Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Theo Chuỗi Ở Xã Nông Trường

Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Theo Chuỗi Ở Xã Nông Trường

Ngày đăng 09/10/2014

Nông Trường là 1 trong 2 xã của huyện Triệu Sơn được chọn tham gia Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm của tỉnh (LIFSAP) từ năm 2011.

Tham gia dự án, các hộ gia đình được quy hoạch chăn nuôi theo vùng, được tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ xây dựng công trình bể bioga. Ngoài ra, địa phương còn được dự án đầu tư hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.

Anh Nguyễn Văn Trọng, nhóm trưởng nhóm chăn nuôi VietGAP thôn 7, xã Nông Trường, cho biết: “Từ khi thiết lập nhóm chăn nuôi VietGAP, dưới sự hỗ trợ của dự án LIFSAP, những hộ chăn nuôi ở xã Nông Trường có thể liên kết với các nhà khoa học, doanh nghiệp để ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn.

Đặc biệt, chúng tôi hỗ trợ nhau về con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi. Việc sản xuất theo nhóm mang lại hiệu quả cao, phần lớn hộ chăn nuôi đều giảm chi phí, tăng thu nhập nhờ sản phẩm chăn nuôi an toàn và bán giá cao hơn 1,5 lần so với sản phẩm chăn nuôi truyền thống.

Nhóm đã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp cung cấp và sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty thuốc thú y cung ứng vật tư thú y; sản phẩm đầu ra bảo đảm an toàn chuyển cho các cơ sở giết mổ nằm trong chuỗi và tiêu thụ sản phẩm tại chợ Nông Trường và là chợ an toàn vệ sinh thực phẩm vừa được Dự án LIFSAP đầu tư, nâng cấp.

Dự án LIFSAP tại xã Nông Trường bước đầu có 128 hộ tham gia và được chia làm 8 nhóm. Các nhóm chăn nuôi áp dụng VietGAP được cung cấp những kiến thức, trang bị các dụng cụ kỹ thuật phục vụ cho chăn nuôi; đồng thời, quản lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi... Sau 3 năm thực hiện, dự án đã phát huy được hiệu quả, năng suất, chất lượng chăn nuôi tăng lên.

Nhiều hộ đã xây dựng được hệ thống chuồng trại khép kín an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. 100% các hộ tham gia nhóm VietGAP được hỗ trợ các đồ dùng như: găng tay, ủng, áo bảo hộ lao động đến thuốc khử trùng chuồng trại, tham gia các lớp tập huấn ngắn và dài hạn về chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào quá trình chăn nuôi, hỗ trợ vốn xây dựng hầm bioga, nâng cấp chuồng trại.

Tại các hộ tham gia Dự án LIFSAP, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi đạt hơn 90% tổng đàn, tỷ lệ gia súc, gia cầm mắc bệnh chỉ còn dưới 0,84%, trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân hơn 90kg/con, lợi nhuận chăn nuôi của các hộ áp dụng VietGAP tăng cao hơn 7% so với các hộ khác trong vùng.

Môi trường chăn nuôi trong vùng không bị ảnh hưởng xấu và sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn. Việc xây dựng các hầm xử lý chất thải chăn nuôi (hầm bioga) còn giúp các hộ chăn nuôi mỗi tháng tiết kiệm được gần 300.000 đồng nhiên liệu cho đun nấu hoặc thắp sáng.

Không chỉ mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi, Dự án LIFSAP còn mang lại tiện ích rất lớn cho người tiêu dùng. Khu bán thực phẩm tươi sống chợ Nông Trường, được Dự án LIFSAP cải tạo theo một mẫu chuẩn với kinh phí hơn 700 triệu đồng.

Chợ được xây cao, thông thoáng, hệ thống chiếu sáng, quầy bán thịt được ốp đá và có hệ thống nước sạch nhà vệ sinh công cộng thuận tiện. Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, Dự án LIFSAP còn tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho ban quản lý chợ và tiểu thương cách vận hành, bảo quản tài sản và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hoa, người bán thịt lợn, cho biết: “Trước đây, khi chưa nâng cấp chợ thực phẩm tươi sống, chúng tôi bày hàng trên bàn gỗ, sử dụng lâu ngày bị xuống cấp, xập xệ, mùa mưa nền quầy nhớp nháp rất bẩn. Bây giờ chợ có vòi nước sạch, hệ thống thoát nước thải thuận lợi cho người bán hàng, bảo đảm được vệ sinh môi trường của chợ.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-chan-nuoi-nong-ho-mien-nui-van-kho-khan Phát Triển Chăn Nuôi Nông… nuoi-ga-noi-lai-theo-mo-hinh-sinh-hoc Nuôi Gà Nòi Lai Theo…