Hạn chế phân hóa học để phòng bệnh cho hồ tiêu
Để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm của cây tiêu, các biện pháp chủ yếu ở những vùng trồng tiêu vẫn là dùng thuốc hóa học. Thậm chí rất nhiều nông dân đã biết sử dụng chế phẩm sinh học nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Trong ảnh: Để phòng trừ các bệnh hại hồ tiêu hiệu quả phải áp dụng đồng bộ các biện pháp. Ảnh: N.V
Hiểu đúng bệnh
Nông dân Rlan Thih (người dân tộc Jrai, xã Iarong, huyện Chư Pưh, Gia Lai) trồng hơn 50 gốc tiêu ngay tại vườn nhà đã nhiều năm. Anh kể từ năm ngoái, nhiều cây bắt đầu héo. Các đầu chóp rễ chuyển màu từ nâu nhạt sang thẫm rồi thối đen. Mép lá co lại, chuyển màu vàng sau đó rụng dần. “Ai bày phân gì tôi xài phân đó. Cũng không biết là phun phải thuốc gì mà vườn tiêu ngày càng xấu đi. Khoảng 10 ngày sau thì cây chết toàn bộ” - anh Thih kể.
Viện Bảo vệ thực vật khuyến cáo nên ủ nấm với phân đã hoai mục với tỷ lệ khoảng 3kg/tấn phân chuồng. Có thể đục lỗ thông hơi hoặc các biện pháp khác để giảm bớt nhiệt độ. Ủ trong vòng 10 ngày rồi mang ra bón thì phân chuồng mới làm tăng sinh khối cho trichoderma, hiệu quả phòng bệnh mới cao.
Tại xã Nâm N’Jang (huyện Đăk Sông, tỉnh Đăk Nông), chị Đinh Thị Lan cho biết từ tháng 11.2016 đến nay, nhiều dây tiêu trên diện tích 1.000m2 của chị bị vàng lá, vàng từ ngọn xuống tới gốc nhưng không rõ nguyên nhân. Chị đinh ninh từ đầu mùa đã làm hệ thống thoát nước và bón phân chuồng ủ men vi sinh đúng tỷ lệ nhưng nhưng nhiều dây tiêu vẫn chết.
TS Đỗ Trung Bình - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (IAS) cho biết triệu chứng này do bệnh chết nhanh gây ra và phát triển nhanh do mưa nhiều, không khí ẩm. Trước đây bệnh này có biểu hiện cây chết đột ngột khi lá vàng còn chưa kịp lột hết. Triệu chứng mới hiện nay khiến cây tiêu vàng từ trên ngọn xuống, khác với chết chậm thì vàng từ dưới gốc lên.
Theo TS Bình, nguyên nhân sâu bệnh phát triển mạnh chủ yếu do nông dân chưa nhận thức đầy đủ nguyên nhân, triệu trứng cũng như chưa áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp trong sản xuất cây hồ tiêu. Nếu dùng phân, thuốc không đúng cách không thể khống chế bệnh mà còn lây lan nhanh.
Thống kê của IAS, năm 2015, bệnh chết nhanh, chết chậm gây thiệt hại tổng cộng gần 6.000ha ở các vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hiện 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông bị các bệnh này nặng hơn cả, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình chiếm đến 20 – 25%.
Riêng tại Gia Lai, hai căn bệnh này đã hủy diệt nhiều vườn tiêu. Rất nhiều hộ trồng rơi vào cảnh bế tắc hoặc đầu tư kinh phí ồ ạt mong cứu vãn. Nhưng việc sử dụng chồng chéo các biện pháp vừa không khoa học vừa gây lãng phí.
Phối hợp đúng các biện pháp hóa, sinh
Bệnh chết nhanh, chết chậm gây thiệt hại ở các vùng sản xuất hồ tiêu. Ảnh: N.V
Theo TS Hà Minh Thanh - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, tác nhân gây bệnh các bệnh hại này tập trung chủ yếu ở vùng rễ cây nên việc phòng trừ rất khó khăn. Thuốc hóa học sử dụng quá nhiều, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sản xuất và chất lượng nông sản.
Trước đó, các vườn tiêu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ gặp hạn hán kéo dài. Bộ rễ của cây bị suy yếu do tuyến trùng, nấm đất, rệp sáp phát sinh gây hại mạnh. Nước và dinh dưỡng không cung cấp đủ cho cây, dịch bệnh càng trầm trọng, đặc biệt là bệnh vàng lá chết chậm.
Để việc phòng trừ các bệnh hại hồ tiêu thật sự hiệu quả, phải áp dụng đồng bộ các biện pháp, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, từng điều kiện thời tiết cũng như mức độ gây hại của bệnh. Nhưng theo TS Thanh, biện pháp chủ yếu trong phòng trừ hiện nay chủ yếu vẫn là sử dụng thuốc hóa học.
“Ngay cả việc sử dụng chế phẩm sinh học cũng phải kết hợp đúng cách với phân hóa học” - bà Lê Thu Hiền (Viện Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh khi cho biết hiện 90% nông dân được hỏi về chế phẩm trycodecmar đều trả lời chưa đạt hiệu quả cao trong phòng trừ bệnh.
Chứa vi sinh vật có ích bên trong, trycodecma có 2 nhiệm vụ là phân giải hữu cơ và đối kháng nấm bệnh. Nhưng vi sinh vật này chỉ có thể sống ở hơn 40 độ C. Nhiều nông dân có thói quen ủ ngay từ lúc đầu, khi phân chuồng chưa phân hủy. “Nếu cho trichoderma vào phân chuồng ủ 2 – 3 tháng rồi mang ra bón thì men vi sinh chỉ mới có tác dụng phân hủy hữu cơ. Vì trong quá trình ủ, lượng nhiệt sinh ra lớn, có thể lên tới 70 – 80 độ C, vi sinh vật không sống được” - bà Hiền giải thích.
Với bệnh chết nhanh, không được xử lý thuốc hóa học vào vị trí đã bón chế phẩm sinh học. Nếu diện tích đã nhiễm bệnh cần trị bằng thuốc hóa học thì phải xử lý thuốc hóa học trước khi bón chế phẩm 15 – 20 ngày.
Với bệnh chết chậm ở những vườn còn khả năng phục hồi, xử lý 2 lần bằng hỗn hợp các thuốc trừ tuyến trùng và nấm bệnh vào đầu mùa và giữa mùa mùa mưa. Sau xử lý thuốc 15 ngày mới bón phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học. “Nông hộ cũng cần chú ý bón phân đầy đủ, cân đối giữa phân đa lượng với phân trung, vi lượng. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà bón dạng phân có tỷ lệ NPK khác nhau” - bà Hiền lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ