Trồng lúa Gieo Mạ Mùa Bằng Thóc Giống Liền Vụ

Gieo Mạ Mùa Bằng Thóc Giống Liền Vụ

Ngày đăng 19/07/2013

Thông báo mới đây của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: do ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại đầu năm mà vụ lúa xuân năm nay sẽ kéo dài thêm 20-25 ngày gây tình trạng thiếu giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, trở ngại không nhỏ đến lịch thời vụ gieo trồng vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông tại các tỉnh miền Bắc.

Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, khắc phục tình trạng thiếu giống và tranh thủ thời gian bà con có thể phải sử dụng thêm cả hạt giống lúa xuân vừa gặt đã được kiểm định để gieo mạ mùa là cần thiết nhưng phải được xử lý miên trạng (phá ngủ) trước khi gieo làm cho hạt nẩy mầm đều và đạt tỷ lệ cao, tiết kiệm được lượng giống đáng kể. Chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm dưới đây của bà con huyện Kim Thành (Hải Dương) để các nơi tham khảo, vận dụng:

- Chuẩn bị hạt giống: Chọn các giống chất lượng cao, ngắn ngày đã được kiểm định như: Q5, Khang Dân 18, Hương thơm số 1, nếp N87, QR1, Lang Liêu, Nàng Xuân, TBR1, BC15... gặt trước 20/6. Sau khi lúa gặt về phải tuốt ngay, sàng sẩy, loại bỏ rơm, rạ, hạt lép. Nếu trời nắng phơi ngay, nếu gặp mưa phải rải thành lớp mỏng, tránh dồn thóc thành đống cao dễ làm hạt mất sức nẩy mầm.

- Xử lý miên trạng: Tùy loại giống, độ dày mỏng của vỏ trấu và thời gian ngủ nghỉ dài hay ngắn nhưng nhìn chung, các giống liền vụ đều phải xử lý miên trạng thì hạt giống mới nẩy mầm tốt được. Có thể xử lý bằng một trong những cách sau:

+ Xử lý bằng axit nitic: Hạt giống vừa mới thu hoạch về hoặc phơi khô chưa quá 10 ngày đem ngâm dưới ao, sông hoặc hồ từ 35 đến 40 giờ. Sau đó vớt lên để khoảng một giờ cho ráo nước. Nếu không ngâm được dưới ao, sông, hồ mà phải ngâm hạt giống trong các chậu, thùng, chum, vại... thì phải thay nước thường xuyên (3- 4 giờ/lần). Nếu có điều kiện sấy khô ở nhiệt độ 45- 50oC, có thể ngâm hạt giống trong dung dịch axít nitric (HNO3) pha nồng độ 0,2% (hai phần nghìn) trong thời gian 24 giờ, sau đó rửa sạch bằng nước lã vài lần trước khi đem ủ.

+ Dùng Luphain 91A để xử lý hạt giống là tốt nhất. Nếu không dùng Luphain 91A thì dùng Luphain 91. Một gói Luphain 91A hoặc Luphain 91 pha với 8 lít nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) ngâm được 10 kg thóc giống. Làm theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì thuốc.

+ Dùng phân supe lân với nồng độ 5%: Hòa 400g phân supe lân với 8 lít nước ngâm cho 10 kg thóc giống trong 24 giờ.

Riêng Luphain 91A thì ngâm tới 48 giờ, sau đó đãi sạch, để thóc ráo nước rồi ngâm tiếp bằng nước sạch. Cách 10 giờ thay nước sạch một lần để khỏi bị chua, làm như vậy cho tới khi hạt thóc giống no nước. Khi thấy hạt thóc trong, nhìn rõ phôi, hạt phình lên thì đem ủ. Thời gian từ khi bắt đầu ngâm cho đến khi hạt thóc no nước với giống Q5 mới thu hoặc thóc tươi có thể lên tới 72 giờ.

Trong thời gian ủ cứ 10 đến 20 giờ đảo lại 1 lần và tưới nước đủ ẩm để đảm bảo nhiệt độ đủ ấm, không khí đủ thoáng thì hạt sẽ nẩy mầm đều và nhanh. Thường phải đảo hạt từ 2 đến 3 lần trong thời gian ủ, khi thấy mầm nhú đều như gai dứa thì đem gieo mạ nền. Trường hợp thóc nẩy mầm dưới 80%, dùng sàng để lọc những hạt chưa nẩy mầm để ủ tiếp rồi đem gieo sau.


Có thể bạn quan tâm

luu-y-gieo-sa-lua-mua Lưu Ý Gieo Sạ Lúa… ky-thuat-tuoi-lua-uot-kho-xen-ke-cua-irri Kỹ Thuật Tưới Lúa “Ướt…