Mô hình kinh tế Giống Thủy Sản Đủ Sức Cạnh Tranh Trên Thị Trường

Giống Thủy Sản Đủ Sức Cạnh Tranh Trên Thị Trường

Ngày đăng 25/09/2013

Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản, đặc biệt là các loài cá nước lạnh, thủy đặc sản do nguồn nước dồi dào, chưa bị ô nhiễm. Những năm qua, phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh đang có những bước phát triển với diện tích, sản lượng tăng đáng kể qua từng năm. Đến năm 2013, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước đạt 1.766 ha, tăng 1,5 lần, sản lượng đạt khoảng 4.800 tấn, tăng gấp 5 lần so với năm 2005. Nuôi cá nước lạnh cũng phát triển tốt, diện tích bồn bể là 30.000 m3, sản lượng cá đạt trên 200 tấn mỗi năm. Hình thức nuôi cá lồng, bè đang hình thành, được coi là hướng phát triển thủy sản mới thu hút nhiều hộ nông dân tham gia.

Sản xuất giống có vai trò quan trọng đối với mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mà ngành nông nghiệp đang triển khai qua các đề án, dự án liên quan. Theo các kỹ sư nông nghiệp, chất lượng giống quyết định phần lớn năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản. Nếu chủ động về giống, kiểm dịch an toàn dịch bệnh sẽ đem đến thành công trong sản xuất thủy sản.

Đến thời điểm này, tỉnh đã từng bước chủ động sản xuất, cung ứng giống với các đối tượng giống thủy sản phong phú, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất giống, trong đó có 2 cơ sở thuộc Trung tâm Thủy sản với cơ sở vật chất tương đối hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Mỗi năm, các cơ sở này cung cấp 10 triệu con giống các loại, riêng 2 cơ sở của Trung tâm Thủy sản sản xuất khoảng 4 triệu con giống và 60 triệu con cá bột mỗi năm. Tại huyện Sa Pa cũng đã có cơ sở cung cấp giống cá hồi vân thuộc Trung tâm Nuôi cá nước lạnh, Viện Nghiên cứu thủy sản I, một doanh nghiệp chuyên cung ứng giống cá tầm và một số cơ sở đã tự nhập trứng về ấp cung cấp giống cho các hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện.

Từ năm 2013, Trung tâm Thủy sản đã thành lập 20 điểm cung ứng giống tại tất cả các huyện vùng thấp, liên kết với các hộ dân hoặc cán bộ nông nghiệp các xã đứng ra đăng ký làm đầu mối. Qua đó, các hộ nuôi thủy sản có thể mua giống chất lượng, sạch bệnh. Với mục tiêu cung cấp giống đến tận tay người nông dân, Trung tâm Thủy sản đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng mạng lưới cung ứng giống tại các địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển thủy sản, nâng cao tính cạnh tranh với các điểm cung cấp giống nhỏ lẻ, hạn chế giống trôi nổi.

Bà Nguyễn Thị Hương, thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) cho biết: Trước đây, chúng tôi phải về xã Phú Nhuận hoặc chờ đợi các tư thương giao giống, thì nay có thể mua tại thị trấn. Mua giống cá tại các cơ sở này, chúng tôi còn được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách phòng bệnh kịp thời và không lo giống cá kém chất lượng.

Thực hiện kế hoạch đưa giống cá chất lượng vào thực tế, Trung tâm Thủy sản đã làm chủ công nghệ sản xuất các giống cá truyền thống như rô phi, chép lai, trắm cỏ, mè, trôi… Năm 2014, Trung tâm sẽ nghiên cứu sản xuất các giống cá đặc sản như lăng chấm, bỗng, chiên.

Các đối tượng giống do Trung tâm sản xuất đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng và được người nuôi đánh giá cao. Với chất lượng đạt được, ngoài cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, Trung tâm còn đang mở rộng thị trường tiêu thụ giống chép lai, cá lăng chấm tại các tỉnhNam Định, Bắc Giang, Lai Châu. Đến nay, giống thủy sản do Lào Cai sản xuất được người nuôi tại một số tỉnh tin tưởng.

Sau khi thực hiện dự án khảo nghiệm sinh sản nhân tạo giống cá rô phi đầu vuông và cá trắm đen, đến nay, Trung tâm Thủy sản đã sản xuất thành công 2 giống cá này. Đây là bước tiến quan trọng khẳng định Lào Cai có thể chủ động cung ứng con giống thủy sản phục vụ yêu cầu mở rộng diện tích nuôi thủy sản sau này.

Ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho biết: Vừa qua, đoàn công tác của Vụ Nuôi trồng Thủy sản có chuyến thực tế tại địa phương và nhận định Lào Cai có hạ tầng khá tốt phục vụ sản xuất và cung ứng giống cho thị trường với các đối tượng phong phú, đủ sức cạnh tranh với những điểm sản xuất giống nhỏ lẻ. Trong thời gian tới, ngoài đối tượng cá truyền thống, Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu, sản xuất các giống cá đặc sản, quý hiếm, qua đó, nâng cao chất lượng và sản lượng thủy sản.

Sự chủ động về giống là cơ sở thúc đẩy ngành thủy sản của tỉnh có những bước tiến dài và quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Với việc triển khai các dự án phát triển, nhất là sản xuất và cung ứng giống cho thấy, ngành nông nghiệp thực sự quan tâm đến ngành thủy sản. Trong tương lai, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, Lào Cai còn có thể là điểm cung ứng giống thủy sản chất lượng cho nhiều tỉnh khu vực phía Bắc.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-day-manh-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-nuoi-tom Nông Dân Đẩy Mạnh Ứng… san-luong-tom-hum-dat-thap Sản Lượng Tôm Hùm Đạt…