Mô hình kinh tế Gỡ Khó Cho Ngành Mía Đường

Gỡ Khó Cho Ngành Mía Đường

Ngày đăng 21/08/2013

Từ cuối năm 2012 đến nay, lượng đường tồn kho trong nước luôn ở mức cao kỷ lục (khoảng 500 nghìn tấn). Mặc dù các cơ quan chức năng đã dồn sức tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường nhưng vẫn chưa thật sự có hiệu quả. Ðể giải bài toán khó này, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ các ngành, các cấp.

Khó khăn từ cơ chế chính sách...

Nếu như sau nhiều năm trước đây nước ta thiếu đường phải nhập khẩu thì từ năm 2012 đến nay, ngành mía đường lại rơi vào cảnh thừa đường với số lượng lớn. Từ tháng 4 đến tháng 6-2013, lượng đường tồn kho luôn ở mức gần 600 nghìn tấn và hiện nay khoảng 400 nghìn tấn. Trong đó, đường tinh luyện RE chiếm khoảng 55%, kế đó là đường kính trắng RS chiếm khoảng 40%, còn lại là đường vàng và đường thô.  Theo quy luật, đường tồn đọng thì giá rẻ và sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề: nhà máy thì lao đao vì đọng vốn, doanh nghiệp thua lỗ, người trồng mía gặp khó khăn... Thực tế cho thấy, tình trạng đường tồn kho của các nhà máy hiện nay là điều dễ hiểu vì các nhà máy đường (NMÐ) đều ký hợp đồng cam kết với nông dân để thu mua mía với giá phù hợp. Tuy nhiên, nhà máy lại chưa được ai bảo hộ. Niên vụ vừa qua, các nhà máy luôn cố gắng duy trì giá thu mua mía của người dân ở mức bình quân xấp xỉ một triệu đồng/tấn mía 10 CCS (chữ đường) để bảo đảm cho người trồng mía yên tâm giữ mía. Ðây là mức giá cao nhất trong khu vực. Nhưng nếu không mua với giá này thì người dân sẽ không trồng mía nữa và NMÐ sẽ không có nguyên liệu để sản xuất. Các NMÐ thực hiện tốt việc thu mua đã giúp vùng nguyên liệu mía của nước ta không những không bị suy giảm mà còn tăng thêm đến ngưỡng quy hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội mía đường (HHMÐ) Nguyễn Thành Long, cho biết, vừa qua, một số nhà máy chấp nhận lỗ nhưng cũng không bán được đường, vì đường Thái-lan "chen chân" bán với giá thấp hơn so với giá đường trong nước từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, thời gian trước Tết Nguyên đán, HHMÐ Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công thương cho phép xuất khẩu đường nhưng không được đồng ý, đến khi qua Tết, Bộ cho xuất thì lúc này giá đã giảm đi rất nhiều và phía đối tác chỉ mua cầm chừng. Việc Bộ Công thương chậm cấp phép cho xuất khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng đường tồn kho hiện nay. Chia sẻ khó khăn với chúng tôi, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) Nguyễn Hoàng Ngoan than thở, với lượng đường tồn kho lớn, công ty đã lỗ hàng chục tỷ đồng...  Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng Cổ Trí Dũng cho biết, nhằm giảm bớt khó khăn, công ty  cắt giảm quỹ lương, sắp xếp, bố trí lại nhân sự để giảm giá thành sản xuất. Trước áp lực của đường tồn kho nhiều, giá giảm như "tụt dốc không phanh", ngành mía đường còn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn khác...

Ðường nhập lậu hoành hành

Hiện, đường nhập lậu qua các cửa khẩu phía tây nam nước ta chưa thể kiểm soát triệt để. Mỗi năm, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 300 đến 400 nghìn tấn. Ðường nhập lậu đã làm lũng loạn giá đường trong nước. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Ðỗ Thanh Lam cho hay, tình hình buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại miền trung và Tây Nam Bộ. Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1.300 tấn đường. Nếu như năm 2010 là 200 tấn, năm 2011 (331 tấn), 2012 (700 tấn) và chỉ trong sáu tháng đầu năm 2013, tại tỉnh An Giang đã bắt giữ 362 tấn. Ðiều này cho thấy lượng đường nhập lậu ngày một tăng.  Ngoài ra, hình thức nhập lậu còn được thông qua tạm nhập tái xuất. Các lực lượng chức năng đã xử lý số lượng lớn đường tạm nhập tái xuất nhưng để lại trong nước tiêu thụ. Cụ thể Hải quan Quảng Trị xử lý 210 tấn đường tạm nhập tái xuất nhưng đã để lại tiêu thụ trong nước.

Theo Cục Ðiều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia tạm nhập tái xuất đường, chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã xuất qua đường mòn, lối mở, rồi mang hàng quay lại bán trong nước. Thậm chí, có doanh nghiệp đưa luôn đường từ kho ra bán ở thị trường trong nước mà không xuất; có doanh nghiệp tự ý phá niêm phong đem hàng đi tiêu thụ... Trong khi đó, ưu đãi trong khu kinh tế cửa khẩu không có hàng rào cứng cho nên không quản lý được, lượng đường đưa vào khu kinh tế cửa khẩu hoàn toàn được miễn thuế, nhiều đối tượng đã mang sâu vào tiêu thụ ở thị trường trong nước. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn dùng ghe chở lúa của cư dân biên giới rồi giấu đường ở dưới cho nên lực lượng chức năng không kiểm soát hết được. Ðặc biệt, những vụ bắt được đường lậu chỉ có thể thu hồi, chứ không đủ yếu tố để khởi tố hình sự...

Trước tình hình nêu trên, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại triển khai kế hoạch giám sát các phương tiện từ tháng 6 đến hết tháng 12-2013, cử người tham gia trực công tác 24/24 giờ mỗi ngày. Kết quả tháng đầu đã ngăn chặn, giảm đáng kể lượng đường vận chuyển qua biên giới. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ bổ sung lực lượng kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ mỗi ngày tại khu vực xã Khánh An - nơi có dòng sông chung trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, để phòng ngừa, ngăn chặn việc buôn lậu đường tại khu vực này...

Có điều khó lý giải, đường là mặt hàng lớn, mỗi lần chở lậu vào Việt Nam phải từ hàng chục tấn trở lên, tại sao vẫn để lọt? Không những thế số lượng ngày càng tăng. Phải chăng các lực lượng  công an, hải quan, quản lý thị trường... chưa thật sự quyết liệt ngăn chặn?

Các giải pháp đồng bộ

Ðể giải quyết lượng đường tồn kho cao, HHMÐ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định cho ngành mía đường để chi phối và hỗ trợ hoạt động, giúp ngành phát triển ổn định và bền vững. Ngoài ra, cần có cơ chế dự trữ ngắn hạn cho mặt hàng đường để bình ổn thị trường. Bộ Công thương cần tạo cơ chế chính sách linh hoạt cho xuất khẩu đường. Bên cạnh đó, không cho đường tạm nhập tái xuất, kể cả đường tạm nhập tái xuất thông qua sản xuất, chế biến của các NMÐ trong nước, được phép xuất khẩu qua cửa khẩu phụ mà chỉ được phép xuất khẩu qua cửa khẩu chính, vì nếu xuất khẩu qua cửa khẩu phụ thì lợi thế về giá sẽ cạnh tranh với đường sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Các lực lượng chức năng, công an, hải quan và quản lý thị trường cần phối hợp chặt chẽ quyết liệt với "cuộc chiến" chống nhập lậu đường.

Về phía các NMÐ, cần đổi mới công nghệ, thiết bị, tiết giảm chi phí... góp phần tăng lợi nhuận, hạ giá thành sản xuất đường. Ðồng thời, các NMÐ hỗ trợ nông dân để tăng hiệu quả sản xuất mía, nâng cao năng suất và chất lượng, thông qua các biện pháp thay giống phù hợp, tăng cường kỹ thuật canh tác, chăm bón... Thực hiện được các giải pháp nêu trên,  sẽ góp phần "giải được bài toán" hàng tồn kho cho ngành mía đường.

Hiện nay, diện tích mía cả nước khoảng 298.200 ha; diện tích các nhà máy có ký hợp đồng và đầu tư là 278.000 ha; năng suất bình quân đạt 63,9 tấn/ha, sản lượng mía cả nước được 19,05 triệu tấn, chữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy khoảng 9,8 CCS. Hiện, cả nước có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 132.900 TMN, gần bằng chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020. Vụ mía đường 2012-2013, các nhà máy ép được 16,4 triệu tấn mía, sản xuất được 1.510.000 tấn đường, trong đó đường luyện là 700.000 tấn.


Có thể bạn quan tâm

de-huong-che-ha-thuong-bay-xa Để Hương Chè Hà Thượng… phep-mau-den-voi-ho-ngheo Phép Màu Đến Với Hộ…