Mô hình kinh tế Giám sát sự lưu hành virus gây bệnh trên tôm là điều cần thiết

Giám sát sự lưu hành virus gây bệnh trên tôm là điều cần thiết

Ngày đăng 08/07/2015

Theo báo cáo của Chi cục Thú Y tỉnh Sóc Trăng, trong các diện tích bị thiệt hại, số lượng tôm chết được xác định do nhiễm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp chiếm nhiều nhất. Đây là những bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng trong mùa mưa, bệnh đốm trắng có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Bệnh có khả năng lây nhiễm từ tôm bệnh sang tôm khỏe, có thể phát sinh thành dịch trên diện rộng. Ao nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính tỉ lệ chết có thể từ 80 – 90% trong vòng 3 - 4 ngày.

Hiện nay đa số tôm chết ở giai đoạn từ 20 – 45 ngày sau khi thả giống, đây cũng là lúc tôm dễ cảm nhiễm Whispovirus (tác nhân gây bệnh đốm trắng) và chủng vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus (tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính) trên tôm, ông Diệp Thành Nhơn – hộ nuôi tôm ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề cho biết: “Qua báo, đài và cán bộ kỹ thuật khuyến cáo, tôi thấy mùa vụ năm nay tình hình dịch bệnh trên tôm rất phức tạp. Nên trong quá trình xử lý ao nuôi tôi đã tuân thủ đúng kỹ thuật hướng dẫn; Ngoài ra tôi có nhờ cán bộ kỹ tuật xuống lấy mẫu đất, mẫu nước kiểm tra trước khi thả giống và tôi còn áp dụng nuôi cá rô phi. Hy vọng năm nay sẽ có một mùa vụ thắng lợi.”

Kỹ sư Trần Ngọc Tuấn – Cán bộ kỹ thuật Chi cục Thú Y tỉnh cho biết thêm: “Công tác thu mẫu được chúng tôi thực hiện hằng tuần, thu mẫu đất, mẫu nước, mẫu tôm tại các địa phương, sau đó chuyển về trung tâm tại Cần Thơ xét nghiệm và thông báo kết quả lại cho bà con. Việc kiểm nghiệm thường xuyên này rất quan trọng, nhằm giúp bà con nắm rõ tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi để tính toán thời gian và các biện pháp xử lý hiệu quả.”

Hiện nay, một số xã có diện tích tôm nuôi thiệt hại khá lớn và dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh là: xã Lạc Hòa -thị xã Vĩnh Châu, xã Thạnh Phú -huyện Mỹ Xuyên, do đó bà con nuôi tôm ở các khu vực này nên đặc biệt chú ý. Ngành chức năng khuyến cáo hộ nuôi cần phòng bệnh là chính, vì diễn biến bệnh trên tôm rất nhanh và phức tạp, các biện pháp xử lý sau khi phát hiện ao nuôi bị nhiễm bệnh đều không đạt hiệu quả cao. Đối với các khu vực chưa thả giống bà con cần tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, mùa vụ thả nuôi của cơ quan có thẩm quyền; xử lý môi trường ao nuôi kỹ, có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt, có ao lắng, ao xử lý nước; giống thả nuôi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và được xét nghiệm bệnh.

Đối với các khu vực đã thả giống nhưng chưa phát hiện tôm bị nhiễm bệnh, kỹ sư Trần Ngọc Tuấn - Cán bộ kỹ thuật Chi cục Thú Y tỉnh khuyến cáo: “Bà con phải giữ độ pH trong ao nuôi từ 7,5 đến 8,5, nếu có mưa kéo dài thì phải tiến hành rãi vôi trên bờ ao để trung hòa axit và hạn chế phèn, nước đục trôi xuống ao nuôi. Ngoài ra bà con phải quản lý độ kiềm trong ao nuôi từ 60 đến 180 mlg/lit, duy trì mực nước ao nuôi từ 1,2 mét đến 1,3 mét trở lên và tăng cường kiểm tra tảo trong ao, vì khi mưa kéo dài mật độ tảo sẽ tăng cao.”

Xử lý vôi quanh bờ ao hạn chế phèn trong ao nuôi.

Riêng đối với các khu vực đã phát hiện tôm bị bệnh hoặc nghi bệnh, người nuôi cần nhanh chóng báo ngay cho người phụ trách thú y hoặc cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và cho các hộ xung quanh; Tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý Thú Y thủy sản hoặc quản lý nuôi trồng thủy sản. Nếu tôm bệnh đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, nếu nhỏ thì sử dụng hóa chất để xử lý; Xử lý nước ao bị bệnh bằng hóa chất được cấp phép lưu hành tại Việt Nam trước khi xả thải ra môi trường; Khử trùng dụng cụ, thu gom và xử lý rác thải; Cải tạo lại ao, để trống ít nhất 1 tháng trước khi thả nuôi đợt mới.


Có thể bạn quan tâm

trung-tam-giong-thuy-san-tinh-tap-trung-bao-ve-cac-loai-giong-thuy-san Trung tâm Giống thủy sản… anh-bui-van-hoa-voi-mo-hinh-nuoi-ca-loc-dau-nhim Anh Bùi Văn Hoa với…