Mô hình kinh tế Hiệu Quả Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp

Hiệu Quả Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp

Ngày đăng 22/11/2013

Để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, thoát khỏi sự gò bó, hạn hẹp của kinh tế hộ nhỏ lẻ, hình thành mô hình sản xuất theo hướng trang trại, vận hành theo cơ chế thị trường. Kinh tế trang trại thực chất là doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói, kinh tế trang trại ở tỉnh ta hiện phát triển khá mạnh, tăng nhanh về số lượng, với đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất trên các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp, như trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trang trại thuỷ sản, lâm nghiệp, trang trại theo mô hình VAC.

Một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu là trang trại chăn nuôi kết hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Đào ở thôn Cầu Thầy, xã An Thượng, huyện Yên Thế được rất nhiều biết đến. Đứng trước trang trại của gia đình chị chúng tôi không khỏi bất ngờ, chị đã áp dụng thành công mô hình này hơn 8 năm qua. Chị cho biết: “Mô hình chăn nuôi của gia đình mình hiện có gần 1.000 con gà, 50 con lợn và 8 sào ao nuôi thả cá. Do đã có nhiều năm kinh nghiệm nên tình hình sản xuất chăn nuôi của gia đình chị Đào luôn ổn định và cho hiệu quả khá. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng”. Có được thu nhập ổn định, tích cực như vậy, theo chị Đào là do bản thân chị cùng gia đình đã nhận thức và lựa chọn hướng đi hợp lý đầu tư cho phát triển chăn nuôi kết hợp, tập trung và lấy ngắn nuôi dài.

Được biết, thời gian đầu gây dựng gia đình chị đã gặp không ít khó khăn: Không kinh nghiệm, không hiểu biết, ít vốn, ít các mối quan hệ... Tất cả đều phải tự học, tự làm. Nhờ lòng quyết tâm và ước mơ làm giàu cùng sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và chính quyền địa phương mà những khó khăn ban đầu nhanh chóng qua đi. Qua nhiều năm thực hiện mô chăn nuôi kết hợp thành công, chị đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tế, nhất là khâu lựạ chọn con giống và vệ sinh chuồng trại. Trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, chị Đào cho biết: “Để thực hiện mô chăn nuôi kết hợp thành công người dân phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật vào trong sản xuất, xử lý kịp thời có hiệu quả các tình huống bất lợi có thể xảy ra. Ngoài ra, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ quá trình sản xuất cũng là yếu tố quyết định thành công của mô hình”. Đối với nuôi lợn, chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố lợp bằng mái lá hoặc ngói, cao 3 – 4 m, thoáng mát, nhận được ánh nắng buổi sáng, tránh nóng bức về buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp về mùa đông, mùa hè mát mẻ.

Trong suốt quá trình nuôi thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý, giai đoạn còn nhỏ cần chế độ cho ăn đặc biệt, thực hiện chế độ tiêm phòng đầy đủ... để lợn con khỏe mạnh, lớn nhanh đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm. Nuôi với hình thức trang trại nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với trộn lẫn các loại thức ăn dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết được phép sử dụng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho lợn phát triển. Cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh, tiêu độc, khử trùng một cách định kỳ hoặc đột xuất khi điều kiện môi trường thay đổi đột ngột để tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi. Đối với nuôi cá, chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi với điều kiện tự nhiên, nuôi với hình thức thả ghép nhiều đối tượng (cá trắm cỏ, cá rô phi, cá mè, cá chép…) với mật độ 10 con/m2.

Trong suốt quá trình nuôi cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi. Trước mỗi vụ chị đều cải tạo ao, rắc vôi bột, diệt cá tạp, xử lý, gây màu nước thật kỹ trước khi thả cá; ao nuôi bố trí gần kênh rạch để thuận tiện cho việc thay nước khi cần thiết. Như vậy, yếu tố quyết định thành công của mô hình này là, chị đã vận dụng sáng tạo tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất thực tế để bố trí các đối tượng nuôi hợp lý, đầu tư hệ thống tiêu độc khử trùng cho chuồng nuôi hoàn chỉnh, quản lý tốt sức khỏe vật nuôi thông qua việc cho ăn đủ về lượng, đảm bảo về chất. Với cách làm hợp lý như trên chị hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất không cần thiết trong suốt quá trình nuôi nên chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá cao khi xuất bán. Sau 8 năm nỗ lực sản xuất chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Đào đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, đời sống gia đình được cải thiện và nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã. Chị là tấm gương sáng về một người nông dân chịu khó, cần cù và biết phấn đấu vươn lên làm kinh tế giỏi.


Có thể bạn quan tâm

ca-can-hoang-luong Cá - Cần Hoàng Lương doi-doi-sau-3-nam-xay-dung-nong-thon-moi Đổi Đời Sau 3 Năm…