Tin nông nghiệp 'Hai Mập' nuôi heo an toàn không bao giờ thua lỗ

'Hai Mập' nuôi heo an toàn không bao giờ thua lỗ

Tác giả Minh Sáng - Minh Vương, ngày đăng 18/09/2017

Ngay cả thời điểm thị trường thịt heo không thuận lợi, giá biến động mạnh nhưng nhiều nông hộ chăn nuôi bài bản, lứa sau bù lứa trước vẫn sống khỏe với nghề.

Ông Hai chăm sóc đàn heo Lifsap

Điển hình là cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Hai, ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành (Long An)...  

Nuôi heo theo quy trình

Mặc dù chỉ là hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ, nhưng khi chúng tôi về địa phương hỏi thăm tên ông Nguyễn Văn Hai thì hầu như từ đầu huyện đến cuối xã bà con đều biết rõ danh tính của ông là “Hai Mập”.

Được biết, không chỉ là một nông dân chăn nuôi có thâm niên và tay nghề cao, ông Hai còn là Chi hội trưởng Chi hội chăn nuôi liên xã Bình Quới. Cơ sở nuôi heo của gia đình ông còn là nơi diễn ra nhiều “hội nghị bàn tròn” triển khai các nội dung hoạt động hỗ trợ, liên kết sản xuất tập thể rất thiết thực và hiệu quả.

Chúng tôi ghé thăm đúng lúc ông Hai đang vệ sinh chuồng trại sau khi “tiễn” một đàn heo thịt ra thị trường. Ông Hai tâm sự: “Gia đình tôi đã nuôi heo hàng chục năm, cho dù giá heo bấp bênh lao dốc nhưng chưa bao giờ bị lỗ vốn. Khi mình tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi sẽ giảm được dịch bệnh, heo bán ra có thể giá không cao, nhưng lứa sau bù lứa trước tính ra vẫn lời”.

Đàn heo giống ông Hai chủ động giữ lại

Khởi nghiệp năm 1978, mới đầu số lượng chỉ vài ba con heo nái để nhân đàn. Sau gần chục năm vừa nhân đàn và cải tạo giống, gia đình ông nuôi thêm gà đẻ công nghiệp, gà thả vườn. Tuy nhiên, đến năm 2003 khi gặp dịch cúm gia cầm thì ông chuyển hẳn sang con heo.

Vốn là người ham học hỏi nên khi được tham quan một số mô hình nuôi heo tiên tiến cùng với kinh nghiệm tích lũy thực tế, ông Hai đã tự về mày mò thiết kế cải tạo toàn bộ hệ thống chuồng trại nhà mình. Tuy quy mô nhỏ nhưng ông áp dụng phương pháp quản lý chăn nuôi bài bản.

Theo chúng tôi quan sát, tất cả các ô chuồng đều được trang bị máng ăn và hệ thống núm uống tự động. Do ông sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nên việc quản lý và chăm sóc heo thuận tiện và không tốn nhiều công. Ngoài ra, hệ thống xử lý chất thải xây dựng khá bài bản, khép kín với hầm ủ biogas, toàn bộ chất thải sau khi xử lý cho ra ao nuôi cá. Mỗi năm, chỉ riêng tiền cá đã thu thêm vài chục triệu đồng.

Có thời điểm tổng đàn heo nhà ông khoảng 100 con, trong đó có 27 nái, số còn lại là đàn heo con ổn định và hoàn toàn nuôi theo quy trình sạch.

“Gia đình tôi đã đầu tư mấy chục triệu đồng để cải tạo toàn bộ chuồng trại và trang thiết bị trên diện tích khoảng 100m2 này, với 5 ô chuồng sàn cho nái đẻ và heo con theo mẹ, 3 chuồng lồng cho heo con cai sữa, 15 ô chuồng cá thể cho nái chuẩn bị phối giống và nái chửa, 4 ô chuồng nền nuôi heo thịt”, ông Hai cho biết.  

Nhân rộng mô hình Lifsap

Xác định chất lượng con giống là yếu tố cơ bản để tăng năng suất, hiệu quả và nhất là tạo dựng uy tín khi cung cấp giống ra thị trường, ông Hai đã mạnh dạn đầu tư mua heo giống Landrace thuần và heo lai 2 máu Yorkshire, Landrace từ các trại heo trên TP.HCM về cải tạo đàn giống.

Theo ông Hai, khi được tham gia dự án Lifsap do tỉnh triển khai, ông tích lũy được nhiều kiến thức chăn nuôi tiên tiến, theo quy trình sạch, không sử dụng chất cấm. Hơn nữa, các hộ nuôi cũng thường xuyên được cập nhật thông tin thị trường, quyền lợi chăn nuôi.

Không chỉ chú trọng vào đàn giống tốt, ông còn áp dụng triệt để phương thức quản lý đàn heo bằng việc lập sổ theo dõi từng con nái để chủ động phối giống và chăm sóc. Do vậy, đàn heo con khá cao và ổn định, bình quân mỗi lứa số heo con sơ sinh đạt ít nhất 10 con, vòng quay hàng năm 2,2 lứa.

Heo con được cai sữa sớm vào lúc 25 ngày và chuyển tiếp qua chuồng lồng nuôi đến 2 tháng; sau đó, chuyển sang chuồng nền nuôi thịt khoảng 3 tháng là xuất bán.

Với chất lượng heo giống tốt kết hợp phương pháp nuôi dưỡng khá tiên tiến nên heo thịt từ trại nuôi của gia đình ông được thương lái mua với giá cao hơn các loại heo địa phương khoảng 150.000 đồng/tạ. Tùy từng thời điểm giá cả có biến động lên xuống nhưng ước tính bình quân mỗi năm ông thu được khoảng vài trăm triệu đồng tiền lãi.

Đàn heo nái chất lượng cao

Ông Hai giới thiệu khu chuồng chăn nuôi của gia đình

Theo ông Hai, năm 2011 - 2012, cơ sở chăn nuôi của ông là một trong những điển hình tiêu biểu được chọn trong vùng Dự án Lifsap tại Long An. Các hộ tham gia dự án đều được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ các vật dụng chăn nuôi, hầm biogas… Đồng thời dự án cũng khuyến khích các hộ thành lập tổ chăn nuôi heo Lifsap và tăng đàn nái, do đó nhiều hộ đã tăng đàn tới 30 con nái.


Có thể bạn quan tâm

che-pham-giup-tang-nang-suat-chat-luong-khoai-lang Chế phẩm giúp tăng năng… de-trai-thanh-long-cap-ben-nhung-thi-truong-kho-tinh Để trái thanh long 'cập…