Mô hình kinh tế Hàng ngoại đổ bộ vào thị trường Việt

Hàng ngoại đổ bộ vào thị trường Việt

Ngày đăng 27/10/2015

Từ đầu năm 2015, các cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với hàng ngàn mặt hàng không phải chịu thuế nhập khẩu, hàng hóa các nước trong khối AESAN đã “đổ bộ” vào thị trường trong nước.

Thậm chí, một vài mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN hiện chiếm lĩnh phần lớn thị trường.

Tại Bình Định, không kể siêu thị Metro Cash&Carry đã nằm gọn trong tay của đại gia Thái Lan, hiện các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng và chợ cũng đang chứng kiến sự gia tăng mạnh của hàng ngoại nhập.

Hàng nào cũng có

Khảo sát tại một siêu thị ở TP Quy Nhơn, hàng ngoại nhập gần như có mặt ở rất nhiều ngành hàng tiêu dùng.

Đối với mặt hàng kem đánh răng, ngoài thương hiệu PS do Công ty Unilever Việt Nam sản xuất, siêu thị này bày bán toàn bộ hàng nhập ngoại với các thương hiệu: Dr Kool, Mom’s Gift, Kiz Care (Hàn Quốc), Raiya (Malaysia), Sensodyne (Thái Lan)…

Mỗi thương hiệu kem đánh răng nhập ngoại, nhất là loại dành cho trẻ em, lại có rất nhiều hương vị trái cây khác nhau để người tiêu dùng (NTD) lựa chọn, trong khi sản phẩm Việt Nam bày bán tại đây chỉ có hương dâu.

Ở quầy hàng nước giải khát không có gas, chỉ riêng với nước ép trái cây đã có khá nhiều cái tên nhập từ các nước, như: Refresh (Thái Lan), Hydro Coco (Indonesia), Yeo’s (Malaysia)…

Trong bối cảnh dỡ bỏ hàng rào thuế quan, thị trường bán lẻ Việt Nam diễn ra cạnh tranh khốc liệt giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu. 

Tại các cửa hàng, với các mặt hàng sữa, ngoài những thương hiệu nổi tiếng đã “bám rễ” thì mặt hàng sữa các loại đến từ Thái Lan, Malaysia cũng đã dần được NTD để ý.

Ngay đến bánh kẹo, đồ ăn vặt có xuất xứ Thái Lan, Indonesia… cũng tràn ngập thị trường.

Không chỉ có mặt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, đầu năm nay, người dân Quy Nhơn chứng kiến sự mở rộng của hàng ngoại nhập khi có hẳn một shop  chuyên hàng Thái Lan được mở trên đường Lê Hồng Phong.

Trước đó ít lâu, đã xuất hiện một cửa hàng Thái Lan trên đường Trần Hưng Đạo.

Các cửa hàng này bán không thiếu mặt hàng nào, từ giày dép, quần áo, sữa tắm, dầu gội đầu, bánh kẹo, nước tẩy, đồ gia dụng, dao kéo, cho đến những vật dụng nhỏ như giấy vệ sinh, gia vị, chén đũa…

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nước khoáng Quy Nhơn, cho biết khi thuế suất bằng 0%, hàng tiêu dùng các nước ồ ạt vào Việt Nam, trong đó có ngành nước giải khát, thì sự cạnh tranh càng khốc liệt.

Hiện nay, ngành nước giải khát, theo lộ trình đã có một số nguyên vật liệu thuế suất nhập về bằng 0%.

Tuy nhiên, với một số nguyên vật liệu đã giảm thuế thì giá thành cũng không giảm bao nhiêu.

Trong khi đó, hàng thành phẩm của các nước nếu nhập vào với thuế suất 0% thì họ có lợi rất nhiều.

Sản phẩm trong nước khó cạnh tranh, vì DN trong nước đang chịu các chi phí khác rất nhiều như vận chuyển, thuế…

Cạnh tranh về giá và chất lượng

Thật ra, cuộc cạnh tranh giữa hàng trong nước và hàng ngoại nhập vẫn diễn ra, nhưng năm 2015 được xem là năm bản lề cho việc mở toang cánh cửa thị trường cạnh tranh, không chỉ từ nội khối ASEAN.

Đây là cơ hội để NTD Việt có thêm sự lựa chọn.

Nhân viên phụ trách ngành hàng thực phẩm và bánh kẹo của một siêu thị tại Quy Nhơn, cho biết: “Hàng hóa nhất là hàng tiêu dùng của các nước ASEAN ngày càng nhiều.

Giá cả từ hợp lý đến khá cao, nhưng nhiều mặt hàng dùng qua chất lượng không hơn gì so với những mặt hàng khác… Cái họ hơn chúng ta là bao bì đẹp với thông tin rõ ràng, nhiều kích cỡ nhằm cạnh tranh ở nhiều phân khúc giá”.

Thực tế cho thấy, DN trong nước không chỉ đối mặt với vấn đề thiếu vốn đầu tư mà còn do mẫu mã, thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức.

Đây là nguyên nhân khiến hàng Việt dễ bị thua ngay trên sân nhà.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ điện tử Việt Nhật, cho rằng, nhìn chung chất lượng sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất không thua kém hàng nhập từ các nước ASEAN, nhất là các sản phẩm gia dụng, thực phẩm công nghệ, điện máy và điện lạnh…

Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự là niềm tin của NTD, DN sản xuất phải quan tâm hơn nữa đến giá cả, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Theo ông Tài, dù hàng điện máy trong nước vẫn chiếm thị phần lớn, nhưng trên thực tế chỉ cạnh tranh về giá, nên chỉ phát triển được ở phân khúc thấp.

Trong khi đó, với hàng nước ngoài, họ có chiến lược cạnh tranh hẳn hoi từ giá cả, chất lượng, đến mẫu mã.

“Bây giờ, khách vào trung tâm điện máy, điều đầu tiên họ quan tâm là hàng có gốc gác từ Nhật Bản, rồi sau đó là Thái Lan, Malaysia, rồi mới đến hàng Việt Nam.

Đồng tiền phải đi liền chất lượng, chứ giá cạnh tranh mà chất lượng thấp thì sản phẩm trong nước cũng không trụ nổi” - ông Tài nhấn mạnh.         


Có thể bạn quan tâm

vfa-muon-them-giong-japonica-vao-thuong-hieu-gao-viet VFA muốn thêm giống Japonica… mo-huong-cho-nghe-muoi Mở hướng cho nghề muối