Tin thủy sản Hiệu quả mô hình tôm – lúa ở Cà Mau

Hiệu quả mô hình tôm – lúa ở Cà Mau

Tác giả Ngọc Diệp, ngày đăng 05/12/2024

Bằng ý chí quyết tâm, học hỏi, không ngại khó khăn, ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đã áp dụng thành công mô hình “xen canh lúa – tôm càng xanh, luân canh tôm sú

Không ngại khó

Ông Quốc cho biết, gia đình ông có 1,3 ha đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu canh tác lúa. Năm 2000 khi có chính sách chuyển dịch đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, gia đình ông bắt đầu thực hiện nuôi, chủ yếu theo hình thức quảng canh truyền thống. Tuy nhiên, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, cùng đó là năng suất thấp nên hiệu quả không cao.

Trước khó khăn trên, với tinh thần quyết tâm, học hỏi, ông đã tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, các hội, ban ngành, đoàn thể tổ chức. Ngoài ra, ông Quốc còn học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đúc kết kinh nghiệm từ các chuyến tham quan học tập, lớp tập huấn kỹ thuật đã giúp ông hiểu hơn về mô hình nuôi xen canh lúa – tôm càng xanh, luân canh tôm sú.

Năm 2014, ông bắt đầu chuyển sang nuôi theo mô hình này và đã đem lại hiệu quả năng suất cao, trong đó: Năng suất lúa ST24 đạt 5 tấn/ha, tôm sú 300 – 500 kg/ha, tôm càng xanh 300 – 500 kg/ha. Tổng thu nhập bình quân sau khi trừ các khoản chi phí trong sản xuất, ông thu được trên 180 triệu đồng/năm.

Nắm chắc kỹ thuật

Theo kỹ sư Trần Thanh Hải – Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, để thực hiện hiệu quả mô hình “Xen canh lúa – tôm càng xanh, luân canh tôm sú” thì người nuôi cần lưu ý, đối với tôm càng xanh nên thả nuôi mật độ từ 2 – 3 con/m2 và được ương trong ao gièo từ 30 – 45 ngày sau đó chuyển sang ruộng lúa; thường xuyên bổ sung phân hữu cơ định kỳ cho vuông nuôi để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Ngoài ra, trong quá trình nuôi khi tôm đạt kích cỡ lớn bổ sung thêm ốc bươu vàng, cá tạp, khoai mì, khoai lan, hoặc ngâm lúa mầm,… để cho tôm ăn và định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học 10 – 15 ngày/lần để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường.

Còn đối với tôm sú, sau khi thu hoạch lúa, tôm càng xanh cần tiến hành cải tạo vuông nuôi triệt để, xử lý gốc rạ, kết hợp bón phân hữu cơ tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm; nên thả nuôi mật độ từ 1 – 2 con/m2, tôm giống kích cỡ lớn từ 2 – 2,5 cm và định kỳ 10 – 15 ngày/lần sử dụng chế phẩm sinh học để làm sạch đáy vuông và phân hữu cơ để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Nhờ áp dụng mô hình “xen canh lúa – tôm càng xanh, luân canh tôm sú” giúp nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình ông Mai Văn Quốc. Ngoài ra, ông Quốc còn kêu gọi bà con xung quanh thành lập hợp tác xã sản xuất tôm lúa, với tên gọi hợp tác xã Quyết Tiến, có 26 thành viên tham gia.Thu nhập bình quân của mỗi thành viên Hợp tác xã trên 100 triệu đồng/năm.

Trung tâm Khuyến nông Cà Mau nhận định, mô hình sản xuất đa canh có nhiều lợi thế hơn so với các mô hình sản xuất độc canh như tận dụng tối đa diện tích canh tác; các đối tượng nuôi, trồng có mối quan hệ hài hòa, hỗ trợ nhau; giảm thiểu chi phí sản xuất; giảm rủi ro; tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường, phù hợp với vùng sản xuất lúa tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau và cần được triển khai nhân rộng trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

ton-tai-va-giai-phap-khac-phuc-tom-giong Tồn tại và giải pháp… xuat-khau-thuy-san-viet-nam-11-thang-dat-9-2-ty-usd Xuất khẩu thủy sản Việt…