Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt

Ngày đăng 09/01/2013

Sau hơn 7 tháng thả nuôi, đến nay mô hình nuôi cá nước ngọt của hộ ông Bùi Tá Lợi ở xã Nghĩa Kỳ và hộ ông Nguyễn Điều ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã đem lại kết quả. Đây là mô hình được kỳ vọng sẽ giải quyết cho nhiều diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trong sản xuất của địa phương.

Ruộng đất có nhiều nhưng lại nằm trong vùng trũng, không thuận lợi cho việc trồng lúa nên sau nhiều năm trồng lúa kém hiệu quả, ông Nguyễn Điều ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng đã quyết định "dồn điền, đổi thửa" nhằm tìm kiếm một hướng đi mới. Với diện tích mặt hồ trên 1000 m2, ông Điều thả 2.000 con cá trắm cỏ. Để tận dụng lượng phân thải của cá trắm cỏ và nguồn thức ăn ở tất cả các tầng trong một diện tích nuôi, ông Điều còn thả nuôi thêm nhiều loại cá khác như: Cá mè trắng, cá chép hồng, rô phi, cá trôi…

Bắt đầu thả nuôi từ tháng 4/2012, đến nay số lượng cá sống đạt 85%. Trong đó, cá trắm cỏ có trọng lượng bình quân trên 1 kg/con. Các loại cá khác có trọng lượng từ 0,4 - 0,5 kg/con. Hiện nay, cá trắm cỏ có giá 40.000 đồng/kg; cá trôi, cá rô phi, cá chép 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Điều thu lãi khoảng 44 triệu đồng (chưa tính đến sự hỗ trợ của Nhà nước cho gia đình về giống và vật tư là 11 triệu đồng).

Ông Điều cho biết: "Cá trắm cỏ là loại cá dễ nuôi. Ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên có sẵn, ông còn tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rau, cỏ, bèo, lá mì… để làm thức ăn bổ sung cho cá, nhằm giảm bớt chi phí". Theo ông Điều, so với trồng lúa, nuôi cá nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Người nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để cho cá ăn (vào buổi sáng và buổi chiều).

Còn ông Bùi Tá Lợi (ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ) thì lại chọn loại cá thác lác cườm để nuôi. Với diện tích 500m2, ông Lợi thả 2.500 con cá thác lác cườm. Sau hơn 7 tháng nuôi, tỉ lệ sống trên 70%. Đây là loại cá mới đối với người nuôi, lại có giá trị kinh tế cao. Dựa vào lợi thế ao nuôi gần chợ nên hằng ngày ông Lợi có thể cung cấp đủ nguồn thức ăn tươi cho cá.

Ông Lợi chia sẻ: "So với một số loại cá nước ngọt khác thì hiện nay cá thác lác cườm có giá trị cao hơn. Nguồn thức ăn của cá chủ yếu là cá con tươi. Mặt khác, đây là loại cá có hình dáng đẹp nên nhiều người mua về làm cảnh. Sắp đến Tết Nguyên đán nên số lượng người mua về làm cảnh tăng vọt, lại bán được với giá cao hơn rất nhiều so với cá thương phẩm". Hiện tại ông Lợi đã bán được hơn 200 con cá thác lác cườm, trọng lượng từ 3 - 5 gram/con. Trung bình mỗi con có giá từ 100 - 200 ngàn đồng. Trong khi giá cá thương phẩm là 70.000 đồng/kg.

Ông Phạm Đăng Đồng - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa cho biết: Hiện nay có nhiều diện tích trồng lúa và hoa màu kém hiệu quả, người dân chỉ có thể canh tác một vụ nhưng cũng không mấy "mặn mà", bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vì vậy việc "dồn điền, đổi thửa", tìm kiếm một hướng đi mới là cần thiết. Mô hình nuôi cá nước ngọt bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Cái khó nhất là việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, nếu bà con không thu hoạch đại trà như trước đây, mà thu hoạch tỉa trong thời gian kéo dài thì sẽ tiêu thụ dễ dàng. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục khuyến khích bà con nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

de-nong-dan-chan-nuoi-bo-sua-phat-trien-ben-vung Để Nông Dân Chăn Nuôi… hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-ca-long-tren-song-hong-o-vu-thu-thai-binh Hiệu Quả Từ Mô Hình…