Hàng trăm ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá
Hàng trăm ha mía nhiễm bệnh
Ia Pa hiện là nơi có diện tích mía bị nhiễm bệnh lớn nhất so với các địa phương khác trong khu vực. Theo thống kê của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, trong tháng 4, toàn huyện có khoảng 17 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá với tỷ lệ hại 5 - 20% ở các xã Pờ Tó, Chư Răng, Kim Tân, Ia Ma Rơn. Đến tháng 5, diện tích mía bị nhiễm bệnh lên đến 117,9 ha, trong đó, diện tích mía lưu gốc là 70,2 ha với tỷ lệ hại 2 - 25%. Đầu tháng 6, diện tích mía nhiễm bệnh lên tới 325 ha với tỷ lệ hại 1 - 25% (trong đó diện tích mía lưu gốc chiếm 250,4 ha); cá biệt có diện tích nhiễm bệnh tỷ lệ hại 30 - 95% tại 4 xã là Pờ Tó, Kim Tân, Ia Ma Rơn và Ia Kdăm). Tính đến ngày 22-6, diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá tiếp tục tăng lên gần gấp đôi với tổng diện tích 615,6 ha, tỷ lệ hại 1 - 30%; hại cục bộ 60 - 95%.
Với tổng diện tích mía dao động trong khoảng 800 ha, Ayun Pa không phải là địa phương có diện tích mía lớn, song tại đây mía cũng bị nhiễm bệnh. Theo ông Mai Thế Phụng-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa, trên địa bàn có khoảng 8,57 ha mía bị nhiễm bệnh với tỷ lệ 1 - 10%. Còn tại huyện Phú Thiện, theo thống kê của ngành chức năng, toàn huyện cũng đã có 53,2 ha mía bị bệnh với tỷ lệ hại từ 3% đến 10%. Niên vụ mía 2014 tại Phú Thiện mới xuất hiện loại bệnh này. Ngay trong năm đầu tiên phát hiện dịch bệnh, Phú Thiện là địa phương có diện tích mía bị bệnh trắng lá đứng thứ hai toàn tỉnh, chỉ sau Ia Pa.
Nguyên nhân do đâu?
Bệnh trắng lá mía xuất hiện tại các khu vực khác trong cả nước vào năm 1996 ở các tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, Bình Thuận… Tại các huyện phía Đông Nam tỉnh, bệnh này xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây. Theo ông Mai Thế Phụng, vụ mía 2014, thị xã có khoảng 45 ha mía bị nhiễm bệnh và đã xử lý triệt để. “Khi bị nhiễm bệnh, cây mía sẽ không phát triển được. Điều nguy hiểm là tốc độ lây lan bệnh rất nhanh và khó nhất là hiện nay chưa tìm ra thuốc đặc trị. Khi mía bị nhiễm bệnh, bà con chỉ còn cách nhổ bỏ, đốt xử lý và chuyển qua canh tác cây trồng khác 1 - 2 năm, sau đó mới trồng mía lại”-ông Phụng cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, vụ mía năm 2014, huyện phát hiện 1,5 ha mía đầu tiên bị nhiễm bệnh tại thôn Bi Dông, xã Pờ Tó. Vụ mía năm 2015, con số này đã lên đến 879,8 ha với tỷ lệ hại 5 - 30%, cục bộ một số diện tích có tỷ lệ hại 60 - 70%. Vụ mía 2015 - 2016 vừa mới bắt đầu nhưng đã có đến 615,6 ha mía bị bệnh. “Thời tiết năm nay mưa nắng thất thường tiềm ẩn nguy cơ, khiến bệnh bùng phát mạnh hơn”-bà Hường nhấn mạnh.
Theo bà Hường, bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn Phytoplasma gây ra và chưa có thuốc đặc trị. “Với những diện tích nhiễm bệnh dưới 20%, chúng tôi khuyên bà con nên cuốc bỏ, sau đó rắc vôi bột vào hốc, phần cây nhiễm bệnh thu gom để tiêu hủy, tránh để lây lan. Nếu diện tích bị nhiễm bệnh trên 30%, bà con phải phá bỏ hoàn toàn và xử lý triệt để”-bà Hường cho biết.
Cũng theo bà Hường, ngoài những yếu tố như thời tiết gây bất lợi, canh tác lâu năm dẫn đến thoái hóa giống… thì nguyên nhân khiến dịch bệnh xuất hiện có thể còn do nguồn giống mía nhập về từ các khu vực đã nhiễm bệnh. “Nhiều khi giống do các đơn vị nhập về phân phối cho nhân dân không qua kiểm dịch của địa phương. Đây chính là nguyên nhân mía giống nhiễm bệnh gây hại nhiều diện tích mía. Trong buổi làm việc với Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai mới đây, chúng tôi đề nghị Công ty cần tăng cường phối hợp với chính quyền và ngành chức năng địa phương trong việc kiểm soát chất lượng nguồn giống”-bà Hường nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ