Giảm stress cho tôm bằng chế phẩm sinh học
Sau một năm nghiên cứu, Công ty TNHH Công nghệ Liên Hiệp Phát (TPHCM) đã nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm sinh học có chứa các thành phần vi khuẩn Bacillus sp dùng trong nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp.
Thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng các CPSH
Trong nuôi tôm hiện nay, do phải đương đầu với những điều kiện sống khắc nghiệt như độ mặn thay đổi đột ngột, hàm lượng ô xy giảm thấp, khí độc H2S, NH3 hay nhiệt độ nước tăng giảm bất thường,… thường làm cho tôm dễ bị stress. Điều này khiến tôm hoạt động, ăn kém, lớn chậm, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh.
Stress xảy ra phổ biến ở tất cả các ao tôm, đặc biệt những ao nuôi thâm canh. Stress gây hại thầm lặng nhưng nguy hiểm vì nó là giai đoạn chuyển tiếp từ tôm khỏe sang tôm bệnh. Nhằm hạn chế tính trạng này, người nuôi tôm thường dùng các chế phẩm sinh học (CPSH) để xử lý nước và trộn vào thức ăn cho tôm ăn.
Ông Đỗ Văn Hoàng, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại CPSH dùng trong nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp, phần lớn làm từ nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Trong quá trình vận chuyển, sản xuất, các bào tử thường bị chết nên sản phẩm khó đạt chỉ tiêu chất lượng.
Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu của Công ty đã nghiên cứu, tạo ra các dòng sản phẩm có chứa các thành phần vi khuẩn Bacillus sp phù hợp để ổn định hệ vi sinh có lợi trong đường ruột tôm giống và tôm nuôi thương phẩm.
Các sản phẩm được Công ty nghiên cứu, sản xuất gồm các men vi sinh chuyên dùng trong: giai đoạn ương tôm; xử lý và cải tạo đáy ao nuôi; xử lý khí độc và ô nhiễm ao nuôi; nuôi tôm thương phẩm.
Các sản phẩm này giúp gia tăng và ổn định hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột tôm; gia tăng tỷ lệ sống của tôm trong quá trình ương; giảm khí độc, phân hủy thức ăn dư thừa để giảm ô nhiễm và stress cho tôm giống. Đồng thời, ngăn ngừa các loại vi khuẩn gây bệnh phân trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm.
Các loại men vi sinh xử lý khí độc và ô nhiễm ao nuôi giúp duy trì sự an toàn và ngăn chặn hình thành khí độc trong ao nuôi, giảm hàm lượng khí độc NH3, NO2, H2S; đồng thời kiểm soát hiệu quả các vi sinh vật gây bệnh nhóm Vibrio sp.
Kiểm tra tôm giống
Ông Hoàng cho biết, sau khi sử dụng thử nghiệm các sản phẩm kể trên, môi trường đã ổn định, khí độc và stress giảm, hệ số thức ăn (đối với tôm thương phẩm) cũng giảm, tỷ lệ sống (đối với tôm giống) tăng.
Cụ thể, ở các các cơ sở sản xuất giống tôm sú cho tỷ lệ sống trung bình là 25,32 - 34,25%, trong khi sử dụng các chế phẩm hiện hành khác trên thị trường cho tỷ lệ tương ứng là 24,67%. Đối với tôm thẻ chân trắng, đạt năng suất trung bình 11.942kg/ha/vụ. Ngoài ra, sản phẩm còn giúp giảm bệnh phân trắng cũng như gan tụy trên các mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.
“Việc nghiên cứu thành công và làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm trong nước nói trên góp phần cung cấp sản phẩm với chất lượng ổn định, giá thành phù hợp với các hoạt động sản xuất tôm giống và nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” - ông Hoàng chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ