Trồng lúa Giới thiệu giống lúa vụ thu đông 2017 và đông xuân 2017 - 2018

Giới thiệu giống lúa vụ thu đông 2017 và đông xuân 2017 - 2018

Tác giả Ngọc Khuê, ngày đăng 14/06/2019

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất lúa, thì việc sử dụng giống lúa chất lượng, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái là biện pháp hiệu quả, giúp nông dân hạn chế thiệt hại, góp phần ổn định thu nhập.

Giống lúa triển vọng cho vụ thu đông 2017 và đông xuân 2017 - 2018 ở Sóc Trăng.

Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng có 5 giống lúa triển vọng giới thiệu để nông dân lựa chọn canh tác trong vụ thu đông 2017 và đông xuân 2017 - 2018. Đây là những giống lúa đã qua quá trình chọn lọc, so sánh, trồng thí nghiệm tại một số vùng trồng lúa trọng điểm trong tỉnh, để nông dân đưa vào sản xuất, đó là các giống lúa sau:

Giống lúa OM 9577 có các đặc tính

Giống lúa OM 9577: có thời gian sinh trưởng 90 – 95 ngày. Chiều cao cây 95 – 100 cm. Nhảy chồi rất mạnh, cứng rạ, trổ nhanh, bông dài, nhiều bông con, hạt đóng khít, nhiều nhánh gié. Tỉ lệ chắc cao, chống chịu rầy nâu và vàng lùn trung bình, kháng bệnh cháy là khá, chịu mặn khá. Gạo dài, trong, trọng lượng 1000 hạt khoảng 26 – 28 gr, thích hợp các vụ trong năm. Tiềm năng năng suất 7 – 9 tấn/ha.

Các đặc tính của giống lúa OM 380

Giống lúa OM 380: Thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày. Chiều cao cây 85 – 90 cm. Nở bụi khá mạnh, dạng hình đẹp, trổ tập trung, tỉ lệ chắc cao, vào chắc tốt. Trọng lượng 1000 hạt khoảng 23 – 25 gr. Gạo trắng đẹp. Khả năng chống chịu rầy nâu và bệnh đạo ôn trung bình, thích hợp các vụ trong năm. Tiềm năng năng suất 7 – 9 tấn/ha.

Tính vượt trội của giống lúa LP 5

Giống lúa LP5: Thời gian sinh trưởng 88 – 93 ngày. Chiều cao cây 90 – 95 cm. Nở bụi khá tốt, dạng hình đẹp, lá gọn trổ tập trung, tỉ lệ chắc cao. Trọng lượng 1000 hạt khoảng 24 – 25gr. Chống chịu tốt bệnh đạo ôn ít nhiễm rầy nâu, chưa phát hiện nhiễm những sâu bệnh chính trong vùng. Thích nghi vùng nhiễm mặn, thích hợp vụ đông xuân và xuân hè. Chú ý kỹ thuật canh tác để tăng độ cứng cây. Gạo dài, trong và ít bạc bụng. Tiềm năng năng suất 6 - 8 tấn/ha.

Giống lúa LP8 có khá năng kháng rầy cao

Giống lúa LP8: Thời gian sinh trưởng 97 - 102 ngày. Chiều cao cây 95 - 100 cm. Nở bụi mạnh, dạng hình đẹp, cứng cây. Chống chịu trung bình với rầy nâu, cháy lá và đạo ôn cổ bông. Trọng lượng 1000 hạt khoảng 26 - 28 gr, gạo dài, trắng trong và ít bạc bụng, thơm, dẻo và rất ngon. Thích hợp trồng các vụ trong năm, vùng ngọt, vùng ảnh hưởng mặn nhẹ (khoảng 2 ‰). Tiềm năng năng suất 7 - 9 tấn/ha.

Giống lúa LP16 kháng bệnh cháy lá khá cao

Giống lúa LP16: Thời gian sinh trưởng 110 - 120 ngày. Chiều cao cây 115 - 120 cm. Đẻ nhánh mạnh, dạng hình hơi xòe, lá mo thẳng. Chống chịu rầy nâu trung bình và kháng bệnh cháy lá khá. Gạo dài, trắng trong, thơm nhẹ, cơm mềm và rất ngon, tỉ lệ bạc bụng thấp. Chịu mặn khá. Cần chú ý bón phân cân đối để hạn chế đổ ngã. Thích hợp trồng các vụ trong năm. Tiềm năng năng suất 6 - 8 tấn/ha.

Kỹ sư Từ Văn Dửng, Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng, khuyến cáo: “Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và có thể bị ảnh hưởng mặn, nên chúng tôi giới thiệu cho bà con một số giống lúa thích hợp cho vụ đông xuân như các giống lúa chất lượng cao OM 5451, OM 6976, OM 7347 và các giống lúa triển vọng bổ sung như OM 9577, OM 380, LP 5, LP 8, LP 12, LP 39; các giống lúa có tính chống chịu phèm, mặn như OM 5451, OM 9577, OM 4900, ST5, ST20”.

Tính đến cuối tháng 8, Sóc Trăng đã xuống giống vụ lúa thu đông và vụ mùa 2017 được hơn 8.500 ha. Tại các khu vực này làm lúa 3 vụ, thời gian cách ly giữa vụ hè thu và thu đông rất ngắn. Sau khi hoạch lúa, nông dân hối hả cày vùi rơm rạ tươi vào đất rồi cho nước vào trục để xuống giống ngay cho kịp thời vụ. Rơm rạ tươi phân hủy trong điều kiện ngập nước, yếm khí sản sinh ra acid hữu cơ gây ngộ độc cho rễ lúa. Rễ lúa ngộ độc hữu cơ bị chết đen làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa. Để phòng trị lúa bị ngộ độc hữu cơ đầu vụ, nông dân có thể áp dụng các biện pháp, đó là: ngăn chặn, né tránh, hóa giải hoặc cường lực.

Né tránh: là cách làm khôn ngoan, ít tốn kém nhất mà lúa được an toàn. Biện pháp né tránh ngộ độc hữu cho lúa được thực hiện bằng cách trục nhận gốc rạ sau khi thu hoạch lúa hè thu. Để rơm phân hủy ít nhất 3 tuần đến 4 tuần mới bắt đầu xuống giống. Việc này còn có tác dụng hoàn trả lại dưỡng chất cho đất. Tuy nhiên để áp dụng được biện pháp này, đất phải có thời gian trống trên 1 tháng. Tốt nhất là hạn chế làm lúa vụ thu đông mới có thời gian cho đất nghỉ, giảm sâu bệnh, đất được ngập nước lấy lại phù sa, rửa độc chất.

Biện pháp ngăn ngừa tốn kém nhiều hơn, nhưng lại rất an toàn cho lúa. Thực hiện bằng cách thu dọn toàn bộ rơm, gốc rạ, rong, cỏ trong ruộng về một góc trong ruộng trước khi làm đất, ủ các xác bả thực vật này với nấm Trichoderma làm phân hữu cơ để bón lại cho đất. Trong trường hợp không áp dụng được 2 biện pháp này, nông dân có thể dùng cách “hóa giải” độc chất trong đất. Thạc sĩ Nguyễn Thị Bắp, Trưởng Trại giống Long Phú, cho biết: “Nếu nông dân không có thời gian cày rơm rạ sớm, không có điều kiện, không có nhân công để xử lý rơm và cỏ mục để ủ phân bón lại cho ruộng, thì nên rửa chất độc hữu cơ trong đất bằng nước, như chang bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước cho kỹ, khi sạ lúa xuống khoảng 10 ngày mới đưa nước vào để bón phân, đến khoảng 5 ngày sau thì rút nước ra, lấy nước mới vào. Làm như thế sẽ hạn chế được ngộ độc hữu cơ lúa ở giai đoạn mạ rất hiệu quả. Khi lúa khoảng 1 tháng tuổi thì rửa độc cho ruộng một lần nữa để chuẩn bị cho đợt phân đón đồng, để lúa từ lúc đón đồng đến sau trổ không bị ngộ độc hữu cơ nữa và cho năng suất cao”.

Biện pháp đánh rãnh thoát nước xử lý ngộ độc hữu cơ trong đất

Biện pháp cường lực là giúp lúa chống chịu tốt trong điều kiện bị ngộ độc hữu cơ. Cường lực được thực hiện bằng cách bón vôi để cung cấp chất canxi cho cây, rễ lúa có đủ canxi sẽ ít bị ngộ độc. Nên bón vôi lúc làm đất với liều lượng khoảng 300 kg/ha. Bên cạnh đó, Silic cũng giúp cây lúa nở rộng đường vận chuyển oxy từ lá xuống rễ, giúp rễ nhận được nhiều oxy hơn để oxy hóa các độc chất hữu cơ trong đất, có thể bón 100 kg/ha Super Silic lúc làm đất. Phân lân cũng có thể tiếp sức cho rễ phát triển mạnh, chịu đựng tốt. Ngoài ra, xử lý hạt giống với những chất kích hoạt rễ lúc ủ giống cũng giúp rễ lúa chống chịu tốt hơn trong môi trường đất có độc chất hữu cơ.

Hạt giống hạt khỏe sẽ hạn chế được tình trạng chết mầm, mạ lên đều, ít tốn công dặm vá. Vài ngày sau sạ, lúa còn chịu tác động bất lợi từ ốc bưu vàng và cỏ dại đầu vụ, cần chú ý diệt cỏ dại và ốc bưu vàng sớm, ngăn ngừa rầy nâu, bù lạch và bệnh lúa von… để tiếp sức cho cây lúa trong giai đoạn non yếu./.


Có thể bạn quan tâm

trien-vong-tu-giong-lua-thuan-dq11 Triển vọng từ giống lúa… khuyen-cao-lich-thoi-vu-va-cac-bien-phap-canh-tac-vu-lua-he-thu-nam-2019 Khuyến cáo lịch thời vụ…