Tôm thẻ chân trắng Giống cá lăng chấm

Giống cá lăng chấm

Ngày đăng 17/07/2015

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cùng với những thất bại cả về công sức và lẫn kinh phí, cuối cùng niềm vui đã đến với CBCNV của Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang khi SX thành công giống cá lăng chấm. Trong 2 năm 2013 - 2014 trung tâm SX 2.400 con cá lăng chấm giống xuất ra thị trường.

Tuyên Quang có dòng sông Gâm, sông Lô rộng lớn, tích tụ nguồn nước ngọt khổng lồ và khoáng chất giàu dinh dưỡng từ vùng núi đá vôi phía Bắc, cùng với những dãy núi, thác nước cao như Thác Mơ; Đầu Đẳng... được xem là cái nôi sinh sản tự nhiên của loài cá lăng chấm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, dân cư ven sông ngày thêm đông đúc, cùng với việc khai thác cá lăng phục vụ nhu cầu xã hội ngày càng cao, làm cho loài cá lăng chấm có nguy cơ tuyệt chủng. Hơn nữa, tác động của con người trong xây dựng đập thủy điện ngăn dòng chảy, đã hạn chế sự phát triển của loài cá này trong tự nhiên.

Chính từ việc giống lăng chấm ngày càng khan hiếm, giá cá thịt ngoài thị trường luôn ở mức cao, khoảng 600.000 đ/kg càng khiến ngư dân thuyền chài ven sông Lô, sông Gâm tích cực thả câu, săn bắt loại cá quý hiếm này ngay từ khi chúng mới bằng ngón tay để đem về bán cho các hộ nuôi cá lồng.

Theo thời giá hiện tại, cá lăng nhỏ câu được ngoài sông, có thân dài từ 10 - 15 cm, giá khoảng 50.000 đ/con, loại dài hơn 25 cm, khoảng 100.000 đ/con, nhưng vẫn không có để bán.

Ngay cả việc câu được những con cá lăng chấm nặng khoảng 2 kg, họ vẫn bán cho các hộ nuôi cá lồng đem về tiếp tục nuôi nhốt để "vỗ béo", chí ít cũng phải chờ đến lúc cá đạt được trên 3 kg/con mới xuất bán. Những hộ dài vốn còn nuôi đạt trên 5 kg/con mới bán, vì cá càng to thực khách càng ưa thích và luôn được giá cao.

Thức ăn của cá lăng chấm là những loại cá tạp đánh bắt trên sông. Do đó, rất phù hợp với lối chăn nuôi ở các làng vạn chài dọc theo bờ sông Lô, sông Gâm và hộ nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện Chiêm Hóa, Na Hang, nơi có nguồn cá, tôm luôn sẵn trong tự nhiên.

Cá lăng chấm tại Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang

Qua nghiên cứu nhu cầu nuôi loại cá quý này trong nhân dân ngày càng cao, nhất là các hộ chăn nuôi cá lồng đã thôi thúc CBCNV ở Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang quyết tâm nghiên cứu đặc tính cá lăng chấm bố mẹ, tiến hành các quy trình nuôi nhốt trong ao để chúng thích nghi với môi trường ao nuôi, từng bước thuần hóa cá bố mẹ, sau đó tiến hành tạo điều kiện cho cá đẻ trứng, rồi thụ tinh và ấp trứng nhân tạo.

Với cách làm và đúc rút kinh nghiệm sau mấy năm bị thất bại liên tiếp, cuối cùng những con giống lăng chấm đầu tiên được sinh sản vào tháng 5/2013. Riêng lứa cá năm 2014, chỉ sau hai tháng nuôi nhốt, có chiều dài trung bình khoảng 6 cm/con, phát triển bình thường, tỷ lệ chết rất thấp.

Chia sẻ về những nhọc nhằn của việc ương giống, thụ tinh cá lăng chấm, anh Lê Văn Quý, Giám đốc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang nhấn mạnh: "Để thành công trong việc thụ tinh nhân tạo loài cá lăng chấm là công việc vô cùng khó khăn, tốn kém vì loại cá giống này rất đắt đỏ, ngay từ con giống bố mẹ đã tốn khoảng trên 2 triệu đ/con, trong khi nuôi cá lại rất khó, rủi ro cao.

Hơn nữa, chúng thường sinh sống nơi có thác nước chảy, nên khi cho vào ao nuôi, các dịch vụ nhằm thuần hóa loại cá này tốn kém nhiều kinh phí đi kèm, từ lắp đặt hệ thống phun mưa nhân tạo, tạo dòng nước xoáy, rồi thay nước liên tục đảm bảo nước luôn sạch, đến việc tìm kiếm thức ăn phù hợp với sở thích của chúng".

Cũng theo ông Quý, không chỉ khó khăn trong việc nuôi nhốt, quá trình thụ tinh nhân tạo rất phức tạp ở chỗ: Có thể kích thích cá mẹ đẻ trứng mỗi năm một lần như trong tự nhiên, nhưng để có tinh trùng, buộc phải mổ cá đực để lấy tinh.

Cứ sau mỗi lần thụ tinh, cá đực lại bị giết thịt, bán thương phẩm, nên luôn phải bổ sung cá đực cho vụ sinh sản năm sau. Trong khi cá lăng chấm làm giống luôn có giá từ 600.000 đ/kg trở lên.

Ưu điểm của việc mổ cá đực lấy tinh trùng, đã làm tỷ lệ cá nở đạt cao, ngay từ lúc trứng nở ra cá bột đạt từ 55 - 60%, từ cá bột đến cá hương đạt 50%, từ cá hương lên cá giống là tỷ lệ chết ít nhất, đạt tới hơn 90%.

Cá nuôi được khoảng 2 tháng, mỗi con cá lăng chấm dài khoảng 6 cm. Do cá giống đắt đỏ, trung tâm đã thực hiện từng bước thực nghiệm ăn chắc, SX theo lối thủ công vốn nhỏ, từ đó gối vốn thông qua thành công của dự án, nhằm tránh rủi ro lớn cho kinh phí đầu tư.

Tags: san xuat giong ca lang, ky thuat nuoi ca lang, ca lang cham, nuoi trong thuy san, giong ca lang


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-va-ben-vung-mo-hinh-tom-lua Hiệu quả và bền vững… tiem-nang-phat-trien-nuoi-ca-nganh Tiềm năng phát triển nuôi…