Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và Giám Sát Dịch Bệnh Cúm Trong Chăn Nuôi Thủy Cầm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Quản Lý Và Giám Sát Dịch Bệnh Cúm Trong Chăn Nuôi Thủy Cầm

Ngày đăng 14/10/2013

Nuôi vịt là nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập cho rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, với phương pháp chăn nuôi chưa đảm bảo điều kiện an toàn sinh học như hiện nay rất dễ xảy ra dịch bệnh.

Trên địa bàn tỉnh, dịch cúm gia cầm xảy ra liên tiếp vào các năm 2004, 2005, 2007, 2008 và từ năm 2009 đến nay các ổ dịch xảy ra nhỏ lẻ rải rác ở các huyện, thành phố, thị xã và chủ yếu trên đàn thủy cầm. Đặc biệt trong năm 2012, dịch cúm gia cầm đã phát ra ở các huyện Yên Mô, Nho Quan, thị xã Tam Điệp với số gia cầm phải tiêu hủy lên tới 60.000 con.

Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Khó khăn trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là đa phần các hộ chăn nuôi đều nuôi dưới hình thức nhỏ lẻ, tự phát và mang tính thời vụ. Đàn vịt thịt thả đồng tăng đột biến vào tháng 6, tháng 7 để tận dụng lúa rơi rụng sau thu hoạch và lúa dài ở cánh đồng cấy một vụ.

Hình thức chăn nuôi này mang lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro khi người chăn nuôi không thực hiện tốt quy trình phòng, chống dịch bệnh, trong khi mật độ thả cao và cùng chung nguồn nước. Mầm bệnh trong môi trường phát tán và lây lan nhanh trong khi công tác giám sát dịch bệnh chưa kịp thời, việc chẩn đoán, xét nghiệm phải gửi mẫu lên Trung ương nên mất nhiều thời gian, dẫn đến việc khống chế dịch bệnh gặp nhiều hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn trên, năm 2013 Chi cục Thú y tỉnh đã thực hiện đề tài khoa học: “Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, xây dựng mô hình quản lý và giám sát dịch bệnh cúm gia cầm trong chăn nuôi thủy cầm ở nông hộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

Mục tiêu nhằm chẩn đoán nhanh bệnh cúm gia cầm để triển khai kịp thời các biện pháp khống chế ổ dịch, đồng thời xây dựng mô hình quản lý và giám sát bệnh cúm gia cầm trong chăn nuôi thủy cầm ở các xã, phường. Đề tài được triển khai ở 3 xã: Yên Sơn (thị xã Tam Điệp), Quỳnh Lưu (Nho Quan) và Thượng Kiệm (Kim Sơn).

Anh Đinh Văn Quảng, thôn Lang Ca, xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp đã nhiều năm chăn nuôi vịt trên cánh đồng ruộng trũng ven núi nhưng chưa bao giờ anh thu lời cao như năm nay. Chăn nuôi vịt vừa được mùa, vừa được giá nên cứ xuất lứa vịt này anh lại triển khai nuôi lứa vịt khác, trung bình chỉ 2 tháng/1 lứa. Mỗi lứa anh nuôi từ 1.000 đến 1.500 con vịt thịt.

Anh Quảng cho biết: Trước kia, nuôi theo kinh nghiệm dân gian bấp bênh lắm, năm được năm mất, nhất là khi dịch bệnh xảy ra thì mất sạch vốn liếng. Nhưng từ khi được cán bộ thú y thị xã về hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn thì hiệu quả hơn nhiều. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, anh đã nuôi 3 lứa vịt, mỗi lứa thu về không dưới 10 triệu đồng.

Cùng chung niềm vui như anh Quảng, anh Phan Văn Thiện, cùng thôn chia sẻ: Năm nay, các hộ nuôi vịt của thôn đều thực hiện đúng theo quy trình từ việc kiểm tra chất lượng con giống mới mua về, lập sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ ngày nhập, ngày xuất, số lượng, sức khỏe tình trạng của đàn vịt từng ngày. Sau khi nhập vịt giống về khoảng 15 ngày thì tiêm vắc xin dịch tả và 1 tuần sau thì lại tiêm vắc xin H5N1. Cánh làm này đã làm cho đàn vịt khỏe mạnh, lớn nhanh, tỷ lệ xuất chuồng cao, trên 95%.

Cùng với tiêm phòng dịch, các hộ nuôi vịt ở xã Yên Sơn còn được UBND thị xã hỗ trợ vôi bột khử trùng chuồng trại, Chi cục Thú y hỗ trợ hóa chất để khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh. Lãnh đạo UBND xã Yên Sơn cho biết: Năm 2012, các hộ dân nuôi theo kinh nghiệm truyền thống, không có biện pháp phòng, chống dịch nên đã xảy ra dịch cúm AH5N1 trên địa bàn, 12 nghìn con gia cầm phải tiêu hủy, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Năm 2013 được thụ hưởng dự án của Chi cục Thú y tỉnh, việc chăn nuôi được thực hiện quy củ, ý thức của các hộ chăn nuôi được nâng lên một bước, do vậy dù số lượng đàn vịt của xã tăng 2 lần so với năm trước nhưng không có dịch bệnh xảy ra.

Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong khuôn khổ đề tài, Chi cục đã tiến hành tập huấn, nâng cao năng lực trong chẩn đoán, xét nghiệm cho 200 người là cán bộ kỹ thuật của Chi cục và Thú y xã, phường về phương pháp chẩn đoán lâm sàng, kiểm tra, lấy và gửi mẫu, phương pháp xét nghiệm.

Đồng thời đầu tư mua các máy xét nghiệm tại hiện trường, qua đó giúp chẩn đoán nhanh bệnh cúm gia cầm trong thời gian 2-3 giờ, sớm có kết quả để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Về mô hình quản lý và giám sát dịch bệnh cúm gia cầm trong chăn nuôi thủy cầm ở 3 xã, thực hiện đề tài, chúng tôi xây dựng bằng cách cấp sổ theo dõi quá trình chăn nuôi đàn thủy cầm đến từng hộ chăn nuôi; UBND xã, trạm thú y, chi cục thú y hướng dẫn người chăn nuôi ghi chép sổ sách và theo dõi quá trình chăn nuôi của các hộ chăn nuôi, đồng thời chuyển giao quy trình phòng, chống dịch đến từng hộ. Kết quả đến nay cả 3 xã tham gia mô hình đều không để xảy ra dịch bệnh, chăn nuôi phát triển.

Từ kết quả của đề tài, thời gian tới Chi cục Thú y tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình và đề xuất, tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT quy định phương thức quản lý và giám sát của các xã, phường, thị trấn về bệnh cúm gia cầm trong chăn nuôi thủy cầm ở các nông hộ trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần phát triển ngành chăn nuôi thủy cầm, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.


Có thể bạn quan tâm

tim-giai-phap-phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-an-toan-dich-benh Tìm Giải Pháp Phát Triển… bo-tot-lai-ninh-thuan Bò Tót Lai Ninh Thuận