Hạn chế tôm càng xào
Tác hại của "tôm càng xào"
"Tôm càng xào" thường có hai loại: Loại thứ nhất có càng to, dài, thân nhỏ nhưng có màu đen toàn bộ do bị bệnh đóng rong (tôm càng xào đen), loại này thường có xu hướng bơi lờ đờ gần bờ ao, di chuyển chậm chạp. Loại thứ hai cũng có càng to, dài màu xanh đậm, thân nhỏ nhưng màu sắc sáng hơn, loại này vẫn di chuyển nhanh nhẹn và sức sống tốt.
Trong các mô hình nuôi TCX như: bán thâm canh, luân canh tôm - lúa hay nuôi tôm mùa lũ… tôm càng xào thường xuất hiện từ tháng thứ 5 sau khi thả nuôi với tỷ lệ từ 5 - 7%, thời gian nuôi càng lâu tỷ lệ này ngày càng tăng.
Tác hại của "tôm càng xào" cho người nuôi là rất lớn, bởi vì chúng vẫn sử dụng thức ăn nhưng lại không tăng trọng. Như vậy, người nuôi bị thiệt hại kép vì vừa phải chịu tăng chí phí đầu vào do sử dụng thức ăn nhiều nhưng sản lượng lại rất thấp. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, hầu hết các hộ nuôi TCX đều bán cho các thương lái thu gom để tiêu thụ nội địa. Đối với "tôm càng xào", thương lái thu mua với giá rất thấp, thậm chí thấp hơn cả tôm trứng, riêng đối với loại tôm càng xào đen do không tiêu thụ được nên thương lái không mua.
Nguyên nhân
Thực chất "tôm càng xào" chính là TCX đực thành thục sớm. Vì vậy chúng chỉ tập trung chất dinh dưỡng để phát triển đôi càng mà không tăng trọng lượng cơ thể. TCX chuyển sang càng xào sớm vì một số nguyên nhân:
- Chất lượng con giống: Hầu hết các trại giống TCX hiện nay đều sử dụng nguồn bố mẹ thu gom được từ các ao nuôi tại địa phương. Vì vậy, sau nhiều năm sản xuất, chất lượng con giống ngày càng thoái hóa do đàn tôm bố mẹ bị cận huyết. Tôm giống được sản xuất từ những đàn bố mẹ này sẽ có trọng lượng trung bình ngày càng nhỏ và thành thục rất sớm. Đối với tôm cái sẽ mang trứng sớm vào giai đoạn 2 - 2,5 tháng, tôm đực chuyển sang càng xào vào giai đoạn khoảng 3,5 - 4 tháng sau khi thả nuôi.
- Mật độ nuôi dày: Theo khuyến cáo, người dân chỉ nên thả nuôi tôm càng xanh trong ao với mật độ từ 5 - 7 con/m2. Tuy nhiên, hiện nay đa phần người dân thả nuôi với mật độ từ 12 - 15 con/m2 và không sử dụng giá thể treo trong ao. Với mật độ như vậy, tần suất gặp nhau giữa các cá thể tôm đực là thường xuyên, vì vậy để cạnh tranh thức ăn cũng như cạnh tranh để giao vĩ với con cái sẽ làm cho tôm đực buộc phải phát triển đôi càng to, khỏe. Những con đực có càng to, dài, khỏe sẽ có ưu thế hơn trong việc tranh giành thức ăn và giao vĩ, tuy nhiên cũng vì tập trung để phát triển đôi càng mà trọng lượng cơ thể của chúng không tăng thêm nữa.
- Thức ăn: Theo nghiên cứu cho thấy, TCX nếu được cho ăn với khẩu phần có bổ sung một số loại thức ăn tươi sống sẽ lớn nhanh và chậm thành thục hơn so với tôm được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Hiện nay, đa phần các hộ nuôi TCX đều không sử dụng thức ăn tươi sống do khó quản lý chất lượng nước trong ao, bên cạnh đó nguồn thức ăn tươi sống như: cá tạp, ốc…cũng ngày càng khan hiếm và giá cao. Vì vậy, việc cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp cũng làm cho tôm nuôi thành thục sớm hơn, tôm đực sẽ chuyển sang càng xào để chuẩn bị cho quá trình sinh sản.
- Nhiệt độ: Đối với các mô hình nuôi tôm mùa lũ, hầu hết đều tận dụng nuôi tôm trên các ruộng lúa sau khi đã thu hoạch. Các ao nuôi có bờ ao thấp, mực nước trung bình trong ao khi chưa có lũ khoảng 0,8 - 1m. Với mực nước thấp và thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm nhiệt độ nước trong ao tăng đáng kể. Khi nhiệt độ cao trên 280C và kéo dài liên tục thì quá trình trao đổi chất của tôm tăng và thành thục cũng sớm hơn. Vì vậy, nhiệt độ cao cũng góp phần làm cho tôm đực sớm chuyển sang càng xào hơn.
- Chất lượng nước ao nuôi: Nếu ao nuôi không được thay nước thường xuyên, hàm lượng khí độc cao, hàm lượng ôxy hòa tan thấp thì tôm nuôi sẽ bỏ ăn, tăng trọng kém do không lột xác được. Đối với tôm đực, nếu trong giai đoạn chuẩn bị thành thục mà không lột xác được, kết hợp với nền đáy ao dơ, có nhiều chất hữu cơ sẽ làm tôm bị bệnh đóng rong. Những con tôm này sẽ bỏ ăn, toàn thân có màu đen và ngày càng giảm trọng lượng.
Khắc phục
- Nên chọn mua con giống tại các cơ sở uy tín và có kinh nghiệm. Đặc biệt cần quan tâm chất lượng đàn bố mẹ, nên chọn con giống có nguồn gốc từ các đàn bố mẹ đã được gia hóa hoặc mang về từ nhiều nơi trong và ngoài nước. Đảm bảo chắc chắn con giống đã được cải thiện di truyền và đàn bố mẹ không cận huyết.
- Giảm mật độ nuôi ở mức vừa phải. TCX có đôi càng to và dài, rất hung dữ, vì vậy nên thả nuôi với mật độ 5 - 7 con/m2 và phải treo một số giá thể để tôm deo bám và trú ẩn khi lột xác. Như vậy, tôm đực sẽ giảm tần suất gặp nhau và ít tranh giành thức ăn cũng như tranh giành giao vĩ, từ đó chúng sẽ ít tập trung phát triển đôi càng và tăng trọng tốt hơn.
- Cần bổ sung một số loại thức ăn tươi sống như: cá tạp, ốc… từ tháng thứ hai sau khi thả nuôi. Tuy nhiên, cần bổ sung với lượng vừa phải (từ 10 - 20 %/tổng lượng thức ăn) và lưu ý theo dõi diễn biến chất lượng nước trong ao vì nếu thức ăn không sử dụng hết sẽ bị phân hủy làm chất lượng nước bị ô nhiễm.
- Thiết kế ao nuôi với bờ ao cao và chắc chắn, mực nước trong ao phải giữ được tối thiểu 1,5 m. Như vậy nhiệt độ sẽ ít dao động và được giữ ở mức phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Tôm nuôi sẽ chậm thành thục hơn và tôm đực sẽ chậm chuyển sang càng xào.
- Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước ao nuôi như: pH, DO, NH3, H2S, độ kiềm… nhằm đảm bảo các chỉ tiêu đều thích hợp cho tôm. Thay nước thường xuyên để kích thích tôm lột xác và hạn chế bệnh đóng rong.
Tags: tom cang xao, nuoi tom, nuoi trong thuy san
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ