Mô hình kinh tế Hiệu quả kép với mô hình trồng xen canh

Hiệu quả kép với mô hình trồng xen canh

Tác giả Long An, ngày đăng 25/03/2017

Phương pháp này không chỉ giúp hạn chế thiệt hại cho cây trồng do thời tiết xấu mà còn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.

Trong ảnh: Trồng xen canh cà phê với sầu riêng vừa giúp hạn chế thiệt hại do thời tiết, vừa mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Ảnh: Hoinongdancaphevietnam.

Đăk Lăk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của nước ta; tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến giá trị và năng suất của cây trồng đi xuống. Thời tiết khắc nghiệt; nắng nóng, hanh khô làm cà phê dễ chết héo. Bên cạnh đó, phần lớn các đồn điền cà phê ở Đăk Lăk đều được trồng lâu năm, già cỗi dẫn đến năng suất thấp; giá cà phê lại biến động liên tục… Điều này khiến thu nhập của người trồng rơi vào thế bấp bênh.

Trước thách thức đặt ra, chính quyền tỉnh Đăk Lăk đã tìm hướng tháo gỡ bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân. Cụ thể, ngành nông nghiệp các cấp có nhiệm vụ tư vấn cho người trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Trong khi đó, phòng nông nghiệp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đi tham quan mô hình tiên tiến, hiệu quả tại các địa phương khác. Song song với đó, chính quyền sẽ hỗ trợ người dân cây giống, vật tư sản xuất, khoa học kỹ thuật từ nguồn ngân sách và chương trình mục tiêu quốc gia. Do dân cư ở đây chủ yếu là người đồng bào, phương thức canh tác còn truyền thống nên chính quyền xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Trước sự vận động tích cực từ các cấp, nhiều hộ dân trong vùng mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, đa dạng hóa cây trồng để tăng năng suất và giá trị kinh tế. Nhờ đó, nhiều mô hình xen canh của các hộ đã đạt được thành công nhất định. Tiêu biểu có anh Phạm Văn Bình ở thôn Tân Lập, xã Ea Kpam, huyện Cư M'Gar.

Trước đây, gia đình anh có 5 sào cà phê, thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng một năm. Mỗi khi đến mùa khô, diện tích cà phê lại bị chết nhiều, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ. Từ khi được tập huấn về mô hình trồng xen canh, anh đã mạnh dạn mua 70 cây bơ Booth để trồng xen trong vườn cà phê. Nhờ cây bơ mà độ ẩm của đất tăng lên, khi cây lớn, tạo bóng mát che phủ cho cây cà phê bên dưới, giúp giảm diện tích cây chết héo vì nắng. Nhờ vậy, năng suất cà phê của gia đình cũng ổn định hơn. Bên cạnh đó, sau 5 năm, cây bơ còn cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ, năng suất mỗi vụ đạt 3-4 tấn. Hàng năm, gia đình anh Bình có thêm thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ cây bơ. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập hàng năm của anh đạt 300 triệu đồng.

Cũng như gia đình anh Bình, chị Phạm Thị Xanh ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk có 1,5 ha cà phê trồng xen với 160 cây sầu riêng. Sau 8 năm chăm sóc, sầu riêng mang lại cho chị thu nhập gần 320 triệu đồng bên cạnh khoản tiền 120 triệu đồng từ cà phê. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình chị lãi gần 400 triệu đồng mỗi năm.

Như vậy, với một số loại cây, mô hình xen canh đem lại thu nhập và sản lượng tốt hơn. Đây cũng là tiền đề để bà con tiếp tục nhân rộng phương pháp canh tác, đảm bảo cuộc sống cho gia đình và góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp chung.


Có thể bạn quan tâm

8x-tro-thanh-trieu-phu-nho-trong-nam-linh-chi-do 8X trở thành triệu phú… trong-dua-tren-dat-phen-thu-hang-tram-trieu-dong-moi-nam Trồng dứa trên đất phèn…