Hiệu Quả Kinh Tế Cao Từ Trang Trại Thả Cá Kết Hợp Nuôi Vịt
Về xã Lão Hộ trong một chiều mưa xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi khác của khung cảnh làng xóm nơi đây. Con đường làng đất đỏ chạy dài xưa kia nay đã được bê tông hoá hoàn toàn, xung quanh là những toà nhà cao tầng khang trang.
Trò chuyện với nhiều người dân trong thôn, chúng tôi lại càng hiểu rõ hơn về lí do của sự đổi mới. Đó là bắt đầu từ những năm 2006, khi Huyện uỷ Yên Dũng thực hiện chương trình “Xây dựng nông thôn mới”. Là một trong nhiều xã khó khăn của huyện, Lão Hộ được chọn làm nơi triển khai chương trình đầu tiên. Xác định phát triển kinh tế trang trại là hướng đi đúng đắn, là nhiệm vụ trọng tâm và thiết yếu của chương trình, lãnh đạo xã đã chỉ đạo bà con chuyển đổi một phần lớn diện tích ngập trũng để quy hoạch thành vùng phát triển kinh tế tập trung. Một trong những người tiên phong trong công cuộc khai phá đó là anh Nguyễn Khắc Luyện ở thôn Liên Sơn, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
Được biết, anh có ý định phát triển trang trại chăn nuôi cách đây hàng chục năm về trước. Nhưng khi ấy, anh vướng phải khó khăn về vốn. Với khát vọng làm giàu, hết 2 năm thời hạn nghĩa vụ quân sự, anh lên đuờng đi xuất khẩu lao động tại Malaixia 3 năm liền. Trở về với ít vốn trong tay, anh Luyện nghĩ đến việc cải tạo khu hoang hoá ngay gần nhà. Thế rồi anh tìm đến hai chú của mình và cùng hùn vốn mua 3 ha khu đất vốn bỏ hoang từ lâu để cải tạo thành trang trại chăn nuôi.
Những tháng ngày khó khăn nhất đã đến với anh. Anh phải thuê tới chục người công nhân lao động ngày đêm đào đất, đắp đập, khoanh vùng. Tiền vốn ít, vợ chồng anh phải sắn tay vào làm cùng công nhân. Dần dần mảnh đất bỏ hoang ấy đã trở thành những ao chuông rộng lớn, khang trang. Hai năm đầu, anh mua hơn 1 tấn cá các loại về thả chung với hai chú. Thấy hiệu quả, hơn nữa vợ chồng anh lại muốn tận dụng thêm nguồn thức ăn cho cá bằng cách kết hợp nuôi vịt đẻ nên năm đầu 2009, anh quyết định tách riêng ra một khu. Hiện nay trang trại của anh thuộc thôn Thượng Tùng, ngay cạnh thôn Liên Sơn.
Trên diện tích mặt ao gần 1 ha, anh Luyện nuôi thả khoảng gần 10 tấn cá các loại trắm đen, chép, rô phi đơn tính, trôi và 5000 con vịt thương phẩm, 500 con vịt đẻ nuôi kết hợp. Anh đã phải đầu tư khoảng 500 triệu đồng để tu bổ và khoanh vùng lại trang trại của mình. Bên cạnh tiền vốn anh bỏ ra, anh Luyện còn phải tự mình tìm đến các mô hình chất lượng học tập kinh nghiệm cũng như kĩ thuật nuôi thả của chủ trại.
Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức, tìm đến cán bộ khuyến nông để trau dồi kiến thức. Nhờ sự cố gắng ấy mà đến nay anh Luyện đã nắm chắc kĩ thuật nuôi thả cá cũng như cách vệ sinh ao thả theo định kì. Lợi thế gần con sông Lục Nam chảy qua nên cứ 3 tháng là anh lại thay nước 1 lần, phun thuốc và tiêm phòng vacxin dịch tả, dịch cúm liên tục. Do vậy, đàn vịt của anh tỉ lệ đẻ trứng đạt 80% - 90%, cá trong ao sinh trưởng phát triển bình thường.
Tâm sự với chúng tôi, anh Luyện nói: “Đầu năm tôi vừa thu hoạch gần 3 tấn cá, bán cũng được giá nhưng vì mới cải tạo lại ao chuông nên tính ra thu cũng chưa được là bao. Tuy nhiên tôi phải khẳng định rằng, đầu tư vào phát triển trang trại nuôi kết hợp này là có hiệu quả kinh tế cao”. Sắp tới anh dự định chuyển 5 con lợn nái hiện đang nuôi trong đất nhà ra đây để tận dụng thêm nguồn thức ăn cho cá, hạn chế chi phí và tăng thu nhập cho gia đình. Anh cũng cho biết thêm, trang trại này mình anh trông nom, vợ anh phụ trách quán ăn ở tại nhà. Ngắm nhìn cơ ngơi trang trại thả cá kết hợp nuôi vịt của anh, chúng tôi càng thấu hiểu ý chí quyết tâm vươn lên của anh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ