Mô hình kinh tế Hà Tĩnh Nên Chấm Dứt Trồng Cao Su Gần Biển

Hà Tĩnh Nên Chấm Dứt Trồng Cao Su Gần Biển

Ngày đăng 02/11/2013

Cao su được Hà Tĩnh công nhận là cây mũi nhọn kinh tế bởi nguồn lợi đưa lại rất lớn. Thế nhưng bão số 10 vừa qua đã làm cho gần 800/1.600ha cao su ở Kỳ Anh bị gãy đổ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đây là bài học xương máu cho việc quy hoạch thiếu cân nhắc bởi Kỳ Anh thường xuyên "hứng bão" thế nhưng nơi đây vẫn cứ trồng cao su bằng mọi giá.

Nhiều tỉnh Bắc Trung bộ tôn vinh cao su là cây mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo. Cty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh hiện có tổng diện tích cao su đạt 6.100 ha được trồng từ năm 1997, năm 2004 bắt đầu đưa vào khai thác, đến nay cho năng suất mủ đạt từ 1,5 – 1,7 tấn/ha.

Nhờ thu nhập từ nguồn lợi mủ cao su nên Cty đã tạo công ăn việc làm cho gần 1.740 công nhân (đóng nộp bảo hiểm), tạo việc làm cho trên 3.000 nông dân trong vùng dự án.

Tại Hà Tĩnh còn có Cty TNHH MTV cao su Hương Khê, thành lập từ 2007, tuy thành lập sau nhưng đến nay Cty Cao su Hương Khê đã phát triển được 4.100ha chuẩn bị đưa vào khai thác, chủ yếu ở các huyện miền núi xa biển nên rất ít bị gãy đổ vì bão. Cty này cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 3.000 lao động.

Sau bão, NNVN có cuộc khảo sát một số diện tích cao su được trồng cách biển từ 50 km trở lên như các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang, thấy tuy có thiệt hại phần nào nhưng ảnh hưởng không lớn.

Ông Đặng Bá Thức, Hội Khọc kỹ thuật lâm nghiệp Hà Tĩnh cho rằng: Kể từ 2007 lại nay Hà Tĩnh đã không quy hoạch phát triển cây cao su ở các vùng ven biển nữa mà chỉ tập trung ở các huyện phía tây. Số diện tích cao su bị thiệt hại từ cơn bão số 10 chủ yếu được trồng từ những năm 1997-2000 ở Kỳ Anh mà thôi.

Ông Nguyễn Khánh Toàn – Phó TGĐ Cty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh cho biết: Diện tích cao su bị thiệt hại ở huyện Kỳ Anh, đến nay Cty cơ bản khắc phục theo hướng, số bị gãy từ 2m thì cắt và bôi hóa chất kích thích để tận dụng khai thác hết mủ, số bị gãy từ 3m trở lên cố chăm sóc cho cây nẩy mầm trở lại.

Từ bài học thất bại thảm hại này, Cty kiên quyết không phát triển thêm bất kỳ diện tích cao su nào ven biển nữa, số còn lại sẽ thực hiện trồng vành đai chắn gió bằng các cây nguyên liệu có giá trị kinh tế.

Ông Trần Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su VN khẳng định: Về chủ trương, Tập đoàn cho các đơn vị vẫn tiếp tục tái canh cao su những nơi an toàn nhất. Đồng thời giao cho các Cty tìm kiếm quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cao su lên các vùng phía tây đúng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đất đai và phải cách xa biển tối thiểu 50 km.

Tái canh, trồng mới cao su bằng các loại giống có khả năng chịu gió, rét theo hướng gỗ, mủ, kết hợp trồng cây chắn gió và phải tạo tán thấp; các diện tích bị thiệt hại do bão vừa qua, những nơi cách biển dưới 50 km không tiến hành tái canh cao su mà chuyển đổi sang trồng cây nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ván MDF. Có như thế mới an toàn cho việc phát triển cao su ở các tỉnh có khí hậu khắc nghiệt vùng duyên hải miền Trung.


Có thể bạn quan tâm

xoai-cat-hoa-loc-nghich-vu-gia-cao Xoài Cát Hòa Lộc Nghịch… hieu-qua-tu-thi-diem-bao-hiem-cay-lua Hiệu Quả Từ Thí Điểm…