũng điêu đứng. Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang được biết, với đàn lợn ông, bà giống ngoại hơn 200 con, mỗi năm Công ty cung cấp cho thị trường hơn 1.000 lợn hậu bị và lợn giống. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, đơn vị mới bán được hơn 340 con, còn 700 lợn giống chưa tiêu thụ được.

Ông Thân Văn Long, Giám đốc Công ty cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã hạ giá chỉ bằng 30-40% so với trước nhưng vẫn không bán được”. Cùng với chăn nuôi lợn, những người nuôi gà cũng gặp khó bởi giá bán sản phẩm xuống thấp. Trong thời gian dài, giá gà dao động ở mức 35-45 nghìn đồng/kg khiến cho hộ chăn nuôi lỗ khoảng 15-20 triệu đồng/1 nghìn gà.

Theo cơ quan chuyên môn, sở dĩ có tình trạng này là do mấy năm gần đây chăn nuôi tăng trưởng nhanh về số lượng trong khi sức mua thấp, cung vượt cầu nên giá bán giảm. Trong bối cảnh đó, giá thức ăn (chiếm 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi) nhiều năm nay chỉ tăng, không giảm, riêng 6 tháng đầu năm nay tăng 2 lần, với mức tăng từ 7-10 nghìn đồng/bao cám 25 kg. Ngoài ra, giá thuốc thú y, tiền điện, giá nhân công cũng tăng. Đây là những yếu tố đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi lên cao.

Làm gì để giảm giá thành?

Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện khoảng 1,1 triệu con, đàn gà hơn 13 triệu con. Đầu ra của sản phẩm chủ yếu là thị trường tự do, giá do thương nhân quyết định. Bên cạnh đó, khi vay vốn, nông dân còn gặp khó khăn về tài sản thế chấp.

Trước thực tế này, nhiều nông dân bày tỏ, ngành ngân hàng nên điều chỉnh cơ chế cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận vốn ưu đãi, đầu tư tái sản xuất. Ông Nguyễn Xuân Hiếu, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm (Yên Thế) bày tỏ: “Nếu người chăn nuôi có tiền trả ngay cho các đại lý cám thì giá mua sẽ rẻ hơn 20-30 nghìn đồng/bao so với trả chậm. Khi nuôi 1.000 con gà, mỗi lứa sử dụng 270-300 bao, tính ra số tiền chênh lệch hơn 8 triệu đồng”.

Bắc Giang có nhiều điều kiện về phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, nông dân trong tỉnh lại chưa khai thác được lợi thế sản xuất thức ăn chăn nuôi, phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp nhập khẩu. Theo thống kê, diện tích ngô đông hai năm gần đây khoảng 8,6 nghìn ha, giảm 5.000 ha so với những năm trước, diện tích đậu tương mỗi năm 1.000 ha, giảm hơn 4 lần so với năm 2005.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, khi giá bán không bù được chi phí như hiện nay thì việc duy trì tăng trưởng ngành chăn nuôi không dễ. Mặt khác, tình trạng bỏ trống chuồng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm vào thời điểm nhất định, tăng nguy cơ nhập lậu sản phẩm, gây ra nhiều hệ luỵ.

Căn cứ nhu cầu thực tế, ngành đang tập trung rà soát, trên cơ sở đó tính toán quy mô chăn nuôi cụ thể để thông tin đến người dân. Trước mắt nông dân cần chú trọng khâu phòng bệnh, hạn chế thiệt hại. Đồng thời tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành bằng cách tự phối trộn thức ăn chăn nuôi, tận dụng phế phụ phẩm sẵn có tại gia đình.

Thực tế một số hộ nuôi gà Yên Thế bằng cách làm này đã giảm được 15% chi phí so với biện pháp thông thường; các hộ cần liên kết với nhau để mua thức ăn chăn nuôi tận gốc, tránh qua nhiều khâu trung gian.

Trước hiện trạng trên, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ làm tốt khâu kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y để tránh rủi ro cho nông dân. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần có định hướng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung tại chỗ, phấn đấu giảm mạnh chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh.

Tháng 4-2013, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đến năm 2020. Cùng với việc hình thành các cơ sở giết mổ, chế biến, Sở Công thương đang thực hiện đề án sản xuất và cung ứng gà an toàn cho TP Hà Nội và các thị trường khác, mở ra cơ hội cho những người nuôi gà trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đang xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó chú trọng định hướng các loại vật nuôi chủ lực và xây dựng các giải pháp đồng bộ, tránh tình trạng cung vượt cầu, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

trien-lam-bo-sua-thanh-pho-ho-chi-minh-lan-iv-nam-2013 Triển Lãm Bò Sữa Thành… su-dung-ngo-lam-thuc-an-chan-nuoi-o-dong-bang-song-cuu-long Sử Dụng Ngô Làm Thức…