Mô hình kinh tế Gõ Cửa Thị Trường Khó Tính

Gõ Cửa Thị Trường Khó Tính

Ngày đăng 08/10/2014

Xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đã có bước tăng trưởng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhưng đang có nhiều tiềm ẩn bất trắc. Vì vậy, việc khai phá các thị trường khó tính đang được ngành nông nghiệp và doanh nghiệp (DN) Việt Nam hết sức quan tâm.

Nhập gia tùy tục

Để có thể xuất khẩu một loại trái cây nào đó vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ… là cả quá trình đàm phán, chuẩn bị. Năm 2008, Mỹ mở cửa thị trường thanh long, nhưng trước đó 4 năm, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 thuộc Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã đến Mỹ tìm hiểu các bước đầu tiên để có thể đáp ứng các yêu cầu nước nhập khẩu.

Điểm chung của những thị trường khó tính là phải có chương trình tiền chứng nhận. Như trái thanh long để xuất qua Mỹ, Việt Nam phải gửi danh sách dịch hại trên trái thanh long, từ đó 2 bên phân tích nguy cơ để thống nhất danh sách đối tượng thực vật cấm và giải pháp loại bỏ.

Để có chương trình tiền chứng nhận, phía Mỹ và Cục BVTV phải giám sát và lên danh sách mã số vùng trồng (theo chuẩn VietGAP, phải bọc trái, sử dụng thuốc BVTV phù hợp theo yêu cầu nước nhập khẩu…), mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy (chiếu xạ) xử lý trái trước khi xuất khẩu. Phía Mỹ luôn có 2 nhân viên thường xuyên ở Việt Nam để tiến hành các bước này.

Những loại trái cây khác như chôm chôm năm 2011, nhãn và vải năm 2014, thời gian tiến hành còn 3 năm và cứ thế cuốn chiếu các loại trái cây khác, năm 2015 sẽ là xoài và vú sữa. Cũng với cách làm như thế này, năm 2009, Nhật Bản mở cửa thị trường thanh long, rồi đến Hàn Quốc, Chile, Úc, New Zealand.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 cho biết, việc lựa chọn thứ tự loại trái trái cây nào phải có sự tham khảo, cân nhắc dựa trên việc trồng tập trung, lợi thế cạnh tranh, trong đó thanh long là trái cây được chọn để đột phá vào thị trường Mỹ, nhờ lúc đó chưa nước nào có thanh long hàng hóa như Việt Nam.

Thâm nhập

Năm 2008, các DN xuất khẩu được 100 tấn thanh long sang Mỹ, đến năm 2013 là 1.200 tấn và dự báo năm nay khoảng 2.000 tấn. Mức tăng trưởng 20 lần trong vòng 6 năm! Tuy nhiên, không ít người tỏ ra thất vọng khi lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ dù tăng 20 lần, nhưng nếu xét về con số tuyệt đối vẫn còn quá khiêm tốn so với lượng thanh long hàng năm xuất qua Trung Quốc.

Thế nhưng, điều này tùy thuộc vào cách nhìn. Những năm đầu thanh long Việt Nam một mình một chợ ở thị trường Mỹ, sau này phải cạnh tranh với thanh long của Mỹ trồng tại bang Florida, California, sắp tới sẽ là bang Hawaii.

Thanh long Mexico đã xuất vào Mỹ từ năm 2013. Lãnh thổ Đài Loan cũng tiến hành các bước để xuất thanh long vào Mỹ. Hiện nay thanh long Việt Nam mới thâm nhập thị trường người Mỹ gốc châu Á, chiếm thiểu số, trong khi cộng đồng người Mỹ chiếm đa số gốc da trắng, cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha và cộng đồng gốc Phi vẫn chưa.

Do vậy, để đạt hàng chục ngàn tấn thanh long/năm ở Mỹ đòi hỏi các DN phải chuyển qua giai đoạn quảng bá, tiếp thị. Hơn nữa, cần phải có thêm nhiều DN tham gia so với hiện nay. Hay như thanh long Việt Nam vào Nhật Bản, dù lượng xuất khẩu có tăng khá, nhưng mới chỉ vào một trong vài đảo lớn của Nhật.

Những người trong ngành đều nhận định, mỗi loại trái cây phải có cách thâm nhập khác nhau nếu muốn tăng dần thị phần. Khi Mỹ mở cửa thị trường chôm chôm năm 2011, nhưng trước đó 5 năm Mỹ đã mở cửa cho chôm chôm Thái Lan và Mexcico. Vì vậy, dù mở cửa nhưng nếu không tham khảo, tìm hiểu, sẽ thất bại vì khó cạnh tranh với chôm chôm 2 nước này.

Trước khi chôm chôm Việt Nam vào Mỹ, Thái Lan mỗi năm đã xuất khẩu sang Mỹ khoảng 500 tấn, vì vậy DN Việt Nam phải biết chọn thời điểm, khi chôm chôm Thái Lan và Mexico qua mùa thu hoạch, lúc đó chôm chôm Việt Nam mới được đưa vào và bán với giá khá cao nhờ trái vụ. Sau vài năm, lượng chôm chôm Việt Nam vào Mỹ lên 500 tấn/năm, trong khi chôm chôm Thái Lan giảm còn 300 tấn/năm.

Với đà mở cửa thị trường và xuất khẩu trái cây vào thị trường khó tính, năm nay lượng trái cây xuất vào các thị trường này khoảng 4.000 tấn. Con số còn ít nhưng xét về mặt giá trị không hề nhỏ. Nếu giá bình quân 1kg trái cây xuất khẩu vào thị trường “bình dân” khoảng 1USD/kg thì với thị trường khó tính cao gấp 4 - 5 lần, có loại tới 7 - 8USD/kg, vì vậy, giá trị mang về cho đất nước tương đương trên dưới 20.000 tấn/năm.

Khi trái cây Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính cũng có nghĩa là chất lượng, thương hiệu và giá trị trái cây Việt Nam được nâng lên trong cái nhìn của người tiêu dùng các nước.

Đi tìm “giấy thông hành”

Việc đạt thỏa thuận mở cửa thị trường khó tính mới là bước đi đầu tiên trong việc xuất khẩu vào thị trường nào đó. Bởi, bước tiếp theo phải là sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) và nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Xét cho cùng hiệu quả kinh tế là vấn đề các DN luôn quan tâm.

Ví dụ, dù mở cửa thị trường Chile (khu vực Nam Mỹ) cho thanh long Việt Nam từ năm 2011, nhưng đến nay chưa có DN nào mặn mà vì việc vận chuyển xa và tốn kém nên hiệu quả kinh tế chưa có.

Ngược lại, khi Mỹ mở cửa thị trường thanh long, sau đó chôm chôm cho Việt Nam, các DN phía Nam đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng làm thủ tục xây dựng vùng nguyên liệu, khi Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số chiếu xạ cho vùng sản xuất thì lượng thanh long hoặc chôm chôm vùng đó sẽ được DN xuất khẩu bao tiêu hết.

Vừa trở về từ chuyến đi Đồng Tháp và Bến Tre với ông Thomas Sutton, Kiểm dịch viên cao cấp của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ, hôm qua 6-10, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau thu hoạch 2 (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT) cho biết, đã cấp mã vùng cho 2 nơi trồng nhãn đầu tiên để xuất qua Mỹ và có 2 DN phối hợp đăng ký bao tiêu toàn bộ sản phẩm với nhà vườn.

Hôm nay, đại diện 1 trong 2 DN bay sang Mỹ để thống nhất mẫu mã đóng gói với nhà nhập khẩu. Tuần sau sẽ tiến hành việc xác định liều lượng chiếu xạ cụ thể cho từng quy cách đóng gói. Nếu không có gì thay đổi, tháng 11 năm nay sẽ xuất lô nhãn đầu tiên sang Mỹ.

Trong khi đó, với trái vải ở phía Bắc, cụ thể là Bắc Giang, lãnh đạo Cục BVTV lại có phần e dè. Mặc dù Bắc Giang đã xây dựng vùng sản xuất vải đạt chuẩn VietGAP với diện tích khá lớn, đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng điều quan tâm là DN có tích cực tham gia hay không.

Bên cạnh đó, hiện phía Bắc chưa có nhà máy chiếu xạ đạt chuẩn được phía Mỹ công nhận nên việc vận chuyển vào khu vực TPHCM để xử lý sẽ tốn thêm chi phí.

Việc xuất khẩu vào thị trường khó tính như “giấy thông hành” bảo chứng cho chất lượng, giá trị của trái cây Việt Nam khi xuất đi những thị trường khác, góp phần nâng dần vị thế trái cây Việt, thế nhưng, chưa có nhiều DN tham gia vì nhiều lý do.

Trong đó có việc ngại vượt khó khi có sẵn thị trường dễ tính như Trung Quốc vừa rộng lớn, vừa gần hơn. Thực tế đã có một DN có lượng hàng xuất khẩu thanh long hàng đầu cả nước, dù được cấp mã vùng sản xuất, nhà máy đóng gói đạt chuẩn, nhưng sau chuyến hàng xuất khẩu thanh long đi Mỹ cách đây nhiều năm gặp trục trặc vì vấn đề bảo quản, đã bỏ cuộc.

Trong lúc những DN khác vẫn kiên trì và đã thành công thì DN này chỉ tập trung xuất vào thị trường gần nhờ lợi thế đi đầu, có sẵn khách hàng và nhờ có thêm giấy chứng nhận xuất vào Mỹ. Tất nhiên, mỗi DN có chiến lược kinh doanh riêng, nhưng bài học của DN Philippines tập trung xuất khẩu chuối vào Trung Quốc, khi có biến động, bản thân DN lãnh đủ, vẫn là bài học thời sự cho DN Việt Nam.

Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt, chỉ biết đến thị trường dễ tính sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ. Ngay cả thị trường dễ tính cũng có lúc trở thành khó tính, vì đảm bảo quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước là xu thế. Vì vậy, việc đa dạng hóa thị trường cũng là cách để DN phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

san-pham-mang-cut-quyt-duong-tra-vinh-duoc-chung-nhan-vietgap Sản Phẩm Măng Cụt, Quýt… trong-mang-tay-dem-lai-hieu-qua-kinh-te-cao Trồng Măng Tây Đem Lại…