Mô hình kinh tế Heo VietGAP, nguồn cung ứng hạn chế

Heo VietGAP, nguồn cung ứng hạn chế

Ngày đăng 15/10/2015

Tuy nhiên, kênh tiêu thụ này đang gặp khó vì người chăn nuôi không chấp nhận bán thịt bằng giá thịt heo bình thường trong khi người bán hàng lại không thể nâng giá bán.

Sau gần một tuần triển khai, sản phẩm đã nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng đón nhận với số lượng thịt tiêu thụ đạt gần 400kg/ngày, tăng gấp bốn lần so với ngày đầu.

Tuy nhiên, việc thu mua heo VietGAP từ nguồn cung là các hộ chăn nuôi ở huyện Củ Chi (TPHCM) hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Sau vài ngày cung cấp heo cho Công ty TNHH An Hạ (đơn vị bao tiêu và phân phối heo VietGAP tại TP.HCM), nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Củ Chi đã ngưng bán và yêu cầu doanh nghiệp này phải tăng giá mua heo sạch, có chứng nhận của VietGAP.

Nhiều hộ cho rằng, mức giá mua heo VietGAP ngang bằng với heo thường của công ty An Hạ hiện nay là không hợp lý.

Theo họ, để loại heo này đạt đủ tiêu chí an toàn trước khi xuất chuồng, người nuôi phải tốn nhiều công sức đầu tư hơn so với cách chăn nuôi truyền thống.

Ông Năm Khúc, một hộ chăn nuôi ở xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi), giải thích: “Tiêu chuẩn đầu ra của heo VietGAP rất khắt khe.

Chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong lúc nuôi cũng đủ khiến heo mình bị loại.

Mức giá mua 4,1- 4,25 triệu đồng/tạ như hiện nay chỉ giúp chúng tôi huề vốn.”

Các hộ chăn nuôi cũng cho hay, nếu không có sự hỗ trợ của dự án Lifsap (Chương trình Cạnh tranh nông nghiệp và an toàn thực phẩm do Ngân hàng Thế giới tài trợ), chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa với mức giá đó. 

Giải thích vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, cho biết hiện giá thịt heo VietGAP được công ty đưa ra thị trường cũng chỉ bằng giá heo thường, do đó việc công ty thu mua heo VietGAP của nông dân bằng giá heo thường là hợp lý.

Chưa kể, heo VietGAP có mỡ dày và nhiều hơn so với heo nuôi theo cách phổ thông nên thành phẩm thịt nạc công ty thu được sau khi chế biến giảm đi đáng kể.

“Hiện tại, ngay chính chúng tôi cũng phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để bước đầu định vị heo VietGAP trên thị trường.

Thời gian tới, khi người tiêu dùng đã quen với loại thịt này, công ty sẽ tăng giá bán, từ đó nâng giá thu mua lên cho người chăn nuôi,” bà Thắm khẳng định.

Việc các hộ chăn nuôi ngưng cung cấp heo sạch khiến công ty An Hạ gặp không ít khó khăn khi lượng tiêu thụ ngày một tăng.

Công ty này cũng chưa dám kí hợp đồng cung cấp heo VietGAP cho một số bếp ăn trường học và các quầy bán sỉ ở chợ vì lo không đảm bảo nguồn cung.

Bên cạnh bất đồng về giá thu mua giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi khiến nguồn cung không đảm bảo, báo cáo kết quả thực hiện dự án Lifsap TPHCM vào ngày 8-10 vừa qua của Ban quản lý dự án và Sở Nông nghiệp và PTNT TPHCM cũng cho thấy, các hộ chăn nuôi heo sạch hiện nay chỉ mới ở quy mô nhỏ (mỗi hộ 20-30 con), số lượng heo cung cấp ra thị trường không nhiều và không liên tục.

Vì vậy, thời gian đầu, nguồn cung ứng heo VietGAP sẽ gặp nhiều hạn chế.


Có thể bạn quan tâm

nong-san-viet-nam-de-bi-choi-xau Nông sản Việt Nam dễ… nong-dan-viet-nam-xuat-sac-nam-2015-phan-kiem-hiep-lao-nong-duoc-nhan-huan-chuong Nông dân Việt Nam xuất…