Hai "Hạt Cát" Lạ Kỳ
Ở quê nghèo xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) có vợ chồng bà Phạm Thị Mỹ và ông Hồ Quốc Thanh chắt bóp từng đồng chi tiêu hằng ngày để giúp những gia đình khó khăn, trẻ em nghèo.
Có thể số tiền ông bà bỏ ra không lớn nhưng hành động và tấm lòng thì thật bao la...
"Tôi là hạt cát..."
Gặp bà Mỹ hỏi về chuyện tiết kiệm, bà cười: Có chi mô chú ơi! Đừng viết báo làm chi, vợ chồng tôi giúp đỡ mọi người ít tiền của lắm. Chúng tôi chỉ hạt cát nhỏ giữa sa mạc thôi.
Nói xong, bà đọc bài thơ: “Tôi là hạt cát giữa sa mạc mênh mông/ Tôi là giọt nước giữa lòng đại dương/ Tôi là đóa hoa rừng giữa núi cao xa thẳm. Hạt cát không óng ánh ai thấy đâu mà nhặt/ Giọt nước không long lanh ai biết đâu mà ngắm/ Hoa giữa rừng không hương thắm, ai nhặt để ghép cành”.
Những vần thơ trên là lời tự sự về việc làm của bà. Bà Mỹ cho biết, bà không nhớ từ năm nào đã theo "nghiệp” làm từ thiện. Việc làm của bà cũng chẳng to lớn, chỉ là những việc nho nhỏ. Đến nay, có hàng trăm người được bà giúp đỡ, người ít thì vài trăm ngàn đồng, người nhiều vài triệu đồng.
Bà Mỹ bảo, ngày còn đi học, mỗi khi trong lớp có bạn nào gặp hoàn cảnh khó khăn, bà đứng ra quên góp để giúp đỡ. Đặc biệt, sau khi lấy chồng, bà mở cửa hàng bán quan tài thì “nghiệp” làm từ thiện bắt đầu. Chứng kiến nhiều người chết mà gia đình không mua nổi quan tài để mai táng, thấy vậy, bà cho không. Có trường hợp quá khó khăn, bà đứng ra vận động mọi người giúp đỡ gia đình tổ chức đám tang.
Những lúc rảnh rỗi bà Mỹ làm may vá cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Vợ chồng bà sinh được 4 người con và nhận nuôi một người con nuôi. Hiện 5 người con của ông bà đã có gia đình và cuộc sống ổn định. Giờ hai ông bà mỗi tháng có được 2,2 triệu đồng tiền lương. “Tôi thấy gia đình mình sướng rồi, ở nhà xây, người mạnh khỏe. Chưa nói chi mô xa, ở xã này, có đến hàng chục người tật nguyền, người già neo đơn cuộc sống khổ lắm. Mình còn mạnh khỏe, cắt giảm chi tiêu để hỗ trợ họ được cái gì quý cái đó”, bà Mỹ tâm sự.
Khác với những người dân nơi đây, họ nấu bếp gas, bếp điện thì hai vợ chồng bà ra rừng dương ven biển nhặt củi về đun. Trong khu vườn cát biển trắng tinh nhưng ông bà biến thành vườn rau để tự túc qua ngày, tiết kiệm được ít tiền làm từ thiện. Đặc biệt, khu đất chừng 1 sào, ông bà lại trồng mía đem bán. Đi đâu hai người không dùng đến xe máy mà chỉ đi xe đạp…
Bà Mỹ nhẩm tính: “Mỗi tháng tiết kiệm gas được 150.000 đồng, tiền rau cũng 100.000 đồng, tiền xăng vài chục nghìn… Ngoài ra, công may áo quần cũng được một ít, tính ra mỗi năm cũng được gần 10 triệu đồng. Mình già rồi chi tiêu chi cho lắm, số tiền dành dụm được chia cho những người neo đơn, những đứa trẻ tàn tật”.
Sau khi nghỉ hưu, ông Thanh (chồng bà) được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Và hơn 10 năm nay ông vẫn ngồi chiếc “ghế” ấy. Ngoài việc cùng vợ làm từ thiện, ông còn là một trưởng thôn xuất sắc. Ông đóng góp cho thôn Bình Trung nhiều việc, đặc biệt khi kinh phí thôn không có, ông Thanh gõ cửa khắp nơi để vận động mọi người đóng góp.
Rồi ông dùng tiền tích góp bắt xe vào miền Nam để gặp con em xa quê hương vận động làm từ thiện. Từ TP.HCM, Bình Dương, rồi lên các tỉnh Tây Nguyên, sau 4 tháng, ông Thanh mang về gần 30 triệu đồng. Bà Mỹ cũng xin được gần 11 triệu đồng. Cùng với số tiền nhân dân thôn Bình Trung đóng góp, huyện Núi Thành hỗ trợ thêm 20 triệu đồng, thế là xây được nhà văn hóa thôn khang trang.
Để có bức ảnh minh họa cho bài viết, chúng tôi đề nghị vợ chồng ông bà chụp tấm hình chung bên nhà văn hóa thôn, vợ chồng ông đồng thanh trả lời: “Tiền xây dựng nhà văn hóa là của bà con xóm giềng và bà con xa quê đóng góp. Mình chỉ bỏ công đi gom góp lại nên chẳng có công sức chi cả”.
Không những thế, bà Mỹ có sẵn nghề may nên xin áo quần cũ về rồi cắt vá lại. Nhiều thì bà thuê ô tô đưa lên các xã vùng cao để phát cho mọi người, còn ít thì bà đưa cho những người có hoàn cảnh khó khăn sử dụng. Đã không ít chuyến xe chở áo quần được bà đưa lên các xã nghèo miền núi tỉnh Quảng Nam. Xin áo quần về cắt vá lại đã vất vả, ông bà còn bỏ tiền ra thuê xe chở đi. Mặc dù tốn kém như vậy, vợ chồng bà không nản chí.
Có những dịp, mấy đứa con bà bảo ba mẹ đi du lịch cho biết đây biết đó, khi nghe vậy, bà Mỹ thẳng thắn với các con: “Bọn mi đem cho tao tiền để cho mấy đứa trẻ còn hơn. Giờ muốn biết nơi nọ, nơi kia thì mở tivi, đọc sách báo là biết rồi. Đi làm chi cho phí tiền, tiết kiệm giúp đỡ mọi người đi con ạ!". Và số tiền các con cho, ông bà phân phát cho người nghèo.
Vất vả cũng chẳng sao
“Xem qua báo đài thấy nhiều nơi cán bộ ăn chặn tiền người nghèo, tiền hỗ trợ mà đau lắm chú ạ! Họ đúng là không có tình người. Họ làm như rứa thì ai mà dám chia sẻ cho người nghèo, người tàn tật nữa!”, bà Mỹ bức xúc.
Nhấp chén trà, ông Thanh bộc bạch: “Nhiều lúc làm việc thiện mà cũng bị chửi mắng chú ơi! Có nhiều người bảo mình xin tiền về làm giàu, xin tiền về để hai vợ chồng tiêu xài. Nghĩ cũng buồn lắm!”.
Có hôm trong thôn một người phát bệnh phải nhập viện khẩn cấp, hoàn cảnh nghèo khó, không có tiền đóng viện phí. Thấy vậy, bà Mỹ chạy đi khắp xã kêu gọi mọi người đóng góp. Người giúp ít, giúp nhiều bà ghi vào sổ sách cẩn thận, sau đó nhanh chóng đưa cho người nhà để cứu chữa. Thế mà có người còn hoài nghi vợ chồng bà ăn bớt tiền.
Chen vào lời chồng, bà Mỹ quả quyết: “Quan trọng việc mình làm là chính, chứ thiên hạ nói thế nào chúng tôi không quan tâm. Việc chúng tôi làm âm thầm, ai muốn hiểu thế nào cũng được, cái quan trọng là giúp đỡ được người ta thôi. Mình sống bằng cái tâm, chứ sống vì tiền thì không thể làm từ thiện được, đi xin cũng chẳng ai cho”.
Mới đây chị Hồ Thị Hiệp, thôn Bình Trung bị bệnh nặng đưa đi cấp cứu nhưng không có tiền để chữa trị. Khi biết hoàn cảnh khó khăn, bà Mỹ lại đến gõ cửa từng nhà một để mong được chia sẻ. Và chỉ trong một ngày, mọi người hỗ trợ hơn 2 triệu đồng, khoản tiền đó góp phần để chị Hiệp điều trị.
Với nhiều việc làm thiết thực trong những năm qua, vợ chồng bà Mỹ được chính quyền xã, huyện trao nhiều bằng khen.
“Giờ ở cái tuổi gần đất xa trời, vợ chồng tôi cầu mong mạnh khỏe để được lao động, tiết kiệm được đồng nào giúp đỡ mọi người. Còn bữa cơm có đạm bạc, nấu ăn khó khăn thì cũng chẳng sao cả, chỉ mình cố gắng là được, chứ đi vào thực tế các hoàn cảnh khó mới biết được họ sống như thế nào. Bữa ăn không đủ no, áo không đủ mặc tội lắm”, bà Mỹ nói.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/hai-hat-cat-la-ky-post134918.html
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ