Tôm thẻ chân trắng Hiệu quả của quy trình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học

Hiệu quả của quy trình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học

Ngày đăng 14/03/2015

Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã đầu tư nghiên cứu, áp dụng vào thực tế sản xuất quy trình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, nội dung: Quy trình nuôi hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh, sử dụng phân trùn để gây màu nước, ổn định tảo, chế phẩm sinh học E.M để làm sạch môi trường, cho thủy sản nuôi ăn thức ăn bổ sung E.M Trùn để tăng sức đề kháng, phòng trừ bệnh hại.

Vi sinh vật hữu hiệu E.M (Effective Microorganisms) do Giáo sư Tiến sĩ người Nhật Teruo Higa phát minh vào đầu những năm 1980, là một tập hợp các loài vi sinh vật có ích ( vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn Lactic, nấm men, xạ khuẩn, nấm sợi... ) sống cộng sinh trong cùng một môi trường, có thể sử dụng chúng như một chất nhằm tăng cường tính đa dạng vi sinh vật đất, nước, bổ sung các vi sinh vật có ích vào môi trường tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm do các vi sinh vật có hại gây ra.

Hiện nay, E.M đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu sử dụng như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ, tổ chức nghiên cứu E.M Châu Âu.

Để phát huy tác dụng của E.M, quy trình nuôi gây màu nước bằng phân trùn để ổn định tảo, tạo nhiều thức ăn tự nhiên cho tôm trong giai đoạn đầu mới thả. Khi tôm 1 tháng tuổi, định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần, buổi sáng lúc có nắng dùng E.M thứ cấp tạt đều vào ao nuôi, liều lượng 2 lít/1.000m3 để duy trì tảo ở mức độ hợp lý, không quá dày, không mất tảo, giữ ổn định hệ sinh thái ao nuôi, bổ sung vi khuẩn có lợi, hạn chế sự phát triển của các virus, vi khuẩn gây bệnh cho tôm nuôi, cho ăn thức ăn bổ sung E.M Trùn ngày 1 – 2 lần vào bữa ăn chính nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, phòng trừ bệnh hại, liều lượng và cách làm: Dùng 1 kg dịch trùn + 2 – 3 lít E.M thứ cấp trộn đều với 50 – 60 kg thức ăn để 20 – 30 phút cho khô sau đó cho tôm ăn.

Mục đích: Khi cho E.M vào ao nuôi, do có sẵn lượng vi khuẩn có lợi của phân trùn, dịch trùn: Vi khuẩn cố định đạm, nitơ hóa, biến đổi lân, Bacillus spp..., E.M sẽ làm tăng hoạt tính của các vi khuẩn này lên nhiều lần, khống chế sự phát triển của các virus, vi khuẩn gây bệnh cho tôm nuôi, khử mùi hôi tầng đáy, các khí độc NH3, H2S ... luôn ở mức thấp, môi trường ao nuôi trong sạch, tôm khỏe mạnh, ăn nhanh hết thức ăn, chóng lớn, hiệu quả.

Đến nay, tuy vùng nuôi tôm bị bệnh dịch, nhưng 100% các ao thực hiện quy trình đều đạt hiệu quả cao, tôm nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt, kết quả của một số hộ tiêu biểu như sau:

Hộ Ông Bà Trần Văn Tĩnh, nuôi tôm chân trắng trên diện tích 6.000 m2 tại thôn Đồng Bé xã Hòa Tâm huyện Đông Hòa, lãi được 200 triệu đồng sau vụ nuôi (số lượng giống thả 1.200.000 con, đạt sản lượng 14,50 tấn, cỡ tôm 80 con/kg, tỉ lệ sống 96,7 %, giá bán 57.000 đồng/kg, doanh thu 826,5 triệu đồng).

Hộ Ông Bà Nguyễn Trung San, nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, ao nuôi có diện tích 3.600 m2, lãi được 105 triệu đồng sau 3 tháng 3 ngày nuôi (sản lượng 6,70 tấn, cỡ tôm 70 con/kg, tỉ lệ sống 93,8 %, giá bán 57.000 đồng/kg, doanh thu 381,9 triệu đồng).

Trước kết quả đạt được, ông Trần Văn Tĩnh cho biết: Thực hiện quy trình nhận thấy tảo ổn định, tôm khỏe mạnh, nhanh lớn, hiệu quả, đã làm gia đình an tâm, tin tưởng vào hiệu quả của quá trình đầu tư thực hiện quy trình này so với các đầu tư sản xuất kinh doanh khác.

Ông Nguyễn Trung San người thành công trong nghề nuôi tôm nhiều năm liền nhận định: Bệnh dịch trên tôm nuôi hiện nay có nguyên nhân chính là môi trường mà nó đang sinh sống, việc phòng trị bằng hóa chất sẽ không hiệu quả mà việc gìn giữ môi trường ao nuôi cho trong sạch mới là biện pháp hàng đầu để nuôi tôm ổn định, hiệu quả. E.M Trùn chính là công nghệ tốt nhất để giải quyết yêu cầu này trong giai đoạn hiện nay, vì khi môi trường ao nuôi trong sạch, tôm rất khó bị nhiễm bệnh, khó bộc phát bệnh ngay cả trường hợp có mầm bệnh trong mô cơ của tôm nuôi.

Qua nhiều năm tổ chức thực hiện quy trình chúng tôi nhận thấy: Quy trình có tác dụng làm môi trường ao nuôi trong sạch, tạo ra được các vi khuẩn có lợi sống cộng sinh với nhau, ngăn chặn, khống chế sự phát triển của các virus, vi khuẩn gây bệnh cho tôm nuôi.

Nếu 100% các ao nuôi trong vùng đều thực hiện quy trình sẽ làm môi trường vùng nuôi trong sạch, quá trình nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển, hiệu qủa, bền vững, đáp ứng được mong muốn từ nghìn đời nay của bà con.

Tags: che pham sinh hoc, nuoi tom, tom the, tom hum, tom cang xanh


Có thể bạn quan tâm

dau-hieu-nhan-biet-benh-cua-tom Dấu hiệu nhận biết bệnh… tang-cuong-phong-ngua-dich-benh-tom-nuoi Tăng cường phòng ngừa dịch…