Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Chương Trình Trồng Sắn Mới

Hiệu Quả Từ Chương Trình Trồng Sắn Mới

Ngày đăng 14/11/2013

Mía và sắn là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Ngành Nông nghiệp của huyện đang tiến hành đưa các bộ giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt là cây sắn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.

Ông Võ Văn Đông ở xóm Đồng Bò, thôn Phú Xuân A (xã Xuân Phước) thu hoạch đám sắn gần 2 sào cạnh sông Trà Bương rồi thuê xe vận chuyển đến bán cho Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân với giá 2.150 đồng/kg. “Sau khi trừ hết chi phí, tôi thu lãi được 6 triệu đồng. Rút kinh nghiệm mấy năm trước nước lũ ngâm lâu ngày gây nũng thối sắn, năm nay gia đình tôi trồng rải vụ, thu hoạch sớm trước khi mưa lũ lớn đến”, ông Đông nói.

Nhiều người dân ở thị trấn La Hai đã thu hoạch xong số diện tích sắn cạnh sông Kỳ Lộ. Ông Nguyễn Văn Ẩn ở khu phố Long An cho hay: Đây là vùng trũng cạnh sông ngập lụt thường xuyên. Mấy năm trước, người dân trồng sắn tập trung, qua mùa lụt khi thu hoạch nhổ sắn lên toàn rễ, moi chỗ gốc sắn thì củ đã nũng thối.

Theo kinh nghiệm của nhiều người dân, vùng trồng sắn ven sông Kỳ Lộ có đất cát pha nên khi mưa to, cây sắn dễ lỏng gốc, bị ngã đổ. Còn vùng trồng sắn ven sông Trà Bương đất thịt nặng, mưa to ngập úng, cây sắn có hiện tượng rũ lá. Một thời gian sau khi bị ngâm nước, củ sắn nũng thối dưới đất. Mùa mưa lũ các năm 2009 và 2010, ở huyện Đồng Xuân hàng trăm hecta sắn dọc sông Kỳ Lộ, Trà Bương bị nước lũ ngâm nhiều ngày gây nũng thối, nông dân xót xa vì thiệt hại nặng về kinh tế. Sau lũ, ngành Nông nghiệp địa phương vận động người dân cải tạo đất, nhưng vùng đất mới hồi sinh này còn “kén” cây trồng. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.

Mô hình trồng sắn ven sông áp dụng hình thức luân canh, xen canh, tạo khả năng chịu hạn mùa nắng vào chu kỳ canh tác và thời kỳ sinh trưởng phù hợp nhằm tránh bão lụt. Theo mô hình này, thời gian trồng sắn kéo dài 9 tháng, bắt đầu từ tháng 2 và thu hoạch trước tháng 11. Bộ giống sắn trung ngắn ngày được đưa vào trồng gồm: SM937-26, KM 419, KM98-5, KM98-1, KM140, năng suất bình quân 29,4 tấn củ tươi/ha, trong khi đó năng suất sắn trung bình toàn huyện chỉ đạt 15 đến 20 tấn/ha. Từ hiệu quả của mô hình, UBND huyện Đồng Xuân đưa bộ giống ngắn ngày này trồng rải vụ đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, vụ sắn năm nay, nông dân huyện trồng được 4.100ha, riêng khu vực ven sông Kỳ Lộ, Trà Bương có khoảng 200ha. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho hay: Đến mùa mưa lũ, huyện vận động nhân dân thu hoạch sắn tránh ngập úng thiệt hại về kinh tế. Mô hình trồng sắn xen đậu, trồng rải vụ còn cho năng suất cao. Các địa phương vùng trũng thường xuyên bị ngập úng do mưa bão đã nhân rộng mô hình này bước đầu giảm được thiệt hại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

thu-nhap-cao-nho-trong-xen-hoa-mau-trong-vuon-cao-su-non Thu Nhập Cao Nhờ Trồng… chu-y-bo-duc-choi-gay-hai-tren-cay-dieu Chú Ý Bọ Đục Chồi…